Kỷ niệm 60 năm ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961/23-10-2021)

Đếm sao để dò đường

16:49 19-10-2021

VBĐVN.vn - Trung tá, cựu chiến binh Vũ Trung Tính, nguyên cán bộ Cục Quân lực (Bộ Tổng Tham mưu) đã cùng đồng đội thực hiện 18 chuyến vận chuyển vũ khí vào chi viện cho chiến trường miền Nam trên hai con tàu anh hùng là Tàu 42 và Tàu 154 trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Tất cả đều thành công, bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Ở tuổi 77, cựu chiến binh Vũ Trung Tính vẫn mạnh khỏe, minh mẫn. Khi được hỏi về những năm tháng cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ trên Đường Hồ Chí Minh trên biển, ông không giấu nổi niềm tự hào. Năm tháng thanh xuân hừng hực sức trẻ cống hiến chợt ùa về trong dòng hồi ức của người thủy thủ năm xưa...

Tháng 2-1964, Vũ Trung Tính tốt nghiệp Trường Trung cấp Hàng hải (thuộc Bộ Giao thông vận tải) và đi thực tế tại Xí nghiệp Đánh cá Ninh Cơ, Nam Định thì Bộ Quốc phòng cử người về đây tuyển quân. Trong khi các bạn cùng đi thực tế năm đó đều được nhận về các đơn vị bộ binh, riêng ông qua kiểm tra có tố chất sức khỏe tốt, lại giỏi bơi lội nên được điều về đơn vị hải quân. Chưa hết thời gian huấn luyện chiến sĩ mới tại Quảng Yên (Quảng Ninh), Vũ Trung Tính đã được bổ sung về Đoàn 125 lúc này đang đóng quân ở Hải Phòng. Ông Tính được điều về Tàu 42 với vị trí hàng hải số 1. Nhiệm vụ của ông là tác nghiệp hải đồ, xử lý la bàn, máy đo thiên văn... “Chỉ hai tháng làm quen với tàu, tôi chính thức ra khơi chuyến đầu tiên vào tháng 6-1964 trên con Tàu 42 do đồng chí Nguyễn Văn Cứng là Thuyền trưởng, Chính trị viên là đồng chí Trần Ngọc Ẩn. Trước khi đi, chúng tôi được học tập chính trị, quán triệt nhiệm vụ của những "con tàu không số" nên ai cũng trong tâm thế sẵn sàng, dù có thể “một đi không trở về” nhưng không hề nao núng”, cựu chiến binh Vũ Trung Tính cho biết.

Bức ảnh chụp sau hội nghị của Đoàn 125 (tháng 7-1967) được cựu chiến binh Vũ Trung Tính (thứ hai, từ trái sang) lưu giữ cẩn thận.

Nhiệm vụ của Đoàn tàu không số là phải vươn sâu và vươn xa vào những khu vực mà đường bộ chưa tới được. Với quyết tâm đó, suốt từ tháng 6-1964 đến cuối năm 1970, đồng chí Vũ Trung Tính đã cùng đơn vị thực hiện 18 chuyến vào Cà Mau an toàn. Ngoài một chuyến đi trinh sát, còn lại trung bình mỗi chuyến tàu chở khoảng 60 tấn vũ khí, hàng hóa... chi viện cho chiến trường. Mỗi chuyến hàng đều để lại trong ông những kỷ niệm sâu sắc. Song ấn tượng nhất đối với ông là chuyến tàu mở đường sau sự kiện Vũng Rô tháng 2-1965. Thời điểm ấy, Mỹ-ngụy phát hiện ra tuyến chi viện trên biển của ta nên điên cuồng đánh phá, kiểm soát, phong tỏa vùng biển miền Nam. Từ tháng 2 đến tháng 9-1965, không một chuyến hàng nào của Đoàn 125 đến đích an toàn.

Theo yêu cầu của trên, Đoàn 125 rà soát lại lực lượng, lựa chọn hàng loạt những “tinh anh” mới biên chế về Tàu 42 để chuẩn bị ra khơi, tái mở đường chi viện trên biển sau một thời gian bị địch cản phá khốc liệt. Đồng chí Vũ Trung Tính tiếp tục là hàng hải số 1. Đêm 15-10-1965, Tàu 42 cải dạng thành tàu đánh cá, sơn màu ngọc bích, xuất phát từ cầu Đá Bạc, trên sông Tam Bạc (Thủy Nguyên, Hải Phòng). Về chuyến đi này, chúng tôi từng gặp Đại tá Nguyễn Hữu Tuần (hiện sống ở xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh), nguyên cán bộ Cục Tác chiến (Bộ Tổng Tham mưu)-người trực tiếp phổ biến kế hoạch đã được Bộ Tổng Tham mưu chuẩn y và cùng Tàu 42 chuẩn bị các phương án xử trí với những tình huống có thể xảy ra trên biển. Ông Tuần cho biết: “Việc tìm kiếm hải đồ cho chuyến đi tái mở đường của Tàu 42 trong thời điểm ấy rất khó khăn. Chúng tôi đã liên hệ với nhiều nơi tìm mua hoặc sao chép những tấm hải đồ mà không được nên đành phải lấy những tấm bản đồ báo bão khu vực sẽ đi mà ta đang có để mô phỏng trên giấy roki trắng".

Cựu chiến binh Vũ Trung Tính (thứ ba, từ phải sang) cùng đồng đội từng công tác tại Tàu 154.

Khi nghiên cứu kế hoạch, ông Vũ Trung Tính thấy tàu sẽ đi đến những vùng biển mới chưa đi bao giờ. Có những hướng đi không được vẽ trên hải đồ mà lại vẽ trên giấy. “Đi như vậy làm sao chuẩn được, khác gì thách đố anh em. Nhưng khi nghe anh Tuần giải thích, chúng tôi biết không thể làm khác được. Chuyến đi này tác nghiệp hải đồ dựa hoàn toàn vào hàng hải thiên văn, tức phải ngắm sao, mặt trời, mặt trăng để định hình đường đi. Tất cả đều đặt niềm tin vào tôi. Rất may thực tế chuyến đi đã diễn ra đúng lộ trình, những vị trí tôi lựa chọn đều không xảy ra sai lệch nhiều. Mặc dù có lúc tàu chúng tôi rơi vào tình thế bị phục kích, trên trời là máy bay trinh sát của hải quân địch do thám, dưới biển là khu trục hạm bám sát hông tàu, nhưng do con tàu được cải trang một cách hoàn hảo, nên địch không phát hiện ra”, ông Tính kể.

Vậy là sau 8 tháng vắng bóng những con tàu từ miền Bắc, đêm 24-10, Tàu 42 với 16 thành viên đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử: Mở đường mới sau sự kiện Vũng Rô; nắm tình hình địch trên biển và chở 60 tấn hàng, trong đó có 4 quả thủy lôi MKB vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Cũng chính từ chuyến đi này, Vũ Trung Tính được đồng đội đặt tên là người “ngắm sao trời, dò đường đi”. Kinh nghiệm của chuyến đi, đặc biệt là việc giải các bài toán thiên văn có độ chính xác cao, bảo đảm cho những cuộc hành trình thành công cũng được phổ biến đến toàn Đoàn 125 để học tập. Còn Tàu 42 được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và lại tiếp tục thực hiện những chuyến ra khơi.

Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ trên biển, đồng chí Vũ Trung Tính còn có kỷ niệm vui ít ai được trải nghiệm, đó là nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua ngay trên tàu và vinh dự được báo cáo điển hình tại Hội nghị mừng công của Đoàn 125. Hai tấm giấy khen vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 1965, 1967 hiện ông vẫn giữ nguyên vẹn. Ngoài ra còn có bức ảnh ông chụp cùng đồng đội sau khi báo cáo điển hình tại căn cứ của Đoàn 125 đặt tại đảo Hải Nam, Trung Quốc, tháng 7-1967. Giới thiệu từng người trong ảnh, ông Vũ Trung Tính kể: "Trước hội nghị, khi Tàu 42 đang lênh đênh trên biển thì qua đường dây liên lạc nội bộ, tôi đã được "nhận" danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Hôm diễn ra hội nghị, khi tôi phát biểu xong, chỉ huy đoàn mới tặng giấy khen, nhưng sau đó tôi phải bàn giao lại để đơn vị bảo quản, tránh mang theo người phòng khi bất trắc. Hội nghị kết thúc, anh Sỹ-Chính trị viên tiểu đoàn nhờ cán bộ tuyên huấn của Đoàn 125 chụp cho bức ảnh kỷ niệm này!"...

Hai tấm giấy khen của đồng chí Vũ Trung Tính. Ảnh: TUẤN TÚ

Năm tháng trôi qua, cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên những chuyến tàu đặc biệt ngày ấy nay người còn, người mất. Nhớ về những hồi ức hào hùng mà cũng không kém phần bi tráng năm nào, họ lại tìm đến nhau sinh hoạt dưới mái nhà chung là Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển. Cựu chiến binh Vũ Trung Tính cũng vậy. Năm 1991, ông thôi công tác trong quân đội và trở về xây dựng quê hương xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Sau 15 năm công tác tại địa phương ông mới nghỉ hưu trên cương vị là Bí thư Đảng ủy xã Hải Ninh (nay là phường Hải Ninh, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) và luôn không ngừng tìm kiếm, kết nối đồng đội trên mọi miền đất nước. Hiện nay, ông là Chủ tịch Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển tỉnh Thanh Hóa. Ông bồi hồi cho biết: "Cách đây 5 năm, chúng tôi đã tổ chức chuyến đi thăm lại chiến trường xưa kéo dài hơn hai tháng, hành quân, đến được hầu hết các bến tàu không số ở cả hai miền Nam, Bắc. Dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển này, hy vọng đại dịch Covid-19 được kiểm soát để niềm mong mỏi được gặp nhau ôn lại kỷ niệm xưa của chúng tôi diễn ra theo kế hoạch. Nhớ đồng đội lắm!".

Theo qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang