Cuộc săn bãi triều, nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi sá sùng

07:54 31-05-2021

Sá sùng (còn gọi là sa trùng) - đặc sản của vùng bãi triều ngập mặn vùng Đông Bắc nước ta thực ra là một loại trùn cát, sinh vật đặc hữu sống trong môi trường bùn cát ngập mặn, giàu phù du. Sá sùng đắt đỏ vì có thể chế biến thành thực phẩm ngon, dinh dưỡng, nhưng một phần vì càng ngày càng khan hiếm do một số người khai thác ráo riết theo hình thức tận diệt.

Sá sùng tươi bán tại bãi triều có giá hơn 300.000đ/kg, tới bàn ăn của người tiêu dùng có thể lên tiền triệu và sơ chế, phơi khô tùy theo mức giá khác nhau, đắt nhất có thể lên tới gần chục triệu đồng/kg. Như vậy đủ thấy, sá sùng đắt đỏ hơn so với nhiều loại đặc sản hiếm và quý từ biển. Sá sùng phân bổ ít hơn, dễ khai thác và khả năng sinh sản, duy trì giống tự nhiên khó hơn, trong khi đó, không thể cho sinh sản nhân tạo loại hải sản có giá trị cao này.

Tại vùng biển Đông Bắc, nơi có vị trí địa lý nằm trong vịnh Bắc Bộ với nhiều vịnh, tùng, áng nước mặn ven bờ chính là môi trường sống lý tưởng của sá sùng. Ngoài ra, bãi triều phải có hệ thực vật nguyên sinh, có cây ngập mặn thì mới có sá sùng cư trú. Lớp cây ngập mặn này giữ hệ phù du sinh vật trong nước và là thức ăn cho sá sùng cùng nhiều loại nhuyễn thể 2 mảnh vỏ khác như ngao, ngán, hàu, sò huyết...

Bãi triều vùng đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh TTH

Sá sùng được nhắc tới như một đặc sản của đảo Quan Lạn và Minh Châu, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh do ở các bãi triều ven đảo Quan Lạn có loại sá sùng ngon nhất. Lý do nữa là nghề đánh bắt sá sùng hình thành lâu đời nhất xuất phát từ cư dân trên đảo. Có những gia đình có nghề đào bắt sá sùng truyền từ đời này qua đời khác, nuôi sống nhiều thế hệ. Càng ngày, mặt hàng này càng đắt do khan hiếm và đã có thời, sá sùng được người ta săn tìm ráo riết để bán. Cán bộ Đồn Biên phòng Quan Lạn, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Ninh đóng trên địa bàn luôn lồng ghép nội dung tuyên truyền bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản mỗi khi có cuộc họp dân hay các đợt tuyên truyền. Nhưng chỉ có người đánh bắt mới hiểu rõ hơn hết, nếu không bảo vệ, không “để dành” cho mùa sau, thì nguy cơ sá sùng cũng sẽ biến mất như sò huyết, ngán, ngao lụa...

Người đánh bắt sá sùng phần lớn là phụ nữ. Họ hiểu đặc tính của loài hải sản bãi triều này. Với chiếc xẻng xắn cát chuyên dụng, họ có mặt ở bãi triều lúc sáng sớm. Ban đêm, sá sùng ở tổ ngoi lên ăn phù du sinh vật, họ dùng xẻng xắn nhanh lớp cát lật lên để bắt. Nắng lên, nhiệt độ tăng cao, nóng bãi cát, con vật sẽ trốn sâu xuống dưới, không bắt được nữa. Điều quan trọng là nghề đánh bắt sá sùng phải hoàn toàn thủ công. Nếu cơ giới hóa hoặc dùng công cụ cày xới bãi cát thì sá sùng không còn khả năng sinh sản, tận diệt đến biến mất.

Việc đã từng xảy ra ở các vùng biển khác như Tiên Yên, Hạ Long, Quảng Yên của tỉnh Quảng Ninh, khi bãi triều bị khô cạn, cây ngập mặn bị chặt phá, khai thác quá mức, hoạt động lấn biển, hút cát làm sá sùng biến mất. UBND tỉnh Quảng Ninh đã quy định thời gian cấm khai thác sá sùng trong tháng 6 và tháng 7 hằng năm (thời gian sinh sản của sá sùng). Hoạt động khai thác chỉ được phép bằng phương pháp thủ công truyền thống là dùng mai, thuổng và chỉ khai thác đối với sá sùng đã đạt kích cỡ dài trên 10cm.

Song hành cùng với đời sống của bà con, Đồn Biên phòng Quan Lạn mỗi khi tiếp nhận phản ánh của người dân thì xác thực thông tin và phối hợp với nhiều cấp, nhiều ngành để bảo vệ khu vực bãi triều. Do nguồn lợi lớn, có nhiều thương lái xúi giục người dân dùng máy bơm áp lực cao, bơm cạn nước và cày xới bãi triều bắt sá sùng. Cả vùng bãi cạn ven biển bị lật tung, môi trường ô nhiễm, hải sản to, nhỏ bị tận diệt.

Có những thời điểm, buổi sáng sớm, khi bà con ra bãi “săn” sá sùng thì cán bộ BĐBP cũng ra hỗ trợ bà con bảo vệ khu vực bãi triều, tuyên truyền, vận động để bà con không khai thác theo hình thức tận diệt, yên tâm theo đuổi sinh kế của mình, đồng thời, xử phạt nghiêm đối với những hộ dân không tuân thủ quy định chung, đánh bắt tận diệt, hủy hoại môi trường.

Vân Đồn có khoảng hơn 2 ngàn ha bãi triều và gần 1.000 ngư dân sinh sống bằng nghề săn bắt sá sùng và các loại nhuyễn thể bãi triều tự nhiên. Người dân gốc ở đảo rất hiểu nguồn lợi hải sản là nguồn sống của họ, nhưng người nơi khác đến, tư thương thu mua chỉ chạy theo lợi nhuận, luôn có những hoạt động đánh bắt tận diệt, đi ngược lại lợi ích của cộng đồng dân cư này. Đặc biệt là hoạt động khai thác cát đã bị ngư dân tẩy chay, phản đối và kiến nghị khiến địa phương phải đình chỉ hoạt động này, sắp xếp lại trật tự và ổn định ở khu vực dân cư ven biển. Theo đó, mọi hành động xâm hại đến bãi triều, làm mất môi trường sống của nguồn lợi hải sản, chính quyền địa phương đều khuyến khích người dân phát hiện, tố giác, làm rõ.

Mới đây, Công ty TNHH Quan Minh, một doanh nghiệp thực hiện nạo vét luồng lạch và khai thác cát silic đã bị bà con tố giác làm ảnh hưởng môi trường và tấn công bãi triều, đổ rác thải làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của sá sùng. Nhiều chỗ bà con thấy lật lên cả sá sùng non và sự lo ngại về thực trạng sá sùng tuyệt diệt là có thật. Huyện Vân Đồn ngay sau đó đã đình chỉ thi công dự án để bảo vệ nguồn lợi hải sản, đồng thời giữ ổn định an ninh trật tự địa bàn.

Nguồn:bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang