Giải quyết các xung đột, phân bổ lại không gian biển cho phát triển và bảo tồn
VBĐVN.vn - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng và Trung tâm Bảo tồn ĐDSH Nước Việt Xanh (GreenViet) vừa tổ chức Hội thảo “Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên lần thứ V”với chủ đề “Bảo tồn biển”.
Yêu cầu bức thiết phát triển kinh tế biển xanh
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Đà Nẵng cho biết, phát triển bền vững kinh tế biển vùng Duyên hải miền Trung có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế biển của cả nước, bởi đây là khu vực có 14/28 tỉnh, thành phố giáp biển của cả nước, với bờ biển dài gần 2.000 km, chiếm hơn 55% bờ biển của cả nước.
Biển khu vực miền Trung có vùng thềm lục địa, ngư trường đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản rộng lớn, với nhiều khu bảo tồn biển có giá trị với tổng diện tích vùng biển đã được bảo tồn chiếm khoảng 0,175% vùng biển tự nhiên Việt Nam.
Tuy nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học biển Việt Nam nói chung và khu vực Duyên hải miền Trung nói riêng đang còn nhiều hạn chế. Các hệ sinh thái biển đang đứng trước nhiều nguy cơ đe dọa và rủi ro ngày càng tăng từ các hoạt động phát triển của con người như: Khai thác quá mức, khai thác bằng các ngư cụ trái phép; ô nhiễm môi trường trong nuôi trồng thủy sản, rác thải nhựa; tác động do đô thị hóa nhanh, khai thác vùng ven bờ quá mức…
Mặc dù, Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương đã quan tâm, nhưng các Khu bảo tồn biển ở Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.
Trong Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào ngày 9/5/2024 theo Quyết định số 389/QĐ-TTg, có mục tiêu thành lập và hoạt động hiệu quả 27 khu bảo tồn biển với tổng diện tích 463.587ha, chiếm khoảng 0,463% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia. Bên cạnh đó, có 149 khu vực ở vùng biển được khoanh vùng bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Từ thực tế đó, cần có những giải pháp phù hợp cho công tác bảo tồn biển được đồng bộ và hiệu quả từ chính sách đến thực tiễn, đáp ứng được nhu cầu và mong muốn của các bên liên quan để cùng chung tay hành động, hiện thực hoá Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 389/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và những cam kết quan trọng của Việt Nam với quốc tế liên quan đến bảo tồn biển, kinh tế biển xanh và bền vững.
Phân bổ lại không gian biển
Tại Hội thảo, PGS,TS. Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam thông tin, tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 7 (ngày 28/6/2024), Quốc hội khóa 15 đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch không gian biển có chức năng giải quyết các xung đột giữa các ngành, các cấp, giữa những người sử dụng, khai thác tài nguyên ở khu vực biển.
Trên cơ sở giải quyết các xung đột hiện tại kết hợp với dự báo nhu cầu sử dụng, khai thác khu vực biển trong 10 năm đến, quy hoạch không gian biển có chức năng thứ 2 là phân bổ lại các khoảng, đơn vị không gian cho phát triển và bảo tồn.
Trong không gian biển dành cho phát triển được phân bổ không gian phát triển 6 ngành kinh tế và khu vực dự phòng dành cho các hoạt động đặc biệt khác.
Không gian biển dành cho bảo tồn cũng được phân bổ, phấn đấu đến năm 2045, có 6% diện tích vùng biển của quốc gia được bảo tồn.
PGS, TS. Nguyễn Chu Hồi cũng cho rằng, Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xem bước cụ thể hóa, hiện thực hóa Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.Đồng thời, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế biển xanh; mở rộng “vùng xanh”...
Đồng thời lưu ý, trong quá trình thực hiện quy hoạch không gian biển, cần tôn trọng sự điều tiết của “thị trường” trong việc lựa chọn ngành hàng, sản phẩm hàng hóa tiêu biểu của từng ngành, lĩnh vực để khai thác, sử dụng các phân khu không gian biển được giao hoặc cấp phép.
Còn ông Nguyễn Thành Vĩnh, Trưởng phòng Quản lý Di sản thiên nhiên, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ TN&MT) cho biết, Việt Nam là một trong 168 bên tham gia Công ước đa dạng sinh học (CBD). Tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia CBD đã thông qua Khung đa dạng Sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal, trong đó có mục tiêu 30x30 vào năm 2030. Cụ thể, 30% diện tích đất liền và biển được bảo tồn thông qua việc thành lập các khu bảo tồn và các biện pháp bảo tồn hiệu quả khác ngoài khu bảo tồn (OECM)
Nhằm góp phần đạt được mục tiêu 30x30, Việt Nam đang thúc đẩy triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học và các hoạt động thực hiện mục tiêu GBF liên quan đến OECM; Thể chế hóa các tiêu chí, quy trình xác định và hướng dẫn xác lập, quản lý các khu vực bảo vệ hiệu quả khác ngoài khu bảo tồn; Điều tra tổng thể, đánh giá và xác định các loại hình OECM và Danh mục các OECM tiềm năng trên phạm vi cả nước…
“OECM không chỉ giúp Việt Nam đáp ứng các cam kết bảo tồn với cộng đồng quốc tế mà còn cho phép bảo vệ thêm những sinh cảnh có tính ĐDSH cao nhất nhưng lại đang bị đe dọa. Đây là cơ cơ hội mới để bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam, trong đó bảo tồn biển.”- ông Vĩnh cho hay.
LAN ANH (baotainguyenmoitruong.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận