Dốc lòng xây dựng điểm sáng y tế trên đảo

15:32 12-08-2021

VBĐVN.vn - “Ngân hàng máu sống” của ngành y tế huyện đảo Bạch Long Vĩ, TP Hải Phòng được phép hoạt động từ năm 2013, đến nay đã góp phần cứu chữa thành công nhiều bệnh nhân nặng, đưa họ trở về từ cõi chết; trở thành một điểm sáng của ngành y tế cả nước, được nhiều địa phương, đơn vị tuyến đảo vận dụng thực hiện.

Ít ai biết rằng, người âm thầm khởi xướng và dốc lòng tham gia xây dựng, phát triển mô hình độc đáo này là một bác sĩ quân y: Trung tá Lê Ngọc Trọng, Bệnh xá trưởng Tiểu đoàn Phòng thủ đảo kiêm Phó giám đốc Trung tâm y tế quân dân y huyện đảo Bạch Long Vĩ.

Tôi biết bác sĩ Lê Ngọc Trọng cũng khá lâu rồi nhưng đó chỉ là lần chạm mặt anh một cách chóng vánh trong chuyến công tác tại đảo Bạch Long Vĩ từ năm 2014. Phải đến cuối tháng 5-2021 vừa qua, khi Đảng ủy Quân sự TP Hải Phòng tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thấy một cái tên quen quen là Trung tá, bác sĩ Lê Ngọc Trọng trong danh sách cá nhân điển hình tiên tiến được tuyên dương tại đây, tôi mới chợt nhớ đó chính là người mình đã từng gặp. Thật tiếc, hôm ấy anh Trọng là trường hợp duy nhất không thể có mặt tham dự vì một lý do hết sức đặc biệt: Biển động!

Trung tá, bác sĩ Lê Ngọc Trọng.

Cũng nghe lãnh đạo Bộ chỉ huy quân sự(CHQS) TP Hải Phòng và một số anh em đã từng công tác rất thân quen anh thông tin với tôi rằng, anh sống thật thà, chất phác, đúng chất người miền Trung; một người thầy thuốc áo lính không nề hà sớm tối, đêm hôm sẵn sàng cùng đồng đội đến tận hộ dân, theo tàu đồn biên phòng vượt hàng chục hải lý tiếp cận người bị nạn. Trong sâu thẳm của rất nhiều người từng vượt qua được “lưỡi hái tử thần”, bác sĩ quân y Lê Ngọc Trọng thực sự là ân nhân, là người đã sinh ra họ lần thứ hai trong đời. Lại nghe phong thanh, anh là người có công rất lớn trong việc xây dựng điểm sáng y tế trên đảo, hai lần được nhận bằng khen của Bộ Y tế cùng nhiều phần thưởng của các cấp... Một người rất giàu thành tích, một tấm gương người tốt-việc tốt thì cần phải tuyên truyền để tạo sức lan tỏa. Vậy là đầu tháng 7 vừa rồi, tôi đã gặp được Trung tá, bác sĩ Lê Ngọc Trọng ngay trên chính hòn đảo giữa trùng khơi này...

Lê Ngọc Trọng nhập ngũ năm 1993, quê ở xã Hoằng Trinh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Khởi đầu là chiến sĩ của Trung đoàn Công binh 131 Hải quân, sau một năm, anh được cử đi học lớp trung cấp quân y theo nguyện vọng. Tốt nghiệp loại giỏi ra trường năm 1997, anh trở lại đơn vị cũ công tác cho đến năm 2004 tiếp tục được đi hoàn thiện bậc đại học tại Học viện Quân y. Hoàn thành khóa học này năm 2008, anh được về nhận công tác ở một đơn vị đứng chân trên huyện đảo Bạch Long Vĩ, đó là Trung đoàn 952 thuộc Vùng 1 Hải quân. Từ một bác sĩ quân y thuần túy với nhiệm vụ chuyên môn, chỉ hai năm sau, anh Trọng đã được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Quân y kiêm Bệnh xá trưởng Bệnh xá Trung đoàn 952. Khi đơn vị hải quân này thay đổi theo yêu cầu nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ, anh Trọng chỉ có một nguyện vọng duy nhất là được tiếp tục ở lại đảo Bạch Long Vĩ công tác và nguyện vọng đó của anh đã được cấp trên chấp thuận. “21 năm tôi là người lính hải quân, thú thực khi phải đưa ra quyết định báo cáo cấp trên về nguyện vọng của mình vào công tác ở đơn vị trong đất liền hay ở lại đảo, với tôi thật khó. Người lính chắc chắn không tính thiệt hơn rồi, mà người lính quân y thì dù công tác ở đâu, ở đơn vị nào trên dải đất hình chữ S này cũng phải sống chết vì nhiệm vụ bảo vệ và chăm lo sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Đại dịch Covid-19 là minh chứng đang hiện hữu. Đảo Bạch Long Vĩ khá xa với đất liền, ngành y tế huyện còn rất nhiều khó khăn, chúng tôi luôn phải làm hết sức mình để được dân mến, dân tin”, anh Trọng bộc bạch với tôi về bước ngoặt trên con đường binh nghiệp của mình.

Nhớ lại những năm tháng cùng các y, bác sĩ vượt khó trên hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc, anh Lê Ngọc Trọng nói một cách đầy hóm hỉnh, thấm thía: “Trong cái khó “ló” sáng tạo đấy nhà báo ạ!”, rồi anh khẳng định với tôi một cách chắc nịch: “Ngân hàng máu sống” trên đảo cũng là từ trong cái khó mà ra cả thôi”. Anh cho biết, hiện nay, đảo chưa có điện lưới, chỉ có điện máy nổ, vài năm trước chỉ có một máy phát, nguồn điện không ổn định nên đã có một số ca mổ cấp cứu đang thực hiện thì mất điện, cả kíp phải dùng đèn pin và thắp nến để tiếp tục. Kết quả là những ca mổ cấp cứu đó vẫn thành công. Hay như những tai nạn bất ngờ của ngư dân khai thác hải sản trên biển lại thường rất hay xảy ra vào thời điểm biển động, lúc sóng to gió lớn, tàu, thuyền rung lắc mạnh. Mỗi lần nhận được điện của đồn biên phòng đề nghị trung tâm y tế hỗ trợ bác sĩ theo tàu ra gấp để cấp cứu ngư dân bị nạn, anh em y tế rất nhiều lần khi đưa được người bị nạn vào bờ thì mình cũng bị say ngất, y tế lại phải thay người hỗ trợ...

Thế nhưng đó mới chỉ là những khó khăn rất đỗi bình thường ở đảo, các anh trải nghiệm lâu dần cũng thành quen. Anh Trọng cho rằng, xử lý thành công những tình huống cấp cứu bệnh nhân bị mất máu nhiều mới là vấn đề gai góc, ngành y tế phải tìm cho ra được những giải pháp khoa học, căn cơ mới thực sự yên tâm về lâu dài. Hệ thống máy móc, trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh ở bệnh xá đơn vị và trung tâm y tế huyện vẫn còn đang rất thiếu, ít thiết bị hiện đại, đặc biệt là chưa có những thiết bị để bảo quản nguồn máu dự trữ trong kho. Trong khi đó, một số bệnh nhân cấp cứu mất máu cần thiết phải có máu để truyền ngay, nếu không sẽ đe dọa trực tiếp tính mạng người bệnh. Trên thực tế, những năm trước đây và cả trong một, hai năm đầu khi bác sĩ Trọng mới về đơn vị đảo nhận công tác, đã có một số trường hợp tử vong đáng tiếc, nguyên do là trung tâm không có nguồn máu dự trữ để tiếp ứng kịp thời. Nhưng anh Trọng lại bảo, y tế ở đảo dù có thiếu thốn như thế nào đi chăng nữa nhưng bệnh xá của đơn vị quân đội và trung tâm y tế huyện không bao giờ tự coi mình chỉ là nơi sơ cứu, điểm tiếp nhận trung chuyển bệnh nhân vào đất liền để cứu chữa. Bởi lẽ, đã có những trường hợp bệnh nhân tai nạn lao động rất nặng trên biển được các anh cứu sống bằng chính công tác sơ cứu ban đầu rất nhanh và chính xác. Anh dẫn chứng một kỷ niệm đáng nhớ, ấy là vào năm 2018, có một ngư dân khi đang đánh bắt cá trên biển cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 5 hải lý thì xảy ra tai nạn ở ngực, gãy 3 xương sườn chọc vào khoang màng phổi, làm tràn khí và máu vào khoang màng phổi. Cẩn trọng nhận định, lúc này nếu cứ để bệnh nhân trên tàu, đưa vào đảo rồi mới làm thủ thuật sơ cứu thì chắc chắn người này sẽ tử vong trước khi cập bờ. Không chần chừ, anh Trọng cùng tổ y tế tiến hành chọc hút khí và máu trong khoang màng phổi bệnh nhân. Làm xong, bệnh nhân qua cơn nguy kịch cũng là lúc tàu cập đảo. Việc tiếp theo của các y, bác sĩ trung tâm y tế là tiếp tục hồi sức, truyền máu rồi chuyển bệnh nhân theo tàu vào đất liền cứu chữa. “Nếu tôi sợ trách nhiệm về trường hợp xấu nhất xảy ra, chắc chắn tôi sẽ không làm như vậy. Nhưng lương tâm mình không cho phép, không thể lặng yên đứng nhìn “lưỡi hái tử thần” đang nhăm nhe cướp đi mạng sống của bệnh nhân”, anh Trọng khảng khái bày tỏ.

Trung tá, bác sĩ Lê Ngọc Trọng làm kíp trưởng trong một ca mổ cấp cứu ngư dân bị tai nạn lao động ở đảo Bạch Long Vĩ.

Sức khỏe, mạng sống bệnh nhân ư? Trong những tình huống cụ thể, người thầy thuốc sẽ giữ vai trò quyết định. “Lương y phải như từ mẫu”-lời Bác Hồ dạy càng thôi thúc bác sĩ Trọng trăn trở tìm tòi, có khi anh quên ăn, quên ngủ. Khi đang là Chủ nhiệm Quân y kiêm Bệnh xá trưởng Trung đoàn 952 Hải quân, một ý tưởng bất chợt lóe lên trong anh, đó là: Anh em cán bộ, chiến sĩ ở đảo rất đông, hầu hết còn rất trẻ, khỏe, vậy tại sao không đề nghị chỉ huy cho khai thác "nguồn máu sống" tại chỗ dồi dào này khi cần? Nghĩ là làm. Được chỉ huy đơn vị ủng hộ “sáng kiến”, bác sĩ Trọng nhanh chóng bắt tay vào việc rà soát hồ sơ sức khỏe cán bộ, chiến sĩ, lập danh sách phân loại chi tiết theo từng nhóm máu để quản lý. Từ thành công những ca mổ cấp cứu cần tiếp máu nhờ "nguồn máu sống" dồi dào tại chỗ, anh Trọng đã đề xuất bàn bạc trong Ban giám đốc Trung tâm y tế quân dân y huyện mở rộng "nguồn máu sống" này bằng cách tuyên truyền, vận động nhân dân trên đảo, nhất là người trẻ trong các cơ quan, ban, ngành trong huyện như tổ chức đoàn thanh niên, hội phụ nữ. Đến nay, “ngân hàng máu sống” do Trung tâm y tế quân dân y huyện đảo Bạch Long Vĩ quản lý, điều hành hoạt động luôn duy trì danh sách lực lượng tình nguyện viên hiến máu từ 200 đến 250 người, với đầy đủ thông tin cụ thể từng người, từng nhóm máu.

Nhìn nhận tính hiệu quả của mô hình, giải pháp này, bác sĩ Phạm Văn Hải, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm y tế quân dân y huyện đảo Bạch Long Vĩ cho tôi biết, từ khi có “ngân hàng máu sống”, đội ngũ y, bác sĩ ở Bệnh xá Tiểu đoàn Phòng thủ đảo và trung tâm y tế đã đem lại cơ hội sống cho rất nhiều bệnh nhân, chất lượng máu cũng tốt hơn so với máu dự trữ bảo quản bằng thiết bị, đồng thời lượng máu lấy cấp cứu cũng không hạn chế do số lượng tình nguyện viên đăng ký đông. Tuy nhiên, điểm hạn chế ở đây chỉ đơn giản là mỗi khi cần đến máu hiến của tình nguyện viên, bác sĩ sẽ phải mất thời gian 15-20 phút để thực hiện đầy đủ quy trình các bước: Làm xét nghiệm lại về nhóm máu, chất lượng máu (không có các bệnh truyền nhiễm qua đường máu như: HIV, viêm gan B,C), lấy máu hiến. Rồi bác sĩ Phạm Văn Hải tâm đắc: “Thành quả và giá trị ý nghĩa của “ngân hàng máu sống” của ngành y tế huyện đảo Bạch Long Vĩ đã được Bộ Y tế, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương công nhận và đánh giá cao. Chúng tôi luôn trân trọng những đóng góp đầy tâm huyết, trách nhiệm, công sức của Trung tá, bác sĩ Lê Ngọc Trọng. Anh đúng là tấm gương mẫu mực của người đảng viên, cán bộ luôn “nói đi đôi với làm”, người cán bộ quân y kiên trì phấn đấu học Bác “để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.

Mai Nam (theo qdnd.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang