Tạo đột phá để phát triển bền vững kinh tế biển miền Trung

18:01 13-06-2021

VBĐVN.vn - Xét về các yếu tố, vị trí địa lý, diện tích mặt biển, trữ lượng hải sản, tài nguyên khoáng sản…, khu vực biển miền Trung có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế biển. Mặc dù vậy, đánh giá một cách tổng thể, sự phát triển kinh tế biển, đảo miền Trung hiện nay còn chưa xứng tầm với các điều kiện và lợi thế sẵn có.

Trước hết, cần phải hiểu khái niệm kinh tế biển không chỉ gói gọn những hoạt động diễn ra trên biển như du lịch, kinh tế hàng hải, khai thác hải sản... mà bao gồm cả các hoạt động kinh tế trực tiếp liên quan đến khai thác biển ở dải đất liền ven biển như đóng và sửa chữa tàu biển, công nghiệp chế biến thủy hải sản, cung cấp dịch vụ biển, đào tạo nhân lực phục vụ quản lý kinh tế biển, điều tra cơ bản tài nguyên biển...

Các địa phương ven biển miền Trung có tiềm năng để phát triển du lịch biển do sở hữu nhiều vũng, vịnh, bãi biển đẹp. Ảnh: Bích Nguyên

Tiềm năng dồi dào

Duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, chiếm 50% số tỉnh giáp biển của cả nước (14/28 tỉnh, thành phố), với chiều dài đường bờ biển 1.900km, chiếm gần 60% chiều dài bờ biển cả nước. Đây là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển theo Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Miền Trung còn là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên và có vai trò kết nối tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.

Vùng biển miền Trung được thiên nhiên ưu đãi, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các ngành kinh tế biển như du lịch biển, hàng hải, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, năng lượng, công nghiệp... Về tiềm năng du lịch, vùng biển miền Trung có địa hình đa dạng, nhiều bãi biển đẹp với rất nhiều đảo, vũng vịnh, đầm phá hoang sơ, tạo nên lợi thế rất lớn so với các địa phương khác về phát triển du lịch biển, đảo.

Có thể kể đến các điểm đến đã được định danh trên bản đồ du lịch Việt Nam như vịnh Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), bãi biển Non Nước (Đà Nẵng), đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), vịnh Nha Trang (Khánh Hòa), biển Cà Ná (Ninh Thuận), bãi biển Mũi Né (Bình Thuận)... Cùng với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, các tỉnh ven biển miền Trung còn sở hữu rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, lễ hội dân gian, các làng nghề truyền thống, làm giàu thêm giá trị du lịch như phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, lễ hội Cầu Ngư, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, văn hóa Chămpa, Sa Huỳnh...

Vùng biển Nam Trung bộ cũng có tiềm năng rất lớn cho khai thác hải sản bởi diện tích ngư trường rộng lớn, mức đa dạng sinh học cao hơn so với các vùng biển khác của Việt Nam. Trong khi đó, các vũng, vịnh và đầm phá dọc ven biển cùng sự phong phú của các kiểu sinh cảnh là điều kiện lí tưởng để phát triển nuôi trồng thủy hải sản. Các vũng, vịnh ven biển miền Trung tương đối kín gió, độ sâu lớn,có tiềm năng và lợi thế rất lớn để phát triển kinh tế hàng hải công nghiệp, logistics gắn với cảng biển và du lịch. Không chỉ có nguồn tài nguyên dầu khí dồi dào, vùng biển miền Trung còn có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời.

Tạo đột phá để phát triển

Theo các chuyên gia, miền Trung đã chú ý trong việc khai thác tiềm năng kinh tế biển, nhưng mới dừng lại ở các sản phẩm hữu hình. Trong khi đó, các nguồn lợi to lớn vô hình như vị trí địa lý, lợi thế của các cảng biển, hải đảo là đầu mối liên kết kinh tế giữa các vùng trong nước với các nước trong khu vực thì chưa khai thác được bao nhiêu. Tính đến năm 2018, tổng sản phẩm (GRDP) của 14 tỉnh miền Trung chiếm 19,3% GDP cả nước. GRDP bình quân đầu người của miền Trung là 2.074 USD/người, bằng 80% trung bình của cả nước.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng công nghiệp của khu vực miền Trung còn thấp, chưa khai thác được thế mạnh hệ thống cảng biển, sân bay sẵn có. Các ngành công nghiệp công nghệ cao, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng còn hạn chế. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, tỉ lệ lao động qua đào tạo có cấp chứng chỉ mới đạt khoảng 22-23%, thấp so với cả nước. Du lịch được đánh giá rất nhiều tiềm năng trong vùng, nhưng doanh thu từ du lịch chỉ khoảng 18-19% cả nước. Không chỉ vậy, khu vực này đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đó là nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển thấp, tình trạng ô nhiễm môi trường biển diễn biến ngày càng trầm trọng, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt...

Khu vực biển miền Trung có trữ lượng thủy hải sản rất lớn để phát triển ngành khai thác và công nghiệp chế biến hải sản. Ảnh: Bích Nguyên

Theo các chuyên gia, miền Trung đã chú ý trong việc khai thác tiềm năng kinh tế biển, nhưng mới dừng lại ở các sản phẩm hữu hình. Trong khi đó, các nguồn lợi to lớn vô hình như vị trí địa lý, lợi thế của các cảng biển, hải đảo là đầu mối liên kết kinh tế giữa các vùng trong nước với các nước trong khu vực thì chưa khai thác được bao nhiêu.

Do đó, cần xây dựng các khu kinh tế mở hướng vào thị trường khu vực và thế giới. Một hướng phát triển nữa cần chú trọng là phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực. Cùng với đó, cần có chính sách liên kết, hợp tác giữa các vùng, địa phương; thực hiện chiến lược phát triển ngành thủy sản một cách bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các tỉnh, thành miền Trung nên ưu tiên phát triển mạng lưới trung tâm logistics, phát triển năng lượng tái tạo.

Để phát triển bền vững kinh tế biển miền Trung, ông Hoàng Nhất Thống, Tổng cục Biển và Hải đảo cho rằng, cần có những đột phá mang tính chiến lược. Thứ nhất, cần đẩy mạnh xây dựng thể chế chính sách, pháp luật cho những đột phá về phát triển bền vững kinh tế biển.

Thứ hai, phải huy động tối đa nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo hướng tiên tiến, hiện đại, đồng bộ để tạo nền tảng cho phát triển bền vững kinh tế biển. Tăng cường đầu tư nghiên cứu và ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ trong quá trình tổ chức phát triển bền vững kinh tế biển vùng duyên hải Nam Trung bộ.

Đặc biệt, cần quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển thông qua việc lựa chọn một số khâu, một số lĩnh vực có thể đột phá, áp dụng những thành tựu của nền kinh tế tri thức và của cách mạng công nghiệp 4.0.

Nam Văn (theo bienphong.com.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang