Đột phá kinh tế biển

16:19 26-06-2024

VBĐVN.vn - Ngày 28-6, theo Dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch không gian biển quốc gia sẽ tạo bước đột phá lớn cho kinh tế biển. Đặc biệt, Việt Nam sẽ là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có quy hoạch bài bản về kinh tế biển.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, Việt Nam là quốc gia biển, với đường bờ biển dài hơn 3.260km và hơn 3.000 hòn đảo bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trung bình 100km2 đất liền có 1km bờ biển, cao gấp 6 lần giá trị trung bình của thế giới. Kinh tế biển chính là động lực, là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.

Theo ước tính, quy mô kinh tế (GDP) biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt khoảng 47 - 48% GDP cả nước, trong đó GDP của kinh tế “thuần biển” đạt khoảng 20 - 22% tổng GDP cả nước. Nếu Quy hoạch không gian biển quốc gia được thông qua sẽ tạo bước đột phá rất lớn cho kinh tế biển. Đặc biệt, Việt Nam sẽ là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có quy hoạch bài bản về kinh tế biển.

Tuy nhiên, đây là một yêu cầu khó vì lần đầu tiên chúng ta xây dựng quy hoạch biển, vừa phải có tầm nhìn dài hạn, nhưng cũng phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể trước mắt. Do đó, phải triển khai sớm, nhưng vì cần nhanh mà không có tầm nhìn tổng thể để phát triển dài hạn thì sau này sẽ vướng với các quy hoạch của các địa phương. Vì 28 tỉnh ven biển cũng có quy hoạch tỉnh đã được thông qua.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân cũng cho rằng, Quy hoạch vùng bờ và quy hoạch không gian biển sẽ mở ra cơ hội khai thác tiềm năng to lớn về năng lượng gió biển như một nguồn năng lượng tái tạo quan trọng để đạt mục tiêu về khí hậu của Việt Nam. Quy hoạch vùng bờ cũng sẽ giúp đảm bảo phát triển tối ưu và hài hòa giữa các ngành trong khai thác, sử dụng tài nguyên ven biển của Việt Nam, cũng như bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, giữ gìn các giá trị văn hóa, lịch sử, nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.

Quy hoạch không gian biển quốc gia nếu được thông qua sẽ tạo bước đột phá rất lớn cho kinh tế biển.

Nếu nhìn trên bản đồ phần đất liền thì Việt Nam là một nước nhỏ, nhưng trên bản đồ có biển, chỉ tính từ vùng 12 hải lý trở lại thì đây cũng là một khu vực rộng lớn để chúng ta phát triển, tài nguyên biển tại đây rất lớn, có những ngành kinh tế biển chưa bao giờ được chúng ta khai thác, chưa kể vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.

Chẳng hạn như kho ngoại quan trên biển. Đây là khu có thể làm nơi sang chuyển hàng hoá, sang nhượng tàu nhưng không cập cảng mà nằm trên biển, có thể gần nơi neo đậu. Các nước trong khu vực đã khai thác dịch vụ kho ngoại quan trên biển, trong khi chúng ta lại chưa có quy định về vấn đề này. Do đó, các địa phương và một số ngành còn chưa đưa ra được quy định pháp lý cho phép khai thác dịch vụ này vì khoảng trống pháp lý chưa được thể chế hoá. Khu ngoại quan trên biển là khâu quan trọng trong chuỗi logistics. Như vậy, nếu quy hoạch được thông qua thì “khoảng trống” về thể chế sẽ được “điền đầy”.

Đại biểu cho rằng, trong quy hoạch có nêu bật tầm quan trọng của kinh tế hàng hải, theo đúng tinh thần Nghị quyết 36-NQ/TW, trong đó có yêu cầu phải phát triển logistics, cảng biển, cảng nước sâu, cảng cạn, khu vực hậu cần...

Quy hoạch chỉ ra được các lĩnh vực kinh doanh cũng là cách tạo hành lang pháp lý, nhưng hiện nay chưa đề cấp đến phần kinh tế ngoại quan trên biển. Đây là ngành mang lại nguồn thu rất lớn, và là một khâu quan trọng trong chuỗi logistics, nếu “ngắt” chuỗi logistics thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị thiệt thòi.

Trong khi, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ đến hoạt động và thu phí dịch vụ, còn chúng ta lại chưa có chế tài để kiểm soát họ và bỏ trống hoạt động. Từ đây có thể dẫn ra tình trạng buôn lậu mà hải quan khó kiểm soát.

Do đó, cần phải có một dòng trong nghị quyết của Quốc hội về kinh tế hàng hải, phải nói rõ là có khu vực ngoại quan trên biển, để các doanh nghiệp tư nhân trong nước được đầu tư vào đây.

Ngoài ra, khu vực tư nhân có một dư địa rất lớn trong phát triển kinh tế hàng hải, đó là vận tải biển từ Việt Nam đi quốc tế và ngược lại. Hiện nay, các đội tàu của Việt Nam mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu vận chuyển, còn lại 90% là do đội tàu của nước ngoài cung cấp. Đây là “khoảng trống” rất lớn để cho các doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu, đầu tư phát triển. Bởi vì, hàng hoá xuất nhập khẩu mà vận chuyển chỉ có 10% thì chúng ta đang bỏ lỡ cơ hội để phát triển kinh tế và phát triển doanh nghiệp.

Thúy Nhi (monre.gov.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang