Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961 / 23-10-2021)

Vào Gành Hào giữa ban ngày

14:55 17-10-2021

VBĐVN.vn - Đầu tháng 9-1970, Tàu 154 đã thực hiện một chuyến cập bến đầy táo bạo và bất ngờ vào cửa ngõ đồn Gành Hào (Bạc Liêu) giữa ban ngày. Trường hợp này đối với Đoàn tàu Không số có lẽ là có một không hai.

Dịp này, chúng tôi được trò chuyện nhiều hơn với cán bộ, chiến sĩ đã từng tham gia con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển. Trong đó, Trung tá Vũ Trung Tính-người có tới 18 chuyến vượt biển từ Bắc vào Nam cùng Tàu không số đã cung cấp cho chúng tôi rất nhiều tư liệu quý.

Vũ Trung Tính là người xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Năm 19 tuổi, sau khi tốt nghiệp Khóa 2, Trường Trung cấp Hàng hải tại Hải Phòng, Vũ Trung Tính về công tác tại Xí nghiệp đánh cá Ninh Cơ, tỉnh Nam Định. Rồi ông xung phong nhập ngũ về Quân chủng Hải quân.

Tháng 2-1964, Vũ Trung Tính tham gia huấn luyện chiến sĩ mới ở Trung đoàn 170, sau đó được biên chế về Đoàn 125. Ông kể: Đầu tháng 9-1969, tôi được điều động về Tàu 154 phụ trách Thuyền phó hàng hải cùng cán bộ, thủy thủ tàu vận chuyển 58 tấn vũ khí vào Cà Mau.

Trung tá Vũ Trung Tính (ngồi phía trong bên phải) kể lại kỷ niệm chuyến đi với các cựu chiến binh Hải quân huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Minh Phát

19 giờ ngày 17-9-1969, tàu xuất phát từ cảng K20, Thủy Nguyên, Hải Phòng theo tuyến đi của Tàu 42 mới trinh sát về. Qua gần 10 ngày lênh đênh vượt sóng to, gió lớn và tìm đủ mọi cách để luồn lách tránh địch, Tàu 154 đưa hàng vào Cà Mau, rồi quay ra Bắc an toàn.

Tháng 8-1970, Tàu 154 lại nhận nhiệm vụ đặc biệt: Chở 58 tấn vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam; chở đồng chí Lê Quốc Thân, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Đoàn 125 vào tăng cường cho Đoàn 962 ở Cà Mau; chở 5 cán bộ đặc công nước vào tăng cường cho chiến trường miền Nam; khi giao hàng xong quay ra Bắc nếu thuận lợi thì đưa cán bộ, chiến sĩ của 3 tàu 187, 69, 100 đang bị kẹt ở Cà Mau về. Chuyến đi này, cấp ủy tàu có 3 đồng chí: Chính trị viên Phạm Văn Bát, Thuyền trưởng La Minh Tốt và Thuyền phó hàng hải Vũ Trung Tính.

19 giờ ngày 24-8-1970, Tàu 154 nhổ neo rời cảng K20 vào Nam. Qua khỏi cửa Nam Triệu đến đảo Long Châu thì gặp sóng to, gió lớn, tàu phải đi ngược về hướng Bắc qua bán đảo Lôi Châu, qua đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Khi chuyển hướng theo kế hoạch đi về phía Philippines thì Tàu 154 gặp tàu khu trục Mỹ hoạt động và một số tàu buôn nước ngoài. “Chúng tôi phải chuyển hướng đi rất nhiều lần, giả vờ đánh lưới, câu cá để che mắt sự săn lùng của địch. Trên nóc đài chỉ huy tàu treo cờ Philippines rồi đi qua Indonexia, Malaysia. Mấy hôm sau thì không còn thấy Tàu khu trục Mỹ hoạt động nữa”-ông Tính nói.

Từ hải phận Malaysia, Tàu 154 chuyển hướng vào Nam, bắt đèn hải đăng Hòn Khoai (Cà Mau). Từ đèn Hòn Khoai chuyển hướng vào bến Vàm Hố để giao hàng theo kế hoạch định trước. Khi vào gần Vàm Hố thì phát hiện một số tàu chiến của Hải quân Sài Gòn đang hoạt động và neo đậu. Tàu 154 không vào bến nữa mà lại chuyển hướng đi về Bạc Liêu.

Lúc ấy đã 3 giờ sáng, tàu chưa thể xác định được vị trí vào. Ý kiến của Thuyền trưởng La Minh Tốt và Chính trị viên Phạm Văn Bát là cho tàu ra hải phận quốc tế. Đồng chí Lê Quốc Thân, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Đoàn 125 vào tăng cường cho Đoàn 962 đi cùng hỏi ý kiến Thuyền phó Tính: “Còn đủ thời gian cho tàu quay ra hải phận quốc tế nữa hay không?”. Ông Tính đáp: “Không đủ thời gian cho tàu ra ngoài hải phận quốc tế. Tốt nhất là cho tàu tiếp tục vào bờ. Nếu có xảy ra chiến đấu, hy sinh hủy tàu thì may ra một số đồng chí có thể bơi vào bờ được. Nếu cho tàu quay ra hải phận quốc tế mà địch phát hiện được, tàu phải chiến đấu thì sẽ hy sinh toàn tàu”. Các đồng chí suy nghĩ một lát rồi thống nhất tiếp tục tìm cách cho tàu vào bờ.

Tàu 154 tiến sát vào đất liền, đến 4 giờ sáng, một số đồng chí đứng ở mũi tàu quan sát thấy phía bên phải có một con sông lớn. Đoán chắc đây là sông Gành Hào, tàu tiến thẳng vào.

Lúc này thủy triều đang xuống mạnh. Trời có sương mù nhẹ. Tàu chở hàng nặng nên đi rất chậm. Vượt qua 3 hàng đáy của dân, Thủy thủ trưởng Phạm Văn Nô phát hiện bên mạn trái có con rạch, hai bên cây cối um tùm, Tàu rẽ và đi sâu vào con rạch.

“Đến một hàng cây rậm rạp, chúng tôi tắt máy dừng lại. Một số đồng chí thấy trên bờ có một người mặc bộ quần áo bà ba đen, cổ vắt khăn rằn ri, vai vác khẩu AR-15 của Mỹ, chúng tôi đoán có thể là lính ngụy đi tuần tra. Tôi đề xuất hạ xuồng cao su đưa đồng chí Phạm Văn Nô và 2 thủy thủ lên bờ bắt sống người này. Qua khai thác, rất bất ngờ người này khai là du kích đi gác cho cuộc họp ở bến. Ba người yêu cầu dẫn đến tận nơi thì đúng vậy”- Trung tá Tính chậm rãi kể.

Trung tá Vũ Trung Tính (thứ hai từ trái sang) cùng đồng đội Đoàn tàu Không số năm 1965. Ảnh: TL

Đến 7 giờ, Tàu vừa ngụy trang xong thì một máy bay trinh sát OB-10 bay đến và lượn trên tàu 2 vòng, không phát hiện được gì nên bay đi. Các đồng chí ở Gành Hào xin 10 tấn vũ khí nhưng nếu bốc hàng giữa ban ngày mà tàu chỉ cách đồn địch gần 1km rất dễ bị lộ nên chỉ huy tàu thống nhất phương án là di chuyển về bến Vàm Hố xong sẽ giao vũ khí cho các đồng chí ở Gành Hào.

19 giờ cùng ngày, thủy triều lên, Tàu 154 rút khỏi Gành Hào. Địa phương cử 2 đồng chí Nguyễn Văn Uyển, Tổ trưởng Đảng và Út Phổ, Xã đội trưởng theo tàu đến Vàm Hố.

Hơn 1 giờ sau, Tàu 154 tới bến Vàm Hố. Anh em trên bến vui mừng khôn xiết. Tất cả chung tay vừa ngụy trang vừa bốc hàng. Trong 1 ngày, toàn bộ 58 tấn vũ khí được đưa lên bờ. Đồng chí Lê Quốc Thân và 5 đặc công nước tới đơn vị mới nhận nhiệm vụ an toàn.

Ở lại bến ít hôm, Tàu 154 lợi dụng đêm tối rời Vàm Hố ra Bắc. Thời điểm này, Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ hoạt động rất ráo riết nên số cán bộ của 3 tàu 187, 69, 100 không thể theo tàu về Bắc được.

“Hơn 30 năm quân ngũ, trải qua nhiều cương vị khác nhau nhưng 7 năm làm nhiệm vụ tại Đoàn tàu Không số là khoảng thời gian đẹp nhất và ý nghĩa nhất trong cuộc đời tôi. Giờ đây mỗi lần nhắc tới những kỷ niệm ấy là tôi như trở lại thời trẻ, thời đồng đội, đồng chí cùng nhau sống chết vì Tổ quốc”-Trung tá Vũ Trung Tính khẳng định với chúng tôi.

Theo baohaiquanvietnam.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang