Công bố Chiến lược sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo

09:35 05-06-2023

VBĐVN.vn - Việc công bố Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo là sự kiện có ý nghĩa, nhằm cụ thể hóa việc thực hiện các chủ trương của Đảng về phát triển bền vững kinh tế biển; bảo đảm khai thác, sử dụng hiệu quả, công bằng tài nguyên trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế - xã hội.

Nhập chú thích

Chiều 3-6 tại Nghệ An, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị công bố Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Hội thảo về quy hoạch không gian biển quốc gia.

Cụ thể hóa chủ trương của Đảng về phát triển bền vững kinh tế biển

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết, hội nghị được tổ chức trong khuôn khổ Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường và Ngày Đại dương thế giới và Ngày Môi trường thế giới năm 2023.

Đây là sự kiện có ý nghĩa, khẳng định quyết tâm, tầm nhìn chiến lược nhằm cụ thể hóa việc thực hiện các chủ trương của Đảng về phát triển bền vững kinh tế biển; bảo đảm khai thác, sử dụng hiệu quả, công bằng tài nguyên trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế - xã hội. Đồng thời, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh trên các vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.

Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Ban chấp hành Trung Đảng về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã khẳng định phải phát triển kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển. Đồng thời, tăng cường liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh; phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước.

Để góp phần hiện thực hóa Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 3-4-2023 về Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức sự kiện công bố ngày hôm nay với mong muốn nhận được sự quan tâm ủng hộ để triển khai thực hiện có hiệu quả “Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Bích Liên

Cùng với việc công bố Chiến lược, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo về Quy hoạch không gian biển Quốc gia. Đây là công cụ quan trọng để cụ thể hóa “Quy hoạch tổng thể quốc gia” và tạo lập cơ sở cho quản lý các hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn các hệ sinh thái biển một cách hiệu quả; góp phần hình thành các ngành kinh tế biển vững mạnh, tạo thêm nhiều sinh kế cho người dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển.

“Chúng tôi mong muốn đến năm 2050, toàn bộ các vùng biển Việt Nam được quản lý hiệu quả và sử dụng bền vững theo không gian, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, sức chống chịu, sức tải môi trường, hệ sinh thái biển, hải đảo và hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia giàu, mạnh về biển. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng mong muốn nhận được nhiều ý kiến thiết thực, quý báu để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 48/NQ-CP và hoàn thiện Quy hoạch không gian biển quốc gia bảo đảm chất lượng”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân khẳng định.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của Tổ chức phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, sau khi Chiến lược được thông qua, Chính phủ cần đẩy nhanh việc xây dựng và phê duyệt quy hoạch không gian biển (MSP), điều cần thiết để khai thác tiềm năng to lớn của nền kinh tế biển bền vững.

Cũng theo bà Ramla Khalidi, biển và hải đảo của Việt Nam đang được khai thác bởi nhiều ngành khác nhau, nhưng sự phối hợp còn hạn chế. Do đó, tăng cường quản trị và điều phối trong các lĩnh vực kinh tế biển như du lịch, vận tải biển, thủy sản, công nghiệp, thăm dò và phát triển năng lượng, quy hoạch, đầu tư và môi trường là rất quan trọng để thực hiện thành công Chiến lược cũng như các chính sách quan trọng khác về biển và hải đảo.

Trưởng đại diện thường trú của Tổ chức phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cũng nhấn mạnh, sự hỗ trợ quốc tế về bí quyết, chuyển giao công nghệ, tài chính bền vững sẽ rất cần thiết để thúc đẩy cho sự thay đổi và cũng là một trong những mục tiêu chính của Nghị quyết 48.

“Chúng tôi khuyến nghị Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm của các nước và các đối tác phát triển trong quá trình thực hiện Chiến lược, đặc biệt là khi nhiều nguồn tài nguyên biển vượt ra khỏi biên giới quốc gia và sẽ cần có sự hợp tác quốc tế để quản lý hiệu quả và lâu dài”, bà Ramla Khalidi nhấn mạnh.

Ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường biển

Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, Nghệ An có đường bờ biển dài 82 km, với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển như diện tích vùng biển lớn, tổng trữ lượng thủy, hải sản các loại khoảng 80.000 tấn.

Đại diện tỉnh Nghệ An cho biết, song song với việc phát triển kinh tế, xã hội vùng ven biển thì việc từng bước tiếp cận, tận dụng tối đa các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến trong phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng được quan tâm chỉ đạo. Hiện nay, 100% các khu công nghiệp vùng ven biển đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung và 100% khu đô thị vùng ven biển loại IV trở lên đã có và đang được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường.

“Trong thời gian tới, tỉnh Nghệ An tập trung nguồn lực đẩy nhanh tốc độ xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển của vùng Bắc Trung Bộ, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; hình thành văn hoá biển, phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế biển, đảo gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ...”, ông Nguyễn Văn Đệ cho biết.

Chiến lược phát phát triển kinh tế biển đặt mục tiêu đến năm 2030, tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả để phát triển nhanh và bền vững các ngành kinh tế biển và khu vực ven biển, nhất là các lĩnh vực kinh tế biển chủ lực theo thứ tự ưu tiên: Du lịch và dịch vụ biển; Kinh tế hàng hải; Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; Nuôi trồng và khai thác hải sản; Công nghiệp ven biển; Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; nâng cao đời sống và sinh kế cộng đồng…

Tầm nhìn đến năm 2050: Tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh trên nền tảng tăng trưởng xanh, đa dạng sinh học biển được bảo tồn, môi trường biển và các hải đảo trong lành, xã hội hài hoà với thiên nhiên.

Bích Liên (dangcongsan.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang