11 cột mốc trên biển:

Điểm A11 trên đảo Cồn Cỏ đang chờ xây dựng

07:20 18-07-2023

VBĐVN.vn - Chúng tôi ra thành phố Đông Hà (Quảng Trị), ở lại 1 đêm để sáng sớm hôm sau xuống cảng Cửa Việt (huyện Gio Linh) theo tàu khách ra đảo Cồn Cỏ. Mọi người bảo: "Bây giờ thì thuận tiện, trước đó ra vào chỉ nhờ tàu đánh cá".

Vọng gác tiền tiêu

Cồn Cỏ là đảo tiền tiêu cửa ngõ phía nam vịnh Bắc bộ (thuộc huyện Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị). Đảo còn có tên gọi khác là Hòn Cỏ, Thảo Phù, Con Hổ, Hòn Mệ theo cách gọi của ngư dân. Đảo nằm vắt ngang vĩ tuyến 17, cách đất liền từ 13 - 17 hải lý (trong đó, điểm gần nhất cách 13 hải lý là Mũi Lay, thuộc xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh) và có độ cao trung bình từ 7 - 10 mét so với mực nước biển (điểm cao nhất là 63,4 mét).

Đảo Cồn Cỏ nhìn từ xa
Mai Thanh Hải

Ngày 8-8-1959, đơn vị bảo vệ đảo Cồn Cỏ thuộc Trung đoàn 270 (đặc khu Vĩnh Linh) được thành lập và hành quân ra đóng giữ đảo. Nằm ở vị trí chiến lược về quân sự, là "vọng gác tiền tiêu" của miền Bắc, nên từ Cồn Cỏ, dùng các khí tài quan sát có thể theo dõi mọi động tĩnh ở đất liền và tàu thuyền từ ngoài khơi xa. Do đó, khi Mỹ phát động cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc, Cồn Cỏ trở thành mục tiêu đánh phá có tính hủy diệt.

Từ tháng 8-1964, đảo Cồn Cỏ bị máy bay, tàu chiến Mỹ đánh phá hàng ngàn lần, mức độ ác liệt, thời gian kéo dài (có đợt lên đến 24 ngày liền). Công tác đảm bảo hậu cần trên đảo phụ thuộc vào đất liền, nên yêu cầu bổ sung quân số, vũ khí, vật liệu xây dựng công sự, lương thực, thực phẩm từ đất liền ra, đưa thương binh, tử sĩ vào đất liền... ngày càng cấp bách.

Đầu tháng 6-1965, Đảng ủy khu vực Vĩnh Linh ra lời kêu gọi "Tất cả vì đảo". Hàng ngàn dân quân, thanh niên và cả các cụ già ở các xã ven biển Vĩnh Linh như Vĩnh Quang, Vĩnh Thạch, Vĩnh Thái, Vĩnh Giang... xung phong đi tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ. Suốt những năm tháng ác liệt của chiến tranh, các chiến sĩ đảo Cồn Cỏ không quản ngại hy sinh, anh dũng chiến đấu và đã 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Khu vực dự định xây dựng mốc cơ sở A11 ở phía đông đảo Cồn Cỏ
MAI THANH HẢI

Cồn Cỏ ngày nay

Sau ngày thống nhất (30-4-1975), đảo Cồn Cỏ được giao cho lực lượng vũ trang địa phương quản lý, bảo vệ. Tháng 3.2002, mô hình xây dựng đảo Cồn Cỏ thành "Đảo Thanh niên" được hình thành và 43 thanh niên của Tổng đội Thanh niên xung phong Quảng Trị đã tình nguyện ra xây dựng đảo.

Ngày 1-10-2004, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định 174 về việc thành lập huyện đảo Cồn Cỏ, với mục tiêu xây dựng phát triển đảo Cồn Cỏ thành "Huyện đảo Du lịch". Cũng từ đây, đảo Cồn Cỏ đã chuyển từ đảo quân sự sang đảo dân sự. Hiện, dân số trên đảo có gần 400 người và các cơ quan quản lý hành chính, phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư phát triển du lịch và hệ thống cơ sở hạ tầng khang trang, đầy đủ.

Bộ đội Đồn biên phòng Cồn Cỏ kiểm tra phương tiện đánh bắt hải sản
MAI THANH HẢI

Đặc biệt, từ giữa năm 2017, Cồn Cỏ được cấp phép khai thác du lịch. Năm 2019, Cồn Cỏ đã thu hút gần 6.300 khách du lịch ra đảo, đạt 104,7% kế hoạch năm, tăng 52,2% so với năm 2018; tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 7,35 tỉ đồng, tăng 61,7% so với năm 2018. Năm 2023 này, tính đến ngày 3.5, tổng khách du lịch đến đảo là trên 2.000 lượt người.

Đi tìm điểm A11

Cuối tháng 5.2023, chúng tôi ra Cồn Cỏ tìm điểm mốc cơ sở A11. Thấy tôi lọ mọ tìm kiếm, ông Võ Viết Cường (Bí thư Huyện ủy, kiêm Chủ tịch UBND huyện Cồn Cỏ) bảo: "Chưa có gì đâu. Vẫn đang chuẩn bị xây", và cử cán bộ dẫn tôi ra vị trí tọa độ điểm cơ sở A11 ở khu vực phía đông đảo, chỉ xuống bãi đá đen nằm la liệt: "Chỗ này. Sau sẽ làm cột mốc"…

Âu tàu đảo Cồn Cỏ
MAI THANH HẢI

Được biết, cuối tháng 4.2021, đoàn công tác của Bộ Ngoại giao đã ra Cồn Cỏ để khảo sát quy mô, vị trí xây dựng mốc A11. Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Cồn Cỏ nhấn mạnh: "Mốc A11 vừa là mốc cơ sở xác định đường lãnh hải, vừa sẽ là sản phẩm du lịch hấp dẫn cho du khách, góp phần tuyên truyền về lịch sử, chủ quyền biên giới của Việt Nam trên biển. Vì vậy, chính quyền và nhân dân Cồn Cỏ nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung rất mong Bộ Ngoại giao xem xét các phương án hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình".

Trong buổi làm việc với ông Hoàng Ngọc Lâm, Cục trưởng Cục Đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý, khi chúng tôi đặt câu hỏi về việc xây dựng mốc cơ sở A11 tại Cồn Cỏ, ông Lâm cho biết: "Mốc này, tỉnh Quảng Trị đã đề nghị được tự xây và Chính phủ đã cho phép".

Cột cờ Tổ quốc trên đảo Cồn Cỏ
MAI THANH HẢI

Được biết, dự án xây dựng mốc cơ sở A11 mà tỉnh Quảng Trị thiết kế, có dự toán lên tới trên 100 tỉ đồng, gồm nhiều hạng mục xây dựng, để biến điểm A11 thành khu du lịch hoành tráng. Tuy nhiên, việc xây dựng vẫn chưa thể tiến hành do chưa có kinh phí.

(hết)

Nguồn:Báo Thanh Niên

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang