Góc nhìn thủy sản Việt

10:07 11-03-2020

Những tưởng rằng thủy sản sẽ có một năm 2019 bứt phá mạnh sau thành công vang dội từ 2018, vậy nhưng, kinh tế toàn cầu suy giảm, thị trường ảm đạm, sản xuất trong nước khó khăn đã khiến cho “giấc mộng” 10 tỷ đô của ngành bị hoãn lại. Nhìn từ nhiều phía, ngành thủy sản dù còn nhiều khó khăn nhưng cơ hội để trở mình cũng không ít.

Góc nhìn nhà quản lý

Sau thành công với 9 tỷ USD giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2018, ngành thủy sản đặt mục tiêu 10,5 tỷ USD trong năm 2019, tăng 11% so năm trước và hoàn thành sớm mục tiêu được đặt ra cho năm 2020. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, mục tiêu 10 tỷ USD mà ngành thủy sản đề ra là rất cao, nhưng hoàn toàn có cơ sở để thực hiện. Cùng đó, các hiệp định thương mại tự do được ký kết và chính thức có hiệu lực sẽ là đòn bẩy giúp ngành tăng kim ngạch. Thậm chí, vị “tư lệnh” ngành nhìn nhận thủy sản cùng với lâm sản sẽ là 2 “cứu cánh” cho tăng trưởng của ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, khó khăn từ thị trường đã khiến mục tiêu của ngành không đạt được. Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân trong một cuộc hội nghị đã cho rằng, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu ở mức khá cao. Vì ảnh hưởng từ xung đột thương mại, rào cản kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu. Về sản xuất, diễn biến thời tiết rất phức tạp, ảnh hưởng tới việc NTTS. Mặt khác, tình trạng nuôi trồng vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác còn hạn chế, tổn thất sau thu hoạch còn cao… Để hoàn thành được cần nỗ lực rất lớn.

Thế nhưng, khó khăn chung đã khiến kế hoạch bị chậm lại, giá trị xuất khẩu thủy sản không đạt kỳ vọng. Tuy vậy, nhiều nhận định cho rằng, ngành sẽ khởi sắc trong năm tới. Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư SSI cho rằng, năm 2019, tăng trưởng của ngành nông nghiệp có chậm lại; đây là một năm “khô hạn”; nhưng thường sau một năm “khô hạn” thì năm sau sẽ tốt hơn, kéo theo những ngành liên quan khác cũng sẽ tích cực hơn.

Góc nhìn chuyên gia

Ngay đầu năm 2019, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP đã cho rằng, thủy sản Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề, điển hình việc kiểm soát nguồn nguyên liệu chưa thực sự tốt, giá thức ăn cao; cùng đó, rào cản thị trường vẫn lớn. Thị trường EU là vấn đề “thẻ vàng”, còn tại Mỹ, thuế chống bán phá giá tôm và cá tra, chương trình thanh tra cá da trơn và chương trình giám sát thủy sản nhập khẩu trở thành sức ép lớn cho thủy sản Việt Nam. Cùng đó, hàng năm nước ta vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu cho chế biến.

Ở một góc độ khác, có ý kiến cho rằng, trong điều kiện trình độ nuôi trồng, chế biến thủy sản thế giới đã phát triển đến mức cao, việc cạnh tranh trong xuất khẩu đặt ra nhiều thách thức. Chẳng hạn, trước đây cá tra của ta “một mình một chợ” thì nay Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc đã nuôi được cá tra với sản lượng hàng năm khá lớn. Chưa kể, Việt Nam cần 10 năm để phát triển được nguồn giống chất lượng nhưng với những quốc gia có trình độ công nghệ cao thì chỉ cần 2 – 3 năm.

Hơn nữa, theo ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch VASEP, Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi một quốc gia cung cấp nguyên liệu đơn thuần. Minh chứng là tôm và cá tra chiếm đến 60% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản nhưng mới chỉ có 25% sản phẩm tôm và 10% sản phẩm cá tra xuất khẩu có giá trị gia tăng. Thêm vào đó, do chưa xây dựng được thương hiệu quốc gia cho sản phẩm chủ lực, nên thủy sản Việt Nam lệ thuộc nhiều vào biến động thị trường, lợi nhuận thấp và sức ép cạnh tranh lớn.

Thu hoạch cá tra tại ĐBSCL – Ảnh: Hữu Thành

Góc nhìn doanh nhân

Năm nay, mặc dù giá trị xuất khẩu tăng, nhưng doanh nghiệp chế biến xuất khẩu hải sản vẫn gặp nhiều vấn đề cả khách quan và chủ quan. Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Công ty CP Chế biến XNK Bà Rịa – Vũng Tàu (Baseafood) cho biết, có mặt hàng nhà máy nhập khẩu hàng năm nhưng việc kiểm soát cũng như với mặt hàng mới, làm thời gian vận chuyển về nhà máy bị kéo dài. Ông Dũng kiến nghị, việc kiểm tra sau thông quan nên làm dứt điểm hàng năm thay vì 5 năm, vì kéo dài như vậy sẽ khiến doanh nghiệp rất khó khăn trong triển khai sản xuất.

Còn ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại và Thủy sản Thuận Phước (Đà Nẵng) cho rằng, có những vấn đề cần Nhà nước phải vào cuộc mạnh mẽ hơn, đó là quy hoạch vùng nuôi rõ ràng giữa các địa phương và có chương trình thủy lợi cho con tôm. Cùng đó, khó khăn chung từ kinh tế thế giới và ảnh hưởng của cuộc thương chiến giữa hai nền kinh tế lớn đã khiến giá bán thủy sản trên toàn cầu sụt giảm làm cho lợi nhuận của các doanh nghiệp nhỏ lại. Báo cáo tài chính Công ty mẹ quý III/2019 của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho thấy, lũy kế 9 tháng, MPC ghi nhận doanh thu thuần 8.397 tỷ đồng, tăng 1,6% so cùng kỳ, nhưng lợi nhuận giảm 9,6% xuống 484,4 tỷ đồng. Còn theo ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Sao Mai (ASM), giá cá tra đã giảm từ 36.000 đồng/kg xuống còn 19.000 đồng/kg, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó, không thể hoàn thành kế hoạch lợi nhuận. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu của ASM đạt 10.453 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ hơn 600 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so cùng kỳ.

Góc nhìn người nông dân

Năm 2019, hình thức nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, khiến lợi nhuận của người nuôi không còn nhiều. Ông Nguyễn Bá Phụng (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu) chia sẻ: Khoảng 2 – 3 năm nay, người nuôi tôm gặp rất nhiều khó khăn. Một số hộ nuôi tôm siêu thâm canh xả thải trực tiếp ra môi trường làm nguồn nước ô nhiễm; tôm nuôi liên tục bị dịch bệnh; giá tôm nguyên liệu biến động trong khi chi phí đầu vào như thức ăn, thuốc, giá điện… liên tục tăng. Giờ đây, bà con chỉ nuôi tôm cầm chừng chứ không ai tính chuyện làm ăn lớn. Chưa kể, giá TTCT cỡ 100 con/kg sụt giảm rất mạnh trong thời gian dài, có thời điểm chỉ ở mức 70.000 đồng/kg, khiến cho người nuôi “buộc phải bán tháo vì không thể cầm cự do giá thức ăn cao” càng khiến tình hình thêm hỗn loạn.

Với lĩnh vực cá tra, thê thảm nhất là những hộ ương nuôi cá tra giống. Phá “rào” đào ao đã tốn kém, việc lấp lại ao còn khó gấp nhiều lần. Một người sản xuất cá tra giống ở Long An cho biết: “Chi phí mà tôi phải bỏ ra để đào ao nuôi cá khoảng 50 triệu đồng/ha; nhưng hiện nay, số tiền phải trả để lấp ao còn cao hơn rất nhiều. Mặt khác, phần đất này không biết có còn làm lúa được hay không vì trước đây tôi thuê máy đào rất sâu, có khả năng đất sẽ bị dậy phèn và phần đất này sẽ thấp hơn đất ban đầu rất nhiều”. Một cảnh tượng buồn của ngành cá tra sau một năm 2018 thắng vang dội.

Góc nhìn nhà báo

Gần như cả một năm, trên các mặt báo trong nhiều tháng là “cảnh” buồn tẻ ở vùng nuôi, giá bán giảm thê thảm, người nông dân ai oán vì thua lỗ, nhất là vùng nuôi cá tra, giá xuống thấp khiến người nuôi bỏ ao đầm tràn lan. Thảm nhất là tại Tân Hưng, Long An; khi toàn huyện có 1.305 ha mặt nước nuôi cá tra bột, tập trung ở các xã Hưng Thạnh, Hưng Điền và Hưng Điền B. Trong đó, số diện tích ao hiện đang bỏ trống, tạm ngưng nuôi là 240 ha, chiếm 18,4% tổng diện tích ao nuôi.

Với con tôm, TTCT một thời gian dài giá bán duy trì ở mức không có lợi cho người nuôi. Tại Trà Vinh, trong khi giá thành sản xuất tôm loại 100 con/kg giá còn khoảng 90.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất ở mức 70.000 – 75.000 đồng/kg chưa kể các chi phí khác. Còn ở một số địa phương, có thời điểm giá tôm rơi xuống bằng giá thành sản xuất, cộng với chi phí, người nuôi thua lỗ.

TTCT thoát nạn thì tôm hùm rớt giá thê thảm. Xã Cam Bình (TP Cam Ranh, Khánh Hòa), thời điểm cuối tháng 7, thương lái thu mua tôm hùm thương phẩm với giá “rẻ bèo” khiến người nuôi điêu đứng. Tôm hùm xanh dao động 400.000 – 550.000 đồng/kg, giảm khoảng 100.000 đồng/kg, còn tôm hùm bông dao động khoảng 1,1 triệu đồng/kg (loại 1), giảm mạnh 600.000 đồng/kg so với tháng trước. Nhiều hộ nuôi lỗ nặng hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng. Cảnh tượng đìu hiu xuất hiện dọc các vùng nuôi tôm hùm miền Trung.

Không ít nhà báo tâm sự, đã lâu lắm rồi, đi thực địa viết bài tại các địa phương, họ không còn nhìn thấy nụ cười của người nông dân, mà chỉ là những cái lắc đầu ngao ngán, nhưng lời than vãn đến quặn lòng.

>> Năm 2020, ngành thủy sản đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất: 5,3%; sản lượng NTTS: 4,68 triệu tấn (tăng 5,3%); trong đó, cá tra: 1,52 triệu tấn, tăng 6,6%; tôm các loại: 915.000 tấn, (tăng 6,5%), nuôi biển các loại: 540.000 tấn (tăng 16,6%).

Nguồn:thuysanvietnam.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang