Đối thoại trực tuyến về Chương trình quốc gia Bảo vệ và phát triển Nguồn lợi thủy sản đến năm 2030
VBĐVN.vn - Vụ bảo tồn và Phát triển nguồn lợi Thủy – Tổng cục Thủy sản và Trung tâm nghiên cứu Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) vừa phối hợp tổ chức đối thoại trực tuyến về dự thảo Chương trình quốc gia Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (BVNLTS) gia đoạn 2021-2030 và chia sẻ thực hành Đồng Quản Lý tại khu vực duyên hải miền Trung”. Để thích ứng với tình hình Covid -19 đang diễn ra, đối thoại được tổ chức thông qua nền tảng trực tuyến.
Tham dự buổi đối thoại trực tuyến có 40 thành viên đại diện Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, Chi cục thủy sản một số tỉnh/thành phố ven biển như: Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa; Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, UBND huyện, thành phố và các xã, tỉnh, chuyên gia, đại diện nòng cốt cộng đồng địa phương và các tổ chức xã hội (Hội nghề cá) và Tổ chức phi chính phủ. Cuộc đối thoại lần này nhằm mục tiêu cập nhật chính sách và tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thực hành đồng quản lý trong bảo vệ NLTS và kết nối mạng lưới thực hành trong bảo vệ và phát triển NLTS khu vực duyên hải miền Trung.
Tại cuộc đối thoại, ông Lê Trần Nguyên Hùng - Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và phát triển NLTS đã trình bày Dự thảo Chương trình quốc gia BVNLTS giai đoạn 2021-2030. Một trong các nhiệm vụ trọng yếu của Chương trình quốc gia BVNLTS là thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức, cá nhân trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, ông Hùng cho biết.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, dự thảo đã đưa ra các giải pháp đưa ra bao gồm: (1) tổ chức thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ NLTS tại vùng ven bờ của 28 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương ven biển và một số loại hình thủy vực tự nhiên như sông, hồ, hồ chứa, đầm phá, bãi bồi ven biển phù hợp với nhu cầu của người dân; (2) Tăng cường đối thoại, hợp tác giữa các cấp quản lý với các bên liên quan như: các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp tư nhân, tổ chức xã hội… và đặc biệt là cộng đồng nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, khuyến khích sự tham gia của các bên liên quan trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản; (3) triển khai Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, thu hút các nguồn tài chính của xã hội để hỗ trợ cho các chương trình, dự án, hoạt động phi dự án về lĩnh vực bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Phát biểu tại cuộc đối thoại, các đại biểu đã cập nhật hiện trạng thực hành công tác đồng quản lý trong bảo vệ NLTS tại một số địa phương. Bên cạnh đó, các đại biểu đã nêu những thuận lợi và khó khăn và đề xuất giải pháp để hoàn thiện công tác đồng quản lý trong bảo vệ NLTS. Ngoài ra, các địa biểu đại diện đến từ UBND thành phố, huyện thuộc các tỉnh chia sẻ những định hướng, quy hoạch của địa phương nhằm hỗ trợ tiến trình đồng quản lý được thực hiện thuận lợi. Trong phiên thảo luận các chuyên gia đóng góp góc nhìn và chia sẻ các kinh nghiệm xây dựng các tổ chức cộng đồng và thực thi các quy định trong bảo vệ NLTS theo Luật Thủy sản 2017.
Các bài học thu được từ đối thoại này và các hoạt động sắp tới sẽ góp phần hoàn thiện và thực hiện các mục tiêu và định hướng kế hoạch Chương trình quốc gia về bảo vệ NLTS như Dự án xây dựng thí điểm các mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản 2017 tại 7 vùng sinh thái trên cả nước và Đề án thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Trước đó, MCD đã tổ chức các buổi hướng dẫn địa phương và cộng đồng thực hành làm việc với các công cụ trực tuyến. Đây là nỗ lực chung nhằm thích ứng với các điều kiện khi dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến khó lường, trong khi bảo vệ nguồn lợi thủy sản và hỗ trợ sinh kế người dân là việc luôn cần được quan tâm.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án Dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Luật Thủy sản 2017 với các sáng kiến từ trung ương đến địa phương” do MCD chủ trì thực hiện trong thời gian 2021-2023. Dự án được Ocean 5 tài trợ thông qua Tổ chức các nhà tư vấn từ thiện Quỹ Rockerfellor (RPA). Mục tiêu của dự án hỗ trợ thực hiện và mở rộng quy mô thực hành đồng quản lý và huy động sự tham gia các bên liên quan và cộng đồng trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực duyên hải miền Trung của Việt Nam góp phần cải thiện và phát triển nghề cá bền vững.
MCD là một tổ chức phi chính phủ Việt Nam được thành lập từ năm 2003, tiên phong trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và bảo tồn hệ sinh thái biển, phấn đấu vì vùng ven biển Việt Nam với môi trường trong sạch an toàn, các hệ sinh thái biển bền vững và các cộng đồng dân cư ven biển có chất lượng cuộc sống tốt đẹp. Thông tin thêm về MCD mời xem tại www.mcdvietnam.org.
Theo tongcucthuysan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận