Con chữ ở Song Tử Tây không mang gương mặt phụ nữ
Nói rằng con chữ ở xã Song Tử Tây (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) không mang gương mặt phụ nữ là bởi trong quan niệm của các em học sinh trên hòn đảo này giáo viên chỉ có nghĩa là thầy giáo. Tại Trường Tiểu học Song Tử Tây, kể cả khối mầm non, không có một cô giáo nào, toàn bộ biên chế chỉ vỏn vẹn có hai giáo viên nam.
Lớp học "đặc biệt của đặc biệt”
Song Tử Tây nằm ở phía Bắc quần đảo Trường Sa, có diện tích 12 ha, lớn thứ hai trong số các hòn đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam, sau đảo Trường Sa. Trên đảo có một số hộ ngư dân (gồm các cặp vợ chồng trẻ cùng con nhỏ), một trạm khí tượng thủy văn, một ngọn hải đăng, một ngôi chùa, tượng đài Trần Quốc Tuấn và một ngôi trường.
Do sĩ số học sinh không đông, biên chế giáo viên ít nên Trường Tiểu học xã Song Tử Tây kiêm “ôm” luôn cả khối mầm non. Điều đặc biệt mà chúng tôi nhận thấy ở đây là tổng số học sinh của trường không thay đổi trong một số năm nhất định nhưng lại có sự biến động rất lớn ở mỗi cấp học sau từng năm một. Vào tháng 5 năm nay, khi phóng viên TTXVN đến thăm trường, thì không có khối học sinh lớp 5. Nhưng đến tháng 12, khi trao đổi với giáo viên phụ trách Nguyễn Hữu Phú, chúng tôi được biết trong năm học mới này trường đã có khối học sinh lớp 5 nhưng lại khuyết khối 4.
So với lớp ghép tại các điểm trường trên núi cao trong đất liền thì cơ sở vật chất của lớp ghép ở đảo Song Tử Tây kiên cố, sạch, đẹp hơn nhưng thành phần học sinh của lớp lại đa dạng hơn.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lớp ghép được áp dụng ở cấp tiểu học tại những địa bàn đặc biệt khó khăn nhằm thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục. Lớp học ghép là hình thức dạy học khi một giáo viên trong cùng một thời gian và một không gian phải dạy học sinh ở hai hay nhiều nhóm trình độ khác nhau.
Thường mỗi lớp ghép không quá 15 học sinh và không quá hai nhóm lớp (tức hai trình độ khác nhau). Trong trường hợp đặc biệt có thể ghép ba trình độ nhưng mỗi lớp không quá 10 học sinh. Hạn chế ghép lớp đầu cấp (lớp 1) và lớp cuối cấp (lớp 5) mà khuyến khích lớp ghép gồm các trình độ liền nhau (lớp 1 và lớp 2).
Trường Tiểu học xã Song Tử Tây là “trường hợp đặc biệt của đặc biệt” bởi lớp ghép không chỉ bao gồm ba trình độ mà còn phải ghép lớp đầu cấp (lớp 1) với lớp cuối cấp (lớp 5) và thêm “gạch nối” lớp giữa cấp (lớp 2). Vậy là hình thành mô hình 1 + 2 + 5 rất độc đáo. Sang năm học mới 2020 - 2021 mô hình này có thể thay đổi thành 2 + 3 + 4 hay 1 + 3 + 5, tùy theo sự biến động của sỹ số học sinh.
Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Phú và thầy giáo Nguyễn Bá Ngọc khéo léo ghép những bài học kiến thức mới ở trình độ này (lớp 5) với những bài ôn tập, luyện tập, thực hành ở trình độ kia (lớp 1, lớp 2) và ngược lại. Các hình thức giảng dạy trong mỗi buổi học được áp dụng linh hoạt: dạy học chung cả lớp, dạy học riêng từng nhóm trình độ, dạy học cho mỗi cá nhân học sinh; phát huy khả năng học tập độc lập và hợp tác nhóm của học sinh; tăng cường khả năng hỗ trợ lẫn nhau giữa học sinh của các nhóm trình độ và giữa học sinh khá, giỏi với học sinh yếu.
Đánh giá về kết quả học tập của các lớp ghép trong năm học 2018 - 2019 và học kỳ I năm học 2019 - 2020 ở Trường Tiểu học xã Song Tử Tây, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Phú khẳng định: “Học sinh của chúng tôi không hề thua kém so với các em tại lớp học bình thường trên đất liền. Ở Song Tử Tây cũng có những học sinh xuất sắc như hai anh em trai Ngô Nguyễn Thiên Long (lớp 2) và Ngô Nguyễn Thiên Lâm (lớp 1)”.
Sự so sánh này là có cơ sở bởi vì thầy Phú đã từng dạy 3 năm tại một số trường tiểu học của huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.
Làm thay đôi tay cô giáo
Song Tử Tây tuy có diện tích khá lớn và có nhiều cây xanh so với các hòn đảo khác ở quần đảo Trường Sa nhưng điều kiện thiên nhiên cũng rất khắc nghiệt. Đảo thiếu nước, đất mùn, rau xanh, thịt tươi nhưng lại thừa gió, bão, nắng và cát. Từ tháng 6 đến cuối năm là mùa biển động, sóng dữ dội nên các tàu đánh cá không thể ra khơi mà nghề câu ven chân đảo cũng cực kỳ nguy hiểm.
Các ngư dân trên đảo Song Tử Tây kể, có lần sóng mạnh và kéo dài đến mức suốt 10 ngày con tàu hậu cần không thể tiếp cận hòn đảo dù người trên đảo và người trên tàu nhìn thấy được nhau.
Nước ngọt là của quý, món ăn quen thuộc là đồ hộp, hoa quả tươi là điều hiếm hoi… Điều này lý giải vì sao tất cả các cán bộ, nhân viên của các cơ quan trên đảo toàn là nam giới, từ cảng cá, xưởng sửa chữa tàu, trạm xăng, trạm khí tượng thủy văn, hải đăng đến trường học.
Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Phú (sinh năm 1982, trú ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) xung phong ra đảo từ tháng 5/218 sau một số năm dạy học ở quê nhà. Thầy cho biết: “Ở trường có rất nhiều phần việc cần đến bàn tay của phụ nữ nhưng vì không có cô giáo nên các thầy phải làm hết những phần việc là thế mạnh của chị em”.
Khai giảng năm học mới, đêm văn nghệ hay các tiết học thủ công, múa, hát… là dịp mà các thầy giáo ở Trường Tiểu học xã Song Tử Tây phải trổ hết khả năng khéo léo, tỉ mỉ của mình để hoàn thành trách nhiệm và đem đến niềm vui cho các trò nhỏ.
Thầy giáo Nguyễn Bá Ngọc (sinh năm 1993), vốn là trai Bắc (quê ở tỉnh Thái Bình) nhưng thường trú tại thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Tình yêu nghề đã thúc đẩy anh đến với nơi đầu sóng ngọn gió. Vì tuổi còn trẻ, “giọng thanh, tay dẻo” nên thầy Ngọc được phân công phụ trách khối mầm non, đảm nhận luôn phần việc của giáo viên dạy múa, hát, thủ công và nữ công.
Chưa có vợ, con nhưng thầy Ngọc rất khéo léo trong việc “dỗ trẻ con”, chăm sóc học sinh mầm non. Những ngày đầu chưa quen việc, lại sống ở môi trường xa lạ, khó khăn nên thầy không khỏi có tâm tư, lo nghĩ. Nhưng tinh thần trách nhiệm và tình yêu trẻ đã nhanh chóng giúp anh lấy được thăng bằng và cuốn vào công việc.
Thầy Ngọc tâm sự: “Phần thưởng đối với chúng tôi là sự ham học, chăm ngoan của học sinh ở xã đảo. Dù lực học của các em có thể khác nhau, nhưng tất cả các học sinh của trường đều rất cố gắng, không năm nào có học sinh cá biệt”.
Tại nhiều xã, bản thuộc diện đặc biệt khó khăn trên đất liền các thầy, cô phải chia nhau đến từng nhà dân vận động trẻ em đến trường. Ở xã đảo Song Tử Tây cuộc sống cũng còn rất khó khăn nhưng các em nhỏ đã biết yêu con chữ, rất thích đi học, chưa hết Hè đã mong ngóng ngày tựu trường mà không cần các thầy phải vận động hay dỗ dành.
Thầy giáo Nguyễn Hữu Phú kể: “Trên hòn đảo con con, xung quanh là sóng biển, giáo viên gần như quanh năm bám đảo nên thầy và trò rất gắn kết. Mỗi năm chúng tôi chỉ được một lần về đất liền 30 ngày vào dịp hè. Nhưng chúng tôi không nỡ nghỉ hết đợt phép duy nhất đó, một phần vì trách nhiệm, phần khác vì nhớ trò. Tôi sẵn sàng đăng ký thêm một nhiệm kỳ 5 năm ở đảo vì thực sự thấy gắn bó với nơi này”.
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận