Đa dạng hóa việc phổ biến pháp luật cho nhân dân vùng biên giới, hải đảo
- Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021” đạt được mục tiêu cao hơn, thực chất hơn
- Nhiều cách làm hay, sáng tạo trong phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân vùng biên giới, hải đảo
- Quyết định 930/QĐ-TTg năm 2018 phê duyệt Đề án tuyên truyền bảo vệ chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam giai đoạn 2018-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
VBĐVN.vn - Thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021” (sau đây gọi tắt là Đề án), với tinh thần đổi mới, sáng tạo, chủ động, các tỉnh, thành phố biên giới và các cơ quan, đơn vị trong Quân đội đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án bằng nhiều hình thức, biện pháp, mô hình sáng tạo, phù hợp với tình hình của từng địa phương, đơn vị.
Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, hải đảo.
Với vai trò Cơ quan Thường trực Đề án, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung Đề án thành chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Đề án cấp Bộ Quốc phòng, làm cơ sở để Ban Chỉ đạo Đề án các tỉnh, thành phố biên giới, các cơ quan, đơn vị quán triệt, cụ thể hóa, triển khai thực hiện bằng các hình thức, biện pháp tuyên truyền, PBGDPL phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc thù của từng cơ quan, đơn vị, đối tượng tuyên truyền.
Có thể kể đến hình thức tuyên truyền tiêu biểu như: Tuyên truyền miệng; tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; tuyên truyền thông qua cổ động trực quan; tuyên truyền, giáo dục thông qua hoạt động “Ngày Pháp luật”, các cuộc thi tìm hiểu, phong trào thi đua; tuyên truyền thông qua hoạt động tư vấn pháp luật, tổ hòa giải; tuyên truyền qua hệ thống mạng lưới phát thanh - truyền thanh, tủ sách và phòng đọc cơ sở.
Tại các địa phương, Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố đã tham mưu cho chính quyền địa phương vận dụng sáng tạo, đẩy mạnh tuyên truyền, PBGDPL thông qua các mô hình, phong trào hay, tạo cảm hứng và sức lan tỏa trong nhân dân và cán bộ, chiến sĩ. Tiêu biểu như tổ chức phát động phong trào: “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; “Toàn dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản”; “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất nhập cảnh trái phép”...
Bên cạnh đó, xây dựng, nhân rộng các mô hình: “Thanh niên xung kích bảo vệ đường biên”; “Tổ phụ lão, tổ phụ nữ quản lý thôn, bản biên giới”; “Thôn, xóm, bản, làng bình yên không có tội phạm, tệ nạn ma túy”; “Già làng, trưởng bản gương mẫu”; “Tiếng kẻng vùng biên”; “Nông dân tự quản gắn với giữ gìn bình yên tuyến biển”...
Các đồn Biên phòng đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, củng cố, duy trì hoạt động các trung tâm tư vấn, câu lạc bộ pháp luật ở các xã biên giới để phục vụ nhu cầu tìm hiểu, hỏi đáp về những vấn đề pháp luật của nhân dân trên địa bàn. Cụ thể, các đơn vị BĐBP đã tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng, củng cố và duy trì hoạt động trên 2.000 Câu lạc bộ pháp luật và Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý; 1.084 Trung tâm tư vấn pháp luật; trên 1.100 Tổ tuyên truyền pháp luật, 9.828 Tổ hòa giải. Qua đó, tư vấn pháp luật cho hơn 50.000 lượt người dân, hòa giải thành công từ 65 đến 75% các tranh chấp, vi phạm trong cộng đồng dân cư, hạn chế tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, ổn định chính trị - xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới, hải đảo.
Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, các Câu lạc bộ pháp luật, Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, Trung tâm tư vấn, Tổ tuyên truyền pháp luật đã đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền cho nhân dân nâng cao nhận thức, chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch Covid-19; tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương và BĐBP đấu tranh, phát hiện, ngăn chặn người xuất nhập cảnh trái phép và các hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch, góp phần hạn chế tối đa dịch bệnh lây lan qua biên giới vào nội địa, lây lan trong cộng đồng.
Các đồn Biên phòng cũng phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng các tủ sách pháp luật để phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo. Đến nay, đã xây dựng 1.084 tủ sách ở các địa phương; trên 1.000 tủ sách ở các đơn vị Quân đội, Công an đứng chân trên địa bàn biên giới. Bình quân mỗi tủ sách có từ 1.000 đến 3.000 cuốn sách các loại và báo, tạp chí. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật. Những tri thức từ sách, báo các loại đã phục vụ đồng bào và chiến sĩ vùng biên rất hiệu quả, duy trì văn hóa đọc trong các tầng lớp nhân dân.
Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, PBGDPL trong các trường học tại khu vực biên giới, hải đảo cũng được đẩy mạnh thông qua triển lãm, trưng bày sách, ảnh và đặc biệt là thông qua các mô hình “Biên giới với học đường”, “Tiết học vùng biên”. Dưới sự giảng dạy trực tiếp của những thầy giáo mang quân hàm xanh, kết hợp với đi thực tế tham quan cửa khẩu, đường biên, cột mốc đã giúp cho những tiết học ngoại khóa trở nên bổ ích, thu hút đông đảo thầy cô và học sinh các trường học trên địa bàn tham gia. Sau mỗi buổi học, nhận thức về chủ quyền biên giới, lãnh thổ của các em học sinh được nâng lên rõ rệt.
Ngoài ra, các đơn vị BĐBP đã tham mưu cho chính quyền địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình “Cụm kết nghĩa dân cư hai bên biên giới”; phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới, cửa khẩu các nước láng giềng tổ chức tuyên truyền cho nhân dân hai bên biên giới pháp luật về biên giới, thủ tục xuất nhập cảnh... Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân hai bên biên giới trong việc tham gia bảo vệ, xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Cùng với các hình thức, biện pháp tuyên truyền trên, các địa phương, đơn vị đã chủ động triển khai các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL vào các dịp kỷ niệm trọng đại, các sự kiện chính trị của đất nước nhằm kết hợp tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng, nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cùng các hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong các tầng lớp nhân dân; đấu tranh, làm thất bại mọi hoạt động xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị.
Sau 5 năm triển khai thực hiện, với tinh thần chủ động và trách nhiệm, các địa phương, đơn vị đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án, huy động tối đa nguồn lực, nhân lực, phát huy vai trò của hệ thống chính trị, xây dựng, nhân rộng các mô hình, cách làm hay, góp phần hoàn thành tốt mục tiêu của Đề án. Công tác tuyên truyền, PBGDPL đã thực sự là nhiệm vụ quan trọng của công tác giáo dục chính trị tư tưởng và là phương thức hữu hiệu để đưa pháp luật vào cuộc sống, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Theo bienphong.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận