Du lịch Lý Sơn kỳ vọng phục hồi

07:37 26-01-2022

VBĐVN.vn - Được ví như thiên đường xanh, thiên đường giữa biển khơi, là điểm đến lý tưởng của hàng vạn du khách trong nước và quốc tế, nhưng đại dịch Covid-19 đã khiến du lịch Lý Sơn bị tê liệt. Người làm du lịch trên hòn đảo xinh đẹp này phần lớn rơi vào cảnh thất nghiệp, cuộc sống trở nên khó khăn.

Du lịch Lý Sơn những chuỗi ngày buồn

Covid-19 khiến cho ngành du lịch Lý Sơn phải chịu tổn thất nặng nề, hàng loạt khách sạn, nhà hàng, quán ăn phải đóng cửa. Những con đường vắng, bãi biển đẹp nhưng không có du khách, ngành du lịch trẻ của huyện đảo Lý Sơn đang trải qua những chuỗi ngày buồn nhất từ trước tới nay.

Bộ xương cá voi vừa được Lý Sơn phục dựng thành công và nghiệm thu vào ngày 12-1-2022. Đây là điểm tham quan du lịch mới khi Lý Sơn đón khách trở lại. Ảnh: Hữu Danh

Người làm du lịch trên đảo đã thực sự thấm những “đòn đánh” nặng nề bởi đại dịch Covid-19, cuộc sống sinh hoạt phải thay đổi hoàn toàn, nhiều hướng dẫn viên du lịch nội địa phải chuyển sang làm đủ mọi nghề như đi biển, phụ hồ, bán hàng online, lặn vớt rong biển... để có nguồn thu nhập trang trải cuộc sống.

Từng là hướng dẫn viên du lịch, nhưng anh Võ Nhật Anh, ở huyện đảo Lý Sơn phải tìm tàu đi biển để duy trì thu nhập. Tuy nhiên, đi biển lắm gian nan vì thiên tai, tai nạn nghề nghiệp. “Trên sóng dưới gió, nhưng thu nhập chẳng là bao vì giá hải sản thấp. Đi biển cầm chừng đợi ngày mở cửa đón khách trở lại” - anh Võ Nhật Anh tâm sự.

Cùng chung cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị Hiền có 4 năm kinh nghiệm làm hướng dẫn viên du lịch. Là thế hệ trẻ trên đảo, chị Hiền rất kỳ vọng vào du lịch ở Lý Sơn. Trước đây, cứ đến mùa du lịch, hòn đảo này đón mỗi ngày từ 500-1.000 du khách. Nhưng, bắt đầu từ năm 2020, đại dịch Covid-19 như những cơn bão tới tấp, ập vào hòn đảo xinh đẹp này và đợt dịch lần thứ 4 kéo dài đã làm tê liệt kinh tế du lịch của Lý Sơn, vốn chưa đủ mạnh.

Nghỉ việc một cách bất đắc dĩ, chị Hiền phải đi tìm công việc khác để làm tạm thời như phụ hồ, lặn vớt rong biển, bắt ốc, nhum biển. Chị cũng rất bất ngờ và chưa bao giờ nghĩ rằng, mình sẽ rơi vào tình cảnh khốn khó như ngày hôm nay và phải làm những công việc vốn chỉ dành cho trai tráng. “Làm việc cầm chừng nên thu nhập bình quân mỗi ngày chỉ 150.000-200.000 đồng. Thật sự rất nhớ những ngày dẫn khách đi tham quan du lịch quanh đảo” - chị Hiền bày tỏ.

Dịch Covid-19 kéo dài, khách du lịch không ra đảo nên doanh nghiệp du lịch cũng ngao ngán. Lý Sơn có hơn 130 cơ sở lưu trú, khách sạn Mường Thanh và Đảo Ngọc là 2 khách sạn lớn nhất trên đảo vốn luôn kín phòng mỗi mùa du lịch nhưng trong 2 năm qua rơi vào tình cảnh đìu hiu chưa từng thấy.

“Kể từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát tại Việt Nam thì khách sạn chúng tôi hầu như đóng cửa hoàn toàn, chỉ duy trì một số ít nhân viên để kiểm tra, duy tu bảo dưỡng cơ sở vật chất. Tập đoàn của chúng tôi hiện tại cũng hỗ trợ nhân viên với mức lương chỉ còn xấp xỉ 50% so với trước” - ông Bùi Xuân Nghĩa, Giám đốc khách sạn Mường Thanh Lý Sơn cho hay.

Những con số về du lịch huyện đảo Lý Sơn khá ảm đạm. Năm 2021, Lý Sơn chỉ đón được trên 39.000 du khách, giảm trên 39% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là lượng khách thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Điều này cũng đã tác động đến nguồn thu ngân sách của Lý Sơn khi ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương bị ảnh hưởng. Du lịch Lý Sơn thiệt hại hàng trăm tỷ đồng vì dịch Covid-19.

Mong ngày mở cửa trở lại

Phục hồi du lịch chưa biết khi nào mới bắt đầu, bởi còn phụ thuộc vào diễn biến của dịch Covid-19. Nhưng, sau thời gian dài “ngủ đông” thì sẽ là khoảng lặng cho những người làm du lịch ở đảo nhìn lại, để có những ý tưởng mới nảy sinh nhằm đón đầu và làm bài bản, bền vững hơn cho tương lai du lịch Lý Sơn. Người làm du lịch trên đảo đặt nhiều kỳ vọng du lịch Lý Sơn sẽ như xưa. Họ đã có những ý tưởng mới để sẵn sàng tạo ấn tượng trong lòng du khách khi Lý Sơn mở cửa.

Người làm du lịch trên đảo Lý Sơn kỳ vọng du lịch sẽ khởi sắc trở lại trong năm 2022. Ảnh: Hữu Danh

“Dịch Covid-19 đã gây thiệt hại lớn cho chúng tôi nên giờ cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng, du lịch Lý Sơn sẽ khởi sắc trở lại. Trong thời gian du lịch Lý Sơn đóng cửa thì những người làm du lịch như chúng tôi đã nghĩ ra nhiều ý tưởng mới để làm du lịch. Riêng với tôi thì sẽ mở thêm mô hình du lịch trải nghiệm ngành nghề truyền thống, văn hóa lễ hội. Đây là mô hình hiện nay còn hạn chế ở địa phương” - ông Bùi Được, Giám đốc Công ty Du lịch Cánh Buồm Đỏ Lý Sơn nói.

Ngay từ thời điểm này, huyện Lý Sơn đã có những động thái chuẩn bị để phục hồi du lịch. Lý Sơn đang chú trọng đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng. Liên kết với các đơn vị tổ chức sự kiện, công ty lữ hành để xúc tiến tổ chức các lễ hội, hội thảo, các đoàn famtrip (du lịch tìm hiểu, làm quen, tiếp thị) khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Xác định tiềm năng du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, Lý Sơn đã ưu tiên khôi phục và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nhất là các loại hình văn hóa dân gian và các giá trị chủ quyền biển, đảo. Hạ tầng du lịch tại Lý Sơn từng bước được hoàn thiện, phấn đấu trong năm 2022, đón từ 150.000-200.000 du khách.

“Trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung các giải pháp để phục hồi du lịch. Huyện sẽ hỗ trợ những người làm du lịch trên đảo về truyền thông, quảng bá du lịch, mở các lớp tập huấn, tiếp tục đầu tư hạ tầng du lịch... Đồng thời, phối hợp với các công ty lữ hành, các khách sạn, nhà hàng tạo sản phẩm du lịch đặc trưng để du khách khi đến Lý Sơn không ở một ngày mà ở nhiều ngày, không đến một lần mà sẽ quay trở lại nhiều lần. Các biện pháp này sẽ từng bước sớm phục hồi lại du lịch của địa phương, góp phần đạt chỉ tiêu về phát triển du lịch được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lý Sơn lần thứ VII” - bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết.

Bên cạnh những danh sơn kỳ vĩ như Giếng Tiền, Thới Lới, Lý Sơn còn sở hữu “bảo tàng” sống Hoàng Sa - Trường Sa. Đó là hàng chục di tích văn hóa lịch sử gắn với đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa. Lý Sơn cũng chứa đựng trong mình những lễ hội truyền thống quý giá mà khó có vùng biển nào có được. Đặc biệt là 2 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa và Lễ hội đua thuyền Tứ linh.

Với những tài nguyên phong phú, người dân Lý Sơn kỳ vọng, du lịch huyện đảo sớm phục hồi trong điều kiện bình thường mới và sẽ đủ thế và lực để “cất cánh”.

Theo bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang