Giải quyết những bất cập trong phát triển hạ tầng nghề cá tại khu vực Nam Trung Bộ. Bài 1: Hạ tầng chưa theo kịp yêu cầu phát triển
Cảng cá có công suất thấp, thậm chí thiếu an toàn; trong khi số lượng tàu thuyền lớn, không đủ nơi neo đậu. Cơ sở hạ tầng tại các cảng cá chưa được đầu tư đồng bộ, khiến việc thực hiện các biện pháp quản lý tàu thuyền, quản lý chất lượng sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Nếu không đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng thủy sản sẽ khó có thể chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm.
Tình trạng quá tải, hiệu quả chưa cao
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng, những năm gần đây, các cảng cá Hòn Rớ, Vĩnh Lương, Vĩnh Trường (TP Nha Trang), Ðá Bạc (TP Cam Ranh), Ðại Lãnh (huyện Vạn Ninh) đã được tỉnh tập trung nhiều nguồn lực đầu tư. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá, đặc biệt là cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đã giúp nâng cao hiệu quả khai thác, giảm tổn thất sau thu hoạch, nhất là bảo đảm an toàn cho tàu cá vào tránh trú bão, giảm thiểu thiệt hại về người và phương tiện do thiên tai gây ra.
Tuy nhiên, hiện nay, các cảng cá này đang trong tình trạng quá tải, các tàu thường xuyên phải xếp hàng dài chờ đợi đến lượt cập cảng; hoạt động mua bán hải sản diễn ra kém vệ sinh. Tình hình đầu tư xây dựng, quản lý các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão còn một số hạn chế, bất cập như: Quy mô, công suất chưa đáp ứng yêu cầu; việc duy tu, sửa chữa, nâng cấp còn hạn chế… Khó khăn lớn nhất hiện nay là cơ sở hạ tầng tại các cảng cá ngày càng xuống cấp, trong khi nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá còn hạn chế. Phần lớn các cảng chưa được đầu tư xây dựng đầy đủ kho lạnh, nhà điều hành, nhà phân loại cá, hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải... Ðây cũng là nguyên nhân khiến việc thực hiện các biện pháp quản lý tàu thuyền, quản lý chất lượng sản phẩm theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017 gặp nhiều khó khăn.
So với phát triển năng lực tàu cá, sự phát triển cơ sở hạ tầng nghề cá tỉnh Bình Ðịnh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; trong đó có các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Lượng tàu thuyền của tỉnh rất lớn, trong khi chỗ neo đậu không đáp ứng được, dẫn tới hiệu quả kinh tế thấp, mất an toàn. Dự án khu neo đậu tránh trú bão Tam Quan được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đưa vào sử dụng năm 2011, khả năng đáp ứng khoảng 1.000 đến 1.200 tàu cá, nhưng đến nay khu neo đậu này đã quá tải nghiêm trọng. Chỉ riêng tổng số tàu của huyện Hoài Nhơn đã lên đến 2.400 chiếc. Ngoài ra, trong những tháng mưa bão, khu neo đậu còn tập trung khoảng gần 300 tàu của huyện Phù Mỹ và tỉnh Quảng Ngãi, cho nên tình trạng quá tải càng thêm nghiêm trọng. Luồng lạch cửa Tam Quan lại thường xuyên bị bồi lấp, trong khi đó tàu cá khai thác đánh bắt ở vùng biển xa bờ ngày càng có dung tích, công suất lớn nên việc ra vào cảng rất khó khăn, không bảo đảm an toàn. Ðến mùa mưa bão, hầu như toàn bộ hơn 6.300 chiếc tàu cá của ngư dân Bình Ðịnh đều tập trung về cảng cá Quy Nhơn để neo đậu, tránh trú. Mặc dù hằng năm chính quyền địa phương đã triển khai nhiều phương án, trong đó có nạo vét, khơi thông luồng, nhưng chỉ là giải pháp tạm thời. Tỉnh Bình Ðịnh đang kiến nghị Chính phủ quy hoạch lại cảng cá Tam Quan thành khu neo đậu bảo đảm an toàn, tạo điều kiện cho địa phương phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá.
Các cảng cá của tỉnh Phú Yên được quy hoạch xây dựng tại bốn địa phương ven biển, gồm Phú Lạc (huyện Ðông Hòa), Ðông Tác (TP Tuy Hòa), Tiên Châu (huyện Tuy An), Dân Phước (huyện Sông Cầu) và ba khu neo đậu tránh trú bão ở đầm Cù Mông, vịnh Xuân Ðài và Ðông Tác. Ngoài ra còn một số bến cá nhỏ như Vũng Rô, phường 6, An Ninh Ðông... Tuy nhiên, các cảng cá cũng như các khu neo đậu tránh trú bão nêu trên chưa phát huy được hiệu quả, gây khó khăn cho tàu, thuyền ra vào. Giám đốc Ban quản lý cảng cá Phú Yên, Hà Viên cho biết: Hiện, bốn cảng cá trên địa bàn toàn tỉnh đã được đầu tư nâng cấp nhưng hiệu quả chưa cao, vì luồng lạch vào cảng thường bị bồi lắng, gây khó khăn, nguy hiểm cho các loại tàu lớn hơn 500 CV khi cập bến. Cụ thể như cảng cá Dân Phước vừa được đầu tư nâng cấp mở rộng với nhiều hạng mục, có năng lực tiếp nhận khoảng 60 lượt/ngày đối với tàu cá có công suất khoảng 500 CV. Tuy nhiên, hiện nay vùng nước trước cầu cảng bị cạn do bồi lắng tự nhiên, tàu công suất từ 500 CV trở lên vào cập cảng rất khó khăn, nhất là thời điểm thủy triều xuống thấp.
Cần sớm đầu tư xây dựng, nâng cấp
Theo Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Bình Thuận Nguyễn Văn Chiến, Bình Thuận hiện có hơn 6.700 tàu cá. Ðến nay, trên địa bàn tỉnh mới thực hiện đầu tư được năm trong tổng số 12 khu neo đậu cho tàu cá theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chỉ đáp ứng được khoảng hơn 50% nhu cầu. Còn nếu tính cả tàu cá các tỉnh thường xuyên hoạt động và neo đậu trên địa bàn khoảng 2.000 chiếc thì mức độ đáp ứng chưa đạt 50% so với nhu cầu. Mỗi khi có tin áp thấp nhiệt đới hay bão xuất hiện là ngư dân lại lo lắng về nơi neo đậu, tránh trú của tàu thuyền. Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý Huỳnh Văn Hưng cho biết: "Ở đảo tuy đã có cảng, nhưng chưa kín và sức chứa cũng chỉ được khoảng 200 tàu, thuyền; chung quanh đảo lại toàn là bãi ngang, nhiều rạn đá ngầm. Do vậy, mỗi khi có bão, áp thấp nhiệt đới, huyện phải huy động lực lượng kéo thuyền nhỏ lên bờ, số tàu lớn thì phải chạy bớt vào Phan Thiết hoặc các khu vực neo đậu ở Vũng Tàu, Cà Ná (Ninh Thuận) để trú tạm".
Thực tế tại các tỉnh Nam Trung Bộ, đa số các cảng cá được đầu tư xây dựng từ rất lâu nên thiếu nhiều hạng mục theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017 như diện tích vùng đất, vùng nước; các trang thiết bị chủ yếu phục vụ cho việc bốc dỡ hàng hóa của cảng; hệ thống điện, nước, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống phòng, chống cháy... Hạ tầng cảng cá hạn chế khiến thời gian bốc dỡ hải sản kéo dài, việc kiểm tra, giải quyết hồ sơ thủ tục cho tàu rời cảng cũng như chứng nhận, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, sản lượng bốc dỡ tại cảng… gặp nhiều khó khăn. Ðây cũng là những hạn chế ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc đầu tư xây dựng mới cũng như cải tạo, nâng cấp các cảng cá còn dàn trải, không đồng bộ, dẫn đến số lượng, chất lượng công trình được đầu tư còn hạn chế so với quy hoạch cũng như yêu cầu phát triển… Giám đốc Sở NN và PTNT Phú Yên, Biện Minh Tâm cho biết: Khó khăn lớn nhất hiện nay là việc huy động các nguồn vốn để xây dựng, nâng cấp hệ thống các cảng cá. Nhiều trường hợp, như cảng cá phường 6 chẳng hạn, dù biết có những bất cập, quá tải nảy sinh nhưng "lực bất tòng tâm".
Phát biểu ý kiến tại hội nghị quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và công tác bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển được tổ chức tại Nha Trang hồi tháng 9-2020, có đại diện lãnh đạo 28 tỉnh, thành phố ven biển trong cả nước tham dự, Thứ trưởng NN và PTNT Phùng Ðức Tiến thẳng thắn đánh giá: "Thực trạng hạ tầng thủy sản của chúng ta hiện rất yếu kém. Số lượng cảng cá được đầu tư mới đạt 66%, khu neo đậu mới đạt 46% so với mục tiêu quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ". Thứ trưởng Phùng Ðức Tiến cho rằng, nếu chúng ta không bố trí vốn đầu tư cơ sở hạ tầng thủy sản sẽ khó gỡ "thẻ vàng" của EU và không thể chuyển ngành thủy sản từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có tránh nhiệm, hội nhập khu vực và quốc tế được.
Từ thực tiễn nêu trên, thời gian tới, bên cạnh việc rà soát lại công tác quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, các địa phương ven biển cần bố trí vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão theo quy định; bố trí kinh phí duy tu, nạo vét luồng lạch các cảng cá, khu neo đậu để tàu thuyền ra vào được an toàn, đáp ứng ở mức cao nhất các điều kiện về cảng cá theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017.
(Còn nữa)
Bài, ảnh: HÙNG KẾ và CHÂU NGUYÊN
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận