Giải pháp nuôi rong biển quy mô lớn

11:49 24-05-2021

Tại Việt Nam đã xác định được 800 loài rong biển thuộc 4 ngành, trong đó, ngành rong đỏ chiếm hơn 400 loại, ngành rong lục chiếm 180 loại, ngành rong nâu hơn 140 loại và ngành rong lam gần 100 loại. Đây là nguồn lợi sinh vật biển vô cùng quan trọng và mang lại giá trị kinh tế lớn khi phát triển và khai thác đúng.

Nguồn: Ảnh internet.

Theo thống kê, diện tích trồng rong biển cả nước ước đạt 25.000 ha, tổng sản lượng rong tươi đạt 35.000 tấn. Phần lớn, rong biển được sử dụng làm thực phẩm ăn tươi hoặc chế biến thành các sản phẩm gia tăng như thạch, mứt… Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, rong biển còn góp phần giảm khí thải nhà kính, làm sạch môi trường, hấp thụ kim loại nặng tại các vùng biển ô nhiễm, nuôi trồng thủy sản.

Mặc dù có điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi trồng, chế biến rong biển, nhưng ngành này cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, sản phẩm chưa đa dạng, sản xuất nhỏ lẻ và manh mún, chưa có công nghệ chế biến và quy hoạch cụ thể. Bên cạnh đó, tình trạng khai thác rong biển quá mức, làm suy giảm nguồn lợi trong tự nhiên. Do vậy, việc khai thác rong biển ngoài tự nhiên cần phải tuân thủ mùa vụ, kỹ thuật nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm và bảo vệ nguồn lợi, đồng thời cần xây dựng một số khu bảo vệ nguồn lợi rong biển kết hợp với các khu bảo tồn thiên nhiên biển, để bảo vệ nguồn gen tự nhiên của rong biển.

Trước triển vọng phát triển của ngành rong biển, cũng như giá trị kinh tế và dinh dưỡng của loại thực phẩm này, theo ông Nguyễn Thế Hân - Trường Đại học Nha Trang cho rằng,cần có kế hoạch hành động phù hợp để thúc đẩy ngành rong phát triển, trong đó tập trung vào một số vấn đề như: Nhà nước cần xây dựng chương trình phát triển công nghệ sinh học bài bản, điều tra cụ thể tài nguyên sinh vật, sự phát triển giống loài làm cơ sở khai thác, chế biến sản phẩm có giá trị từ rong biển; nghiên cứu, đánh giá đầy đủ về hoạt chất sinh học để có nghiên cứu chuyên sâu. Từ đó, kết luận nhóm loài tiềm năng để tập trung đầu tư công nghệ khai thác, chế biến đem lợi ích cho đất nước.

Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, các hệ thống chứng nhận. Phát triển các vùng nuôi thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học, an toàn môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Xây dựng Đề án phát triển ngành rong Việt Nam đến năm 2030, lấy doanh nghiệp làm trung tâm và có sự tham gia của Nhà nước và người dân. Đề án cần chỉ rõ các phương thức tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị phù hợp từng sản phẩm; khuyến khích ứng dụng khoa học, phát triển công nghệ sinh học để nâng cao năng suất, chất lượng nguyên liệu và chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng.

Nguồn:monre.gov.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang