Chuyến đi tháng Mười
VBĐVN.vn - Nhân dịp Kỷ niệm 60 năm ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961/23-10-2021), Ban Biên tập gửi đến bạn đọc bài viết "Chuyến đi tháng Mười" của Đại tá Trần Phong, nguyên Thuyền trưởng Tàu 55, Đoàn trưởng Đoàn 125 đăng trên báo Hải quân điện tử.
Tàu 55 đi chuyến thứ hai có nhiệm vụ chở 61 tấn vũ khí vào bến Cà Mau để kịp thời chi viện cho chiến trường Khu 9. Trong quá trình đi, gặp thời tiết bất thường, chúng tôi dự đoán vận tốc không chính xác nên khi xác định được tàu đến đúng cửa Rạch Gốc (mũi Cà Mau) thì muộn giờ, thủy triều đã rút xuống thấp, tàu chở đầy hàng, không vào được trong sông, buộc phải nằm lại chờ nước lên.
Ở tình thế “Tiến thoái lưỡng nan” như vậy thì cán bộ phụ trách bến, anh Mười Thượng và Ba Cụt (anh bị thương cắt cụt một tay) đi xuồng máy ra gặp tàu. Hai anh động viên chúng tôi: “Không sao đâu, ở đây thường cuối tuần vẫn có tàu ghé ra Hòn Khoai. (Hòn Khoai cách Rạch Gốc khoảng 10 km về phía Nam-Tây Nam) bán hàng cho dân. Giờ ta ngụy trang theo hướng đó, vừa bốc bớt hàng, vừa xả nước dằn… chờ con nước tới ta sẽ vào cửa ngay”. Đi liền theo sau hai anh cán bộ bến, có đến vài chục chiếc ghe thuyền lớn nhỏ, có cái mái chèo, cái đuôi tôm, máy đẩy… tới tập cập mạn vào tàu lấy hàng.
Tôi bàn ngay với anh Thắng, Bí thư, Chính trị viên; anh Hùng Đoàn 759; anh Ngôn, từng là thuyền trưởng tàu chiến đấu mới bổ sung về làm Thuyền phó Tàu 55. Nội dung ngắn gọn: Một là, ngụy trang tàu ngay theo ý kiến của cán bộ bến; hai là phải báo động chiến đấu sau ngụy trang tàu, một ban cùng bến dỡ hàng, cơ điện bơm xả nước dằn tàu (biện pháp cho tàu nổi); ba là tôi lên đỉnh đài chỉ huy, chỉ huy tàu (bạt che ngụy trang, ở dưới không quan sát được gì); anh Thắng làm công tác chính trị theo chức trách đồng thời giữ liên hệ trực tiếp để tranh thủ ý kiến cán bộ bến giúp đỡ; anh Ngôn điều khiển, chỉ huy theo lệnh tôi và trực tiếp chỉ huy hỏa lực chiến đấu.
Mọi việc vừa xong thì phát hiện có máy bay Mỹ. Tôi ra lệnh: “Báo động chiến đấu”. Mọi người theo mệnh lệnh. Còn tôi (đang trong bộ trang phục dân bến) gọi tín hiệu lên đài chỉ huy kéo cờ ngụy Sài Gòn và tập trung quan sát. Tôi ở trên đỉnh đài chỉ huy, vẫy tay, làm động tác chào đón máy bay như thể hiện “chào buổi sáng”…
Hình dáng con tàu nhìn từ trên không xuống chỉ loang lổ màu của bạt che, màng trắng, màng sẫm (từ nóc đài chỉ huy không phải ngụy trang gì ngoài cờ ba sọc bay phấp phới và tôi đứng vẫy chào máy bay). Máy bay đến bay lượn ba vòng, nghiêng ngó rồi đi thẳng… Tôi hô to (qua ống dẫn xuống dưới): “Tất cả vẫn ở vị trí chiến đấu, tăng cường quan sát tàu chiến và máy bay”.
Tiếp sau khoảng chừng 5 phút không phát hiện máy bay, tàu chiến xuất hiện chúng tôi nhận định: Chắc là êm và tôi ra lệnh “Kết thúc sẵn sàng chiến đấu”. Ban II trực chiến đấu thay Ban I. Ban I tham gia dỡ hàng… (Ban I, II chiến đấu là ở bảng bố trí chiến đấu tàu có sẵn. Mỗi ban một nửa quân số, khi có lệnh là thực hiện).
Người bến đưa ra cùng người của tàu tập trung dỡ hàng, cười nói rôm rả như không có chuyện gì xảy ra. Một số cô của bến thì tán: Anh Ba, anh Tư vào đây đúng sáng thứ Bảy, lính tráng (ngụy) ở Hòn Khoai thì túm tụm đánh bạc, phi công thì lo về Sài Gòn nhảy đầm, nên không có ai đến thăm. Vừa lúc đó, thủy thủ trưởng hô to, như reo lên “Tàu lắc lư, tàu nổi lên rồi”… Anh Ba Cụt nhảy ngay vào buồng lái giúp chúng tôi dẫn tàu vào sông và dưới sự che đậy của rừng đước, rừng dừa, Tàu 55 được đi thẳng vào nơi ém đậu để ngụy trang dỡ hàng. Đến đây tất cả mọi người mới thật sự hết lo lắng để trở lại mừng vui. Tôi nhận thấy có lẽ số người trong bến thì anh Mười Thượng và anh Ba Cụt là người tỏ ra vui mừng nhất.
Cán bộ, chiến sĩ Tàu 55 vui mừng không sao tả xiết. Sự việc xảy ra trong vòng 2 giờ, sáng ngày 19-10-1963. Hai giờ ghi nhận sự khôn ngoan, mạnh mẽ, đoàn kết, thương yêu một lòng của quân dân bến Cà Mau với Tàu 55. Tất cả đã giúp cho Tàu 55 lập thành tích lớn dâng lên Lễ kỷ niệm 3 năm Ngày thành lập Đoàn 759 - Đoàn tàu Không số (23-10-1961 - 23-10-1963).
Theo baohaiquanvietnam.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận