Gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam - Những nỗ lực từ cơ sở: Bài 2: Tìm lời giải cho bài toán gỡ thẻ vàng

12:07 09-05-2023

VBĐVN.vn - Sau gần 6 năm thủy sản Việt Nam bị Ủy ban châu Âu (EC) áp thẻ vàng, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhất là công tác tuyên truyền, vận động của Bộ đội Biên phòng (BĐBP), Bộ đội Hải quân, Cảnh sát biển, hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đã và đang được đẩy lùi. Đó là tiền đề quan trọng để nước ta sớm gỡ được “vòng kim cô” đối với thủy sản.

Quản lý chặt chẽ tàu cá trên các vùng biển

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện Việt Nam có 108.612 tàu hoạt động nghề cá ở Biển Đông và biển Tây Nam. Trong đó, số tàu đánh bắt xa bờ là hơn 14.000 chiếc và thường xuyên có khoảng 300.000-500.000 ngư dân vươn khơi bám biển. Trong đó có 45.950 tàu cá chiều dài 6-12m; 18.425 tàu cá chiều dài 12-15m; 27.575 tàu cá chiều dài 15-24m; 2.662 tàu cá có chiều dài lớn hơn 24m.

Với số lượng tàu khổng lồ như vậy, công tác quản lý của cơ quan chức năng được thực hiện như thế nào? Đem thắc mắc này trao đổi với Thượng tá Nguyễn Văn Lĩnh, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh Bình Định, chúng tôi được anh giới thiệu về hệ thống thiết bị giám sát hành trình đối với các tàu cá, một trong những biện pháp quan trọng trong công tác phòng, chống IUU.

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Lĩnh, Bình Định hiện có 5.967 tàu đánh cá, trong đó hơn 2.000 tàu đánh bắt xa bờ. Trước đây, việc kiểm tra, giám sát chưa đồng bộ, nên số vụ tàu cá của địa phương vi phạm quy chế vùng biển diễn ra khá phổ biến, có tàu cố tình xâm phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt. Bên cạnh công tác tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, BĐBP tỉnh Bình Định đã triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên các tàu cá có độ dài từ 15m trở lên, nhằm ngăn chặn và từng bước chấm dứt tình trạng ngư dân vi phạm các quy định về đánh bắt hải sản trên biển, nhất là vi phạm IUU.

Cán bộ Đồn Biên phòng Tam Quan Nam, BĐBP tỉnh Bình Định hướng dẫn ngư dân phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) chấp hành các quy định về đánh bắt hải sản trên biển. Ảnh: CÔNG CƯỜNG.

Tại Trung tâm điều hành giám sát hành trình tàu cá đặt tại Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Bình Định, chúng tôi có dịp “thực mục sở thị” hải trình của các tàu cách đất liền hàng nghìn hải lý, giáp vùng biển nước ngoài với toàn bộ tín hiệu về tàu cá, cả số đang chạy và neo đậu, kể cả tàu đang neo đậu trong bờ hay ngoài biển. Muốn kiểm tra bất cứ tàu cá nào, dù cách nhau hàng trăm hải lý, chỉ cần một cú nhấp chuột, mọi thông số: Ký hiệu, tải trọng, tên thuyền trưởng, chủ phương tiện, địa chỉ, số điện thoại, tàu đang ở kinh độ, vĩ độ nào đều hiện rõ trên màn hình 55 inch. Thượng tá Nguyễn Văn Lĩnh chia sẻ, hiện trung tâm điều hành thiết bị giám sát hành trình đã được lắp đặt tại tất cả bộ chỉ huy BĐBP các tỉnh ven biển, có độ phủ sóng rộng trên toàn vùng Biển Đông và vịnh Thái Lan, có khả năng gửi nhật ký, báo cáo điện tử, nhận thông tin các cơn bão, áp thấp nhiệt đới, có nút ấn khẩn cấp khi có tàu gặp nạn để lực lượng gần nhất ứng cứu kịp thời. Khi trung tâm phát hiện có phương tiện di chuyển gần vùng biển giáp ranh với các nước, BĐBP sẽ sử dụng hệ thống thông tin liên lạc yêu cầu chủ phương tiện quay trở lại. Tàu nào cố tình vi phạm, lực lượng chức năng căn cứ vào dữ liệu này để xử lý.

Với sự theo dõi sát sao, vận động tích cực kết hợp với các biện pháp xử lý kiên quyết của cơ quan chức năng, đến nay, qua khảo sát thực tế trên địa bàn tỉnh Bình Định và các tỉnh ven biển, nhất là các tỉnh tập trung nhiều ngư dân đánh bắt xa bờ, như: Quảng Ngãi, Quảng Nam, Phú Yên, Cà Mau, Kiên Giang... chúng tôi nhận thấy việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá được thực hiện khá nghiêm túc. Chủ tàu cá có chiều dài 15m trở lên đều tự giác chấp hành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, chịu sự giám sát của cơ quan chức năng trong suốt quá trình đánh bắt hải sản, không còn biểu hiện tháo thiết bị lắp sang tàu khác neo đậu ở ngư trường truyền thống để khai thác bất hợp pháp trong vùng biển nước ngoài.

Xử lý kiên quyết, dứt điểm các vi phạm

Mặc dù công tác quản lý tàu cá được thực hiện hết sức chặt chẽ, tuy nhiên theo báo cáo của tỉnh Bình Định mới đây, kết quả kiểm tra, xử lý tàu cá vi phạm IUU từ năm 2020 đến tháng 7-2022, cho thấy, trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra các vụ việc bị lực lượng chức năng các nước Malaysia, Indonesia bắt giữ. Trước tình hình đó, để ngăn chặn vi phạm tái diễn, tỉnh Bình Định đã ra quyết định xử phạt hành chính 24 tàu với số tiền 21,628 tỷ đồng; tịch thu hai phương tiện. Còn tại Quảng Nam, từ năm 2018 đến tháng 4-2022, tỉnh đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 216 trường hợp với tổng số tiền hơn 1,8 tỷ đồng. Theo báo cáo của BĐBP tỉnh Bình Định, sở dĩ công tác quản lý tàu cá trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, nhất là tàu cá vi phạm IUU, bởi đa số các tàu này thường xuyên làm thủ tục xuất-nhập bến ở các tỉnh phía Nam, nhiều năm không đưa tàu về địa phương, nên công tác quản lý, phổ biến các quy định của pháp luật về khai thác thủy hải sản gặp nhiều khó khăn.

Để xử lý vấn đề này, tại cuộc họp triển khai các giải pháp cấp bách về chống IUU, tháng 12-2022, đồng chí Hồ Quốc Dũng, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh Bình Định chỉ đạo cơ quan chức năng địa phương hành động quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp xử lý vi phạm khai thác IUU. Lãnh đạo tỉnh Bình Định yêu cầu các sở, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện các khuyến nghị của EC trong việc gỡ thẻ vàng IUU theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó nêu rõ trách nhiệm của từng sở, từng ngành, từng địa phương.

BĐBP tỉnh Bình Định phối hợp kiểm tra thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Ảnh: CÔNG CƯỜNG.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, với quyết tâm cùng cả nước gỡ cảnh báo thẻ vàng IUU của EC, tỉnh cũng đang tập trung đợt cao điểm 180 ngày để kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý kịp thời vi phạm trong lĩnh vực thủy sản, đặc biệt là các hành vi vi phạm khai thác hải sản.

Theo ghi nhận của chúng tôi, từ đầu năm đến nay, BĐBP tỉnh Quảng Ngãi đã lập đoàn công tác trực tiếp giám sát quy trình kiểm soát, đăng ký, kiểm chứng con người, phương tiện tàu cá ra, vào khu vực biên giới biển tại 10 trạm kiểm soát biên phòng. Cụ thể, đoàn đã kiểm tra việc thực thi các quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp đối với chủ tàu, thuyền trưởng hoạt động tại các cửa sông, cửa lạch. Đối với các đồn và hải đội biên phòng, kiểm tra hoạt động tuần tra trên biển, việc xây dựng các kế hoạch nghiệp vụ về đấu tranh, ngăn chặn, phòng, chống IUU, quyết tâm chấm dứt tình trạng tàu cá Quảng Ngãi vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.

Anh Trần Vàng, Thuyền trưởng tàu cá QNg 98729 TS, trú tại phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ, anh từng bị phạt 25 triệu đồng và tước bằng thuyền trưởng 4 tháng do không duy trì thiết bị giám sát hành trình hoạt động. Từ ngày được nhận lại bằng để tiếp tục ra khơi, anh luôn chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật, đồng thời vận động các đồng nghiệp thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống IUU.

Trao đổi với Trung tá Lâm Văn Viễn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Sa Kỳ, BĐBP tỉnh Quảng Ngãi, chúng tôi được biết, đơn vị thường xuyên bố trí hai lực lượng: Trên ca nô và kiểm tra, kiểm soát tại trạm. Đối với tàu cá, khi đi hành nghề phải vào trạm để làm thủ tục. Đối với phương tiện không bảo đảm giấy tờ, đơn vị kiên quyết yêu cầu chủ tàu quay trở về. Nếu phương tiện không đủ điều kiện nhưng cố tình vượt trạm để đi hành nghề thì có lực lượng ca nô bố trí ở cửa sông ngăn chặn và yêu cầu họ quay trở lại.

Ghi nhận của chúng tôi tại huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) cho thấy, đến nay vẫn còn 23 tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, trong đó có 7 tàu cá đã nằm bờ 4-5 năm. Theo đồng chí Ung Đình Hiền, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, đối với các tàu cá nằm bờ nhiều năm nay, UBND huyện kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh xóa tên trong sổ đăng ký tàu cá quốc gia và đưa ra khỏi danh sách quản lý tàu cá của tỉnh. UBND huyện cũng chỉ đạo các phòng, ban chức năng và các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là chú trọng đến nhóm bà con ngư dân còn có sai sót trong việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; phân loại thống kê rà soát tàu cá để phục vụ công tác quản lý; hỗ trợ kinh phí cho các địa phương, lực lượng tuần tra trên biển.

Nhằm cùng các cấp, ngành, địa phương quyết tâm chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm IUU trong nửa đầu năm 2023, Đại tá Đoàn Thanh Long, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị, các lực lượng chấp pháp trên biển như Cảnh sát biển, Hải quân, Kiểm ngư nên tăng cường tuần tra, kiểm soát tại vùng biển giáp ranh, chồng lấn giữa Việt Nam với các nước trong khu vực nhằm góp phần ngăn ngừa tàu cá Việt Nam vi phạm IUU, đồng thời ngăn chặn tàu cá nước ngoài xâm phạm trái phép vùng biển Việt Nam, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đồng chí Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh Quảng Ngãi cũng đề xuất, các tỉnh, thành phố ven biển, nhất là các tỉnh phía Nam nên đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát đối với tàu cá các tỉnh nói chung, Quảng Ngãi nói riêng xuất-nhập bến tại địa phương đó, nhất là tàu có nguy cơ cao vi phạm IUU. Cùng với đó, cơ quan chức năng với vai trò nòng cốt của BĐBP, Cảnh sát biển cần tích cực hơn nữa hướng dẫn chủ tàu, thuyền trưởng thực hiện thủ tục đăng kiểm, đăng ký để tàu có đủ điều kiện cấp giấy phép khai thác thủy sản; sớm hoàn thành việc lắp đặt, bảo đảm 100% tàu cá hoạt động trên biển đều phải có thiết bị giám sát hành trình...

HỒNG SÁNG - MẠNH THẮNG / qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang