Đối thoại Biển lần thứ 10 với chủ đề 'Năng lượng tái tạo ngoài khơi: Cơ hội và thách thức đối với chuyển đổi xanh'

09:01 27-03-2023

VBĐVN.vn - Ngày 23-3, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, đã diễn ra Đối thoại Biển lần thứ 10 với chủ đề “Năng lượng tái tạo ngoài khơi: Cơ hội và thách thức đối với chuyển đổi xanh” do Học viện Ngoại giao (DAV) và Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS) đồng tổ chức.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu tại phiên khai mạc Đối thoại Biển lần thứ 10.

Đối thoại có sự tham gia đông đảo của gần 100 đại biểu tham dự trực tiếp và hơn 100 đại đăng ký tham dự trực tuyến; trong đó có 16 diễn giả là các chuyên gia uy tín từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ, đại diện của các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam.

Phát biểu chào mừng, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ bày tỏ lạc quan về sự phát triển của năng lượng tái tạo nói chung và điện gió nói riêng. Ông nhận định, trong dài hạn, năng lượng điện gió ngoài khơi sẽ có giá thành rẻ hơn so với các công nghệ dựa trên nhiên liệu hóa thạch hiện nay. Bên cạnh đó, các dạng năng lượng tái tạo ngoài khơi cũng đang trở thành nhân tố không thể thiếu của nền kinh tế biển xanh, hiện đại.

Ông Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh: Việt Nam cam kết tham gia nỗ lực chung của nhân loại thúc đẩy năng lượng sạch, thể hiện qua các cam kết tại COP26 và Thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Việt Nam là thị trường hấp dẫn đầu tư vào lĩnh vực này và hy vọng có thể thu hút sự tham gia và hỗ trợ của các đối tác nước ngoài thông qua đầu tư, công nghệ, tài chính và nâng cao năng lực để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền kinh tế carbon thấp, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.

Đối thoại Biển lần thứ 10 tập trung trao đổi, thảo luận về lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi, bao gồm bốn phiên với các chủ đề: Năng lượng tái tạo ngoài khơi và địa chính trị; Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc (UNCLOS) và năng lượng tái tạo ngoài khơi; Thực tiễn khu vực và quốc tế về năng lượng tái tạo ngoài khơi; Khuyến nghị chính sách về phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi ở Biển Đông.

Theo các diễn giả, trong bối cảnh năng lượng tái tạo ngoài khơi ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới và khu vực, lĩnh vực này càng có tầm ảnh hưởng trong quan hệ chính trị và kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, năng lượng tái tạo vẫn phải đối mặt với thách thức như: đại dịch, xung đột, tranh chấp thương mại…, làm ảnh hưởng xấu đến phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi nói riêng và sự chuyển dịch năng lượng theo chiều hướng xanh hơn, sạch hơn nói chung.

Các diễn giả cũng thảo luận về khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động khai thác năng lượng tái tạo ngoài khơi, cụ thể là điện gió. Trong đó nhận định Công ước Luật Biển là khuôn khổ pháp lý bao trùm, đóng góp lớn nhất của UNCLOS là đưa ra chế tài khác nhau đối với từng vùng biển, qua đó tạo ra khuôn khổ cho các quy định cụ thể.

Bà Giulia Cretti, Viện Clingendael (Hà Lan) - nghiên cứu viên tại Đơn vị Các vấn đề Toàn cầu và EU của Clingendael - Viện Quan hệ Quốc tế Hà Lan, cho rằng, Biển Đông có tiềm năng năng lượng gió ngoài khơi dồi dào và chưa được khai thác. Khu vực này có thể phục vụ ASEAN trong tham vọng tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 23% vào năm 2030.

Một số diễn giả cho rằng, hợp tác xuyên quốc gia là “chìa khóa” cho việc phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi ở Biển Đông. Các quốc gia cũng cần có chính sách khuyến khích sử dụng các công nghệ mới, hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực chất lượng cao và có các gói hỗ trợ tài chính phù hợp để năng lượng tái tạo ngoài khơi nói chung và điện gió ngoài khơi nói riêng có thể tiếp tục phát triển, đóng góp vào nỗ lực giảm phát thải về 0 của khu vực cũng như của toàn nhân loại.

Quang cảnh một phiên thảo luận tại Đối thoại Biển lần thứ 10.

Phát biểu bế mạc Đối thoại, Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao nhấn mạnh, các quốc gia ven Biển Đông cần xử lý tốt tranh chấp để không bỏ lỡ cơ hội phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi. Ông Nguyễn Hùng Sơn gửi lời cảm ơn tới các diễn giả, người điều phối và toàn thể đại biểu đã đóng góp vào thành công của sự kiện.

Đối thoại Biển là một trong các chương trình hợp tác quốc tế trọng tâm của Học viện Ngoại giao, là sáng kiến nhằm kết nối các nhà khoa học bàn thảo về khoa học biển, kết hợp thảo luận chính sách và khuôn khổ pháp lý hướng tới quản trị biển bền vững. Đến nay, Học viện đã tổ chức thành công 10 Đối thoại và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các đại biểu tham dự. Nhiều ấn phẩm chất lượng đã được đăng tải từ nội dung của các Đối thoại.

Tiên Minh /TTXVN

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang