Người hiệu đính "Kỷ yếu Hoàng Sa"

12:03 22-07-2021

VBĐVN.vn - Đại tá Huỳnh Phương Bá ở H18/4 K482 Trưng Nữ Vương (Đà Nẵng), nguyên Phó cục trưởng Cục Kinh tế, Quân khu 5, được biết đến là người giữ rất nhiều bức thư trong chiến tranh. Ông cũng là người đảm nhiệm chức Giám đốc Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng những ngày đầu thành lập. Nhưng ít ai biết, ông là người rất tâm huyết với quần đảo Hoàng Sa và là người có công lớn trong việc hiệu đính cuốn "Kỷ yếu Hoàng Sa" nổi tiếng.

Ông Huỳnh Phương Bá sinh năm 1931, ở làng đúc đồng Phước Kiều (Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam), trong một gia đình buôn bán nhưng trọng chữ nghĩa. Từ nhỏ đến tuổi 20, chỉ một vài năm gián đoạn vì chiến tranh, còn hầu hết tuổi thanh xuân, ông Bá đều được đi học. Từ trường làng, trường huyện đến trường tỉnh, trường tư hay trường công, ông đều trải qua. Có những năm địch tạm chiếm, cha ông tản cư lên Tiên Phước vẫn gánh gạo về Tam Kỳ cho con trai tiếp tục theo học. Vốn chăm chỉ, yêu mến văn chương, lại được học hành từ nhỏ nên ông có nền tảng tiếng Pháp khá tốt. Đi bộ đội, được đơn vị phân công làm ở ngành quân báo chuyên khai thác hồ sơ và tù binh Pháp càng làm cho ông hiểu sâu về đối phương. Tập kết ra Bắc, rồi trở về Nam, chỉ huy chiến đấu nhiều đơn vị ở chiến trường Khu 5, vốn tiếng Pháp chỉ nằm im trong ký ức. Năm 1990, sau khi về hưu, ông theo bạn sinh hoạt câu lạc bộ tiếng Pháp và từ đó kích hoạt lại niềm say mê với ngôn ngữ xứ gà trống Gaulois. Phương pháp của ông chủ yếu là tự học và chịu khó viết, ghi chép. Mỗi ngày dịch một ít, vận dụng trí nhớ về vốn từ, ít phụ thuộc vào từ điển. Ông viết nhanh, chữ đẹp, rõ nét, giữ màu mực, không cần đánh máy vẫn dễ đọc dù đã 30 năm. Để hoàn tất chỉ tiêu đặt ra, có khi ông làm việc 4-5 tiếng mỗi ngày, đi bệnh viện cũng mang theo sách để đọc và dịch. Gần đây, ông đầu tư ít thời gian hơn nhưng vẫn duy trì thói quen sử dụng tiếng Pháp, đặc biệt là xem các bản tin trên internet. Có lần, cô cháu gái là Trần Lê Vi từ thủ đô Paris tặng ông cuốn sách về 82 lâu đài ở nước Pháp dày đến mấy trăm trang. Tưởng chỉ đọc chơi, vậy mà ông miệt mài dịch ra tiếng Việt, viết lại thành cẩm nang giới thiệu du lịch, đọc là mê mẩn. Ông tham gia dịch thuật tài liệu từ thời Pháp, giúp ông Nguyễn Trương Đàn (Đà Nẵng) cho ra mắt cuốn sách về Khởi nghĩa Duy Tân, được bạn đọc hoan nghênh.

Đại tá Huỳnh Phương Bá với cuốn "Kỷ yếu Hoàng Sa".

Không được đầu tư bài bản như tiếng Pháp mà chỉ được học thêm thời thơ ấu nhưng chữ Hán Nôm với ông Bá như một duyên nợ. Gia đình ông từ ông nội đến người cha đều sử dụng chữ Nho để ghi chép gia phả. Gác nghiệp nhà binh, vô vọng trước từng trang giấy bạc màu thời gian của tộc họ, ông thấy như có lỗi với tiền nhân. Vậy là vị đại tá già quyết tâm học chữ Hán Nôm. Cách học của ông cũng như tiếng Pháp, “kiến tha lâu đầy tổ”, tự học là chính. Đầu tư cho chữ Hán Nôm tốn kém hơn nhiều so với tiếng Pháp. Để viết chữ cho đẹp và đúng, ông luyện tay đến mỏi nhừ, tốn hàng trăm cây bút, từ điển sắm hàng chục cuốn để có thể tra cứu dễ dàng. Rồi ông tìm được những người bạn, trong đó có người học từ nhỏ như Đại tá Nguyễn Đình Ngật (nguyên Phó giám đốc Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng), hành trình học tập nhanh chóng và hiệu quả hơn. Từ người học đến làm thầy, từ vài người ban đầu quy tụ ở nhà “ông giáo”, tiếng thơm đồn xa, lớp Hán Nôm mở rộng quy mô thành một trung tâm lớn với nhiều câu lạc bộ ở nhiều quận, huyện thuộc Đà Nẵng và cả tỉnh Quảng Nam. Vốn quan tâm đến biển, đảo Hoàng Sa, ông thường trao đổi, đưa các tài liệu thời nhà Nguyễn để các học viên cùng nghiên cứu, khơi dậy trong mỗi người niềm tự hào về biển, đảo Tổ quốc.

Một ngày của năm 2012, ông đến xem triển lãm về Hoàng Sa và chú ý đến cuốn "Kỷ yếu Hoàng Sa" mới được in. Dù chữ bản gốc li ti, ông lập tức nhận ra nhiều vấn đề trong dịch thuật tiếng Pháp. Mượn cuốn sách về nhà, lần từng hàng chữ, có khi dùng đến kính lúp để soi, mở cả tài liệu tiếng Latin để đối chiếu, ông phát hiện nhiều lỗi sai về chú thích ảnh, tên tuổi, nghề nghiệp, trình độ kỹ thuật của các nhân vật được cử ra giữ Hoàng Sa dưới thời Pháp thuộc. Đặc biệt, một số danh từ, động từ tiếng Pháp thiếu hoặc sai nguyên âm, phụ âm được ông hiệu đính lại bằng hết để bảo đảm tính nghiêm túc của văn bản. Phần chữ Hán, ông cũng tham gia sửa chữa gần 10 đề mục, khi thì một đoạn văn, có lúc chỉ một vài chữ chưa rõ nghĩa. “Nói có sách, mách có chứng”, ông tìm văn bản gốc mình sẵn có để đối chiếu. Ông viết thư gửi Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng, kèm theo chi tiết rành mạch từng lỗi sai. Thành phố tiếp thu toàn bộ, trân trọng công lao và sau đó tổ chức hội thảo, mời Đại tá Huỳnh Phương Bá đến dự, nói chuyện. Trước khi tái bản "Kỷ yếu Hoàng Sa" năm 2014, bản thô được đưa ông đọc một lần nữa để bảo đảm chính xác hoàn toàn.

Nâng niu cuốn kỷ yếu mới, ông Bá giọng vẫn rất nhẹ nhàng như lâu nay: “Có nhiều lỗi trong bản đầu tiên đều là chuyện bình thường. Tôi vốn trong quân ngũ, nhiều kinh nghiệm về chiến tranh, lại có thói quen đọc sách, nghiên cứu nên có nhiều thuận lợi. Vả lại, tôi sống từ thời Pháp thuộc, do đó dễ hiểu được ngữ cảnh hay hình ảnh lịch sử từng giai đoạn của đất nước. Điều này những người giỏi tiếng Pháp hay chữ Hán nhưng còn trẻ khó có được”.

Nhìn tủ sách cả nghìn cuốn và tài liệu ghi chép kín dày của ông được sắp xếp ngăn nắp, khoa học, dễ tìm, dễ lấy mới thấy sự chỉn chu và thói quen làm việc đáng nể của vị đại tá, cựu chiến binh làng Phước Kiều. Nhờ ham đọc, ghi nhật ký và dịch thuật mỗi ngày (ông còn học tiếng Nhật, tuy không nhiều) kết hợp ăn uống, vận động hợp lý mà ở tuổi 90, sắc vóc ông Huỳnh Phương Bá vẫn trẻ hơn nhiều so với tuổi, đầu óc minh mẫn, trí tuệ không hề suy giảm, xứng đáng là tấm gương cho lớp trẻ noi theo.

Văn Nam (theo qdnd.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang