Gỡ khó cho các doanh nghiệp tàu du lịch
VBĐVN.vn - Tàu du lịch không có khách, không vận hành nhưng mỗi tháng, doanh nghiệp vẫn phải chi trả hàng chục triệu đồng để duy trì tình trạng đỗ tại bến tàu du lịch.
Thực tế này khiến hàng trăm doanh nghiệp, hộ kinh doanh tàu du lịch ở Quảng Ninh điêu đứng, thậm chí phải làm đơn "cầu cứu" đến Thủ tướng Chính phủ mong có cơ chế để cơ cấu lại, giãn, hoãn nợ gốc và lãi, gia hạn hợp đồng vay vốn ngân hàng trong giai đoạn dịch bệnh cho đến khi dịch COVID-19 được kiểm soát.
Nhiều doanh nghiệp kiệt quệ
Theo thống kê của Chi hội tàu du lịch Hạ Long, trên Vịnh Hạ Long hiện nay có khoảng 500 tàu du lịch hoạt động, trong đó có 187 tàu du lịch nghỉ đêm, còn lại là tàu tham quan. Từ khi dịch COVID-19 xảy ra, hoạt động tham quan Vịnh Hạ Long gần như bị ngừng hoặc rất ít tàu đón rải rác lượng khách từ nội địa. Dịch COVID-19 bùng phát trở lại, các tàu buộc phải neo tại chỗ nhưng lại “đẻ” ra nhiều khoản chi phí, trong đó có tiền lãi và gốc ngân hàng phải trả định kỳ khiến các chủ tàu đứng trước nguy cơ phá sản.
Chị Đỗ Thị Nga, hộ kinh doanh cá thể tàu du lịch đã vay ngân hàng 4,5 tỷ đồng hơn 4 năm nay bật khóc khi nói về những khó khăn trong thời gian này. Chị Nga cho biết, vợ chồng chị vay mượn đầu tư 2 tàu du lịch, hơn 18 tháng nay tàu không hoạt động nhưng đến hạn trả gốc và lãi ngân hàng không thể lùi được nên gia đình phải vay 136 triệu đồng từ "tín dụng đen" để trả lãi ngân hàng... Hiện chị vẫn phải duy trì 4 người để bảo vệ, quản lý, bảo dưỡng tàu, mỗi tháng chi phí cho nhân công là hơn 20 triệu đồng chưa kể các khoản phí đăng ký, đăng kiểm, phòng cháy chữa cháy, thuế, bảo hiểm hành khách, bảo hiểm thân vỏ... Gia đình chị mong muốn được vay vốn lưu động để trả lương cho nhân công và duy trì bảo dưỡng tàu, tuy nhiên điều kiện được vay là phải hoạt động có thu nên chị Nga không tiếp cận được nguồn vốn này...
Thực tế, nhiều chủ doanh nghiệp, chủ tàu du lịch trên vịnh Hạ Long đang kiệt quệ từng ngày do ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhiều chủ tàu, doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản, bị chuyển từ nhóm khách hàng tiềm năng của các ngân hàng sang nhóm nợ xấu vì không thể trả nợ. Nhất là đối với những doanh nghiệp dư nợ lên đến hàng chục tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng nhưng trong mùa dịch không thể xoay sở để tất toán.
Chị Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Công ty cổ phần thương mại và du lịch Hoàng Phương cho biết, công ty có 3 tàu du lịch 5 sao. Hiện, công ty có dư nợ trên 60 tỷ đồng, trong thời gian nghỉ dịch các tàu neo tại cảng nhưng vẫn cần đội ngũ nhân viên ở lại để bảo dưỡng máy, tài sản, xử lý khi có mưa bão… Do nợ lớn, lãi lớn, dịch bệnh kéo dài khiến công ty gần như không còn sức chống chọi. Phía công ty có nguyện vọng được tiếp tục giãn các khoản vay trung, dài hạn, thời gian từ 2 đến 3 năm để doanh nghiệp có thời gian phục hồi, đồng thời tạo điều kiện và hỗ trợ vay các gói ngắn hạn, trung hạn với lãi suất ưu đãi nhằm khắc phục khó khăn, có vốn duy trì sản xuất kinh doanh. Mong muốn của chị Nga, chị Hằng cũng là "tiếng lòng" của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long.
Cần có giải pháp dài hơi
Trước lời "kêu cứu" của các chủ tàu, ngày 15-6, Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Chi hội tàu du lịch Hạ Long tổ chức gặp gỡ nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và phần nào tháo gỡ cho khăn cho doanh nghiệp tàu du lịch.
Theo đó, các chủ tàu thông tin, trong thời gian dịch bệnh bùng phát, họ được tổ chức tín dụng áp dụng hỗ trợ lãi suất theo các Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 và Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 2-4-2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN.
Tuy nhiên, do dịch bệnh kéo dài, các doanh nghiệp điêu đứng nên với quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ trước phát sinh trước ngày 10-6-2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính, phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến ngày 31-12-2021, các doanh nghiệp sẽ không thực hiện được.
Ông Bùi Công Hoan, Phó Chi hội trưởng Chi hội tàu du lịch Hạ Long, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thịnh Phát cho biết, tàu du lịch là một ngành đặc thù nên dù không đón khách vẫn phát sinh nhiều chi phí. Vào mùa du lịch có trên 6.000 lao động làm việc trên các tàu nhưng khi dừng hoạt động vẫn còn khoảng 3.000 lao động làm việc và doanh nghiệp phải chi trả nhân công trong khi không có nguồn thu. Ông Hoan kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có cơ chế tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể là giảm lãi suất cho vay, mặt khác sau ngày 31-12-2021, các doanh nghiệp sẽ được gia hạn thời gian trả lãi, gốc, hợp đồng cho vay vốn. Xa hơn nữa, khi Chính phủ công bố hết dịch, các ngân hàng sẽ cho doanh nghiệp tiếp tục gia hạn thêm thời gian vay từ 2 năm trở lên để họ phục hồi sản xuất kinh doanh, có tích lũy và trả nợ ngân hàng.
Theo ông Nguyễn Văn Đoan, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Ninh, các tổ chức tín dụng thấu hiểu khó khăn của doanh nghiệp. Đối với kiến nghị của doanh nghiệp, đơn vị sẽ gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành để cho ý kiến. Ông Đoan chỉ ra nút thắt từ Thông tư 03/2021/TT-NHNN. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, do vậy, với thời gian trả nợ quy định tại Thông tư 03/2021/TT-NHNN đến cuối năm 2021 sẽ khiến các doanh nghiệp rất khó khăn. Ông Đoan còn mong muốn, Chính phủ có chính sách dài hơi hơn và đồng bộ không chỉ riêng cho tàu du lịch mà cho nhiều ngành, nghề để "cứu" doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Còn ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh khẳng định, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tất cả các ngành, nghề đều bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó ngành du lịch bị tác động nhiều nhất. Ngành tàu du lịch chịu ảnh hưởng sâu hơn do những chi phí vẫn phát sinh khi phương tiện nằm tại chỗ. Ông Thanh hy vọng sẽ có cơ chế để "cứu" doanh nghiệp nói chung, các tàu du lịch Hạ Long nói riêng vì đây là điểm nhấn du lịch của Quảng Ninh.
Văn Đoàn (theo baotintuc.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận