Hải Phòng - hậu phương lớn của Đoàn tàu Không số
VBĐVN.vn - Hải Phòng là căn cứ, hậu phương lớn với hơn 50 lượt xã, phường cùng hàng chục điểm phục vụ cho hoạt động của Đoàn tàu Không số. Đây cũng là nơi xuất phát chuyến tàu đầu tiên chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam.
Bến K15 Đồ Sơn được xác định là km số 0 (Không) của đường Hồ Chí Minh trên biển; nơi trực tiếp chỉ huy lực lượng vận chuyển bốc xếp hàng hoá, vũ khí cho chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Kỳ công xây dựng bến K15
Năm 1963, Quân ủy Trung ương quyết định gấp rút xây dựng một cầu tàu ở bờ biển Đồ Sơn (TP Hải Phòng), ký hiệu K15 để bảo đảm cho Đoàn 759 hoạt động. Bộ Tổng Tham mưu đã giao cho Trung đoàn 83 trực tiếp thi công. Đây là một niềm vinh dự nhưng cũng là nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải tập trung trí tuệ và phương tiện để thi công nhanh, trong thời gian gấp.
Trung tá Lê Nhật Cát, nguyên Trợ lý xe máy Trung đoàn 83 (Trung đoàn trưởng 1981-1984), hiện đang ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho biết: Lúc đó Đại tá Lê Văn Xương, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 83 là người trực tiếp nhận nhiệm vụ trên giao và chỉ huy, tổ chức cho cán bộ tham mưu đơn vị đi trinh sát thực địa.
Vào khoảng tháng 2-1963, vùng biển Đồ Sơn tiết trời giá rét những cơn gió mùa Đông Bắc thổi mạnh, sóng vỗ tung bờ cát. Tổ trinh sát đi thực địa mang theo ống nhòm, mỗi người một gậy cầm tay, vượt sườn núi, khảo sát, xem xét kỹ lưỡng các dãy núi hướng về phía biển. Sau thời gian khảo sát, tổ công tác đã tìm được vị trí hội tụ đủ các yếu tố kín gió, độ sâu lớn, đảm bảo bí mật. Đó là bến Vụng Sét, ba bề núi vây quanh, chỉ có một hướng chạy ra biển.
Đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng giao nhiệm vụ cho đơn vị: Cầu tàu K15 Đồ Sơn phải thi công khẩn trương, đảm bảo kỹ thuật và giữ tuyệt đối bí mật cả trước trong và sau khi hoàn thành. Chiếc cầu tàu các đồng chí sẽ xây dựng là đầu mối cho các chuyến hàng trên con đường thần kỳ mang tính chiến lược rất quan trọng này.
Để chuẩn bị chu đáo và nắm chắc biên độ lên xuống của thủy triều, Trung đoàn trưởng Lê Văn Xương cử một tổ 3 người trang bị 2 xuồng cao su cùng cây sào, dây đi khảo sát độ sâu. Tổ khảo sát tìm và đánh dấu được mố cầu chỗ sâu ít (đo được là 4m, chỗ nông có thể đặt mố cầu sâu 3m (chưa tính đến thủy triều lên), từ đó vào đến mép nước là 50m.
Theo thiết kế, cầu tàu hình chữ T, chiều dài 60 mét, rộng 6 mét, chịu tải 10 tấn, kết cấu cọc bằng bê tông, ghép khung dầm. Trung tá Lê Nhật Cát cho biết thêm: Trong suốt quá trình thi công luôn bảo đảm yếu tố bí mật. Tiểu đoàn 3 tổ chức làm ba bộ phận. Một đại đội sản xuất cấu kiện bê tông. Một đại đội vận chuyển vật liệu đến chân công trình. Một đại đội làm nhiệm vụ bắc cầu tàu. Việc bắc cầu tàu do đồng chí Đinh Đới và đồng chí Đinh Ngọc Tĩnh (cán bộ đại đội) phụ trách.
Ngày 15-4-1963, Tiểu đoàn 3 khởi công đóng cọc. Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 3 không quản ngại gian khổ phân chia ca kíp, khẩn trương lao động suốt ngày đêm không biết mệt mỏi, quần áo luôn đẫm mồ hôi, mặc dù thời tiết của biển thời diểm đó có gió lạnh và sương đêm giá rét. Họ lao động quên mình chạy đua cùng thời gian, cố gắng hoàn thành sớm công việc - Trung đoàn trưởng Lê Nhật Cát bồi hồi nhớ lại.
Với thành tích xuất sắc trong xây dựng cầu tàu K15 Đồ Sơn, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 83 được Nhà nước tặng Huân chương Chiến công Hạng Nhì và nhiều cán bộ, chiến sĩ được khen thưởng.
Nơi bồi dưỡng cán bộ và đóng mới tàu thuyền
Trong suốt 14 năm làm nhiệm vụ (1961-1975) của Đoàn tàu Không số, đã có nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ được bồi dưỡng, đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, hàng chục tàu thuyền được đóng mới, hàng trăm lượt phương tiện được bảo quản bảo dưỡng tại các cơ sở, nhà máy ở Hải Phòng. Việc bổ sung kịp thời về con người và trang bị đã góp phần giúp đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên giáo viên Trường Hải quân (nguyên Giám đốc Học viện Hải quân) có kỷ niệm khó quên về những buổi bồi dưỡng cho cán bộ, thủy thủ tàu Không số ở TP Hải Phòng. Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm cho biết: Cuối năm 1962 đầu năm 1963, tôi cùng đồng chí Phạm Đốc (cán bộ Đoàn 125) đã lên lớp về thiên văn hàng hải cho các thủy thủ tàu Không số ở dãy nhà số 7, Lạch Tray, Hải Phòng (hiện nay là khu vực gần Nhà khách Thành ủy Hải Phòng). Lớp học bố trí trong căn phòng rộng khoảng chừng hơn 20m2, hoàn toàn bí mật. Giáo viên ngoài biết tên người học và giảng bài, thì không được tìm hiểu gì thêm nữa. Mỗi lần giảng khoảng hơn 10 thủy thủ về lý thuyết thiên văn hàng hải, cách sử dụng máy 1/6. Kết thúc lớp bồi dưỡng, thủy thủ về tàu thực hành và được cán bộ tàu tiếp tục huấn luyện. Mỗi lần tàu vận chuyển vũ khí vào Nam là một lần thủy thủ tích lũy kinh nghiệm và truyền thụ lại cho thế hệ sau.
“Thông thường một bài tập xác định vị trí tàu bằng thiên văn, 7 phút tính ra một vị trí tàu, sai số vị trí tàu khoảng hơn 10 hải lý là đạt giỏi. Lúc đó không máy tính, chỉ có bảng tính dày hàng trăm trang, có vài tập nhưng thủy thủ đều hoàn thành phép tính”, Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm nhấn mạnh.
Cùng với bến K15 thì khu K35-Đồ Sơn (khu vực bến Thốc đi vào trong) là nơi đào tạo, bồi dưỡng chuyển loại quân binh chủng cho cán bộ, chiến sĩ toàn quân khi được điều động về Đoàn 125 công tác. Các quân nhân đã được giáo viên là chỉ huy, cán bộ cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật của Đoàn 759 huấn luyện bổ túc các chuyên ngành.
Đại tá Trần Phong, nguyên Đoàn trưởng Đoàn 759, trong thời gian ông công tác ở Phòng Tham mưu Đoàn đã có nhiều buổi tập huấn cho cán bộ, thủy thủ tàu Không số về tác chiến. Đại tá Trần Phong chia sẻ: Từ kiến thức tiếp thu được và thực tế công tác, tôi biên soạn thành tài liệu về địa văn hàng hải gồm mục tiêu địa văn, tóm tắt lịch sử các hòn đảo, luồng lạch, dòng hải lưu… để giảng dạy cho thủy thủ. Nhiều cán bộ qua bồi dưỡng trở thành những thuyền trưởng, trưởng ngành giỏi, chỉ huy các chuyến tàu vượt qua vòng vây của địch.
Cựu chiến binh Trần Văn Lịch, nguyên thủy thủ Tàu 41, năm 1964, tham gia huấn luyện tại K35 về chuyên ngành súng, pháo và thủy nghiệp cơ bản. Ông chia sẻ: Lớp học tổ chức chặt chẽ, bí mật, giáo viên là những cán bộ giàu tri thức và kinh nghiệm, trang bị cho chúng tôi kỹ năng rất sát với nhiệm vụ chiến đấu trên biển.
Tháng 6-1962 Xưởng đóng tàu I được cấp trên giao nhiệm vụ đóng mới 4 chiếc tàu gỗ gắn máy theo kiểu tàu đánh cá của ngư dân miền Nam, có trọng tải 30 tấn, yêu cầu thời gian hoàn thành sớm nhất. Sau 2 tháng thi công, Xưởng đóng tàu I đã bàn giao cho Đoàn 759 bốn tàu theo đúng kế hoạch và bảo đảm yêu cầu thiết kế.Khi biên chế về Đoàn 759, các tàu mang tên Phương Đông 1, 2, 3, 4 đã vận chuyển 4 chuyến cập bến Cà Mau, chở 112 tấn hàng hoá, vũ khí cung cấp cho Khu 9. Xưởng đóng tàu I bây giờ thuộc Công ty đóng tàu cơ khí Hạ Long.
Đến tháng 10-1962, Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu thay mặt Bộ Quốc phòng ký với Bộ Giao thông Vận tải đóng mới 6 tàu vận tải vỏ sắt có trọng tải từ 50 đến 100 tấn. Xưởng đóng tàu III (Hải Phòng) thực hiện, thời gian từ quí IV năm 1962 đến cuối năm 1963 phải hoàn thành.
Ông Trương Văn Trọng, sinh năm 1936, hiện đang ở đường Nguyễn Cộng Hòa, quận Lê Chân, TP Hải Phòng, nguyên Tổ trưởng Tổ mộc, nguyên Quản đốc, người gắn bó với Xưởng đóng tàu III từ năm 1957. Khi nói về những năm tháng đóng tàu cho Hải quân ông rất tinh tường và am hiểu từng công đoạn, chi tiết. Ông kể: Bản thiết kế tàu do cấp trên cung cấp, tôi và đồng nghiệp chế tác mô hình tàu bằng gỗ giống như tàu thật thu nhỏ, rồi chuyển xuống các phân xưởng để đóng bằng sắt. Tàu có chiều dài 33m, ngang 6m, 2 hầm hàng, phía dưới két dầu, lắp máy Đức (6NVĐ 24) có tăng áp lên 300 mã lực.
"Giữa năm 1963, tôi chỉ đạo anh em hoàn thiện sơn chống hà trước khi hạ thủy khoảng 2 tiếng thì nhận lệnh của cấp trên, thay đổi sơn tàu thành màu đen. Anh em công nhân lại tức tốc sơn tàu thành màu đen sì từ phía mũi đến phía lái rồi mới bàn giao", ông Trương Văn Trọng chia sẻ thêm. Những câu chuyện, công việc của quân dân tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở Hải Phòng cho Đoàn tàu Không số luôn là kỷ niệm đẹp và vẹn nguyên trong ký ức họ.
Gắn kết tình quân dân
Được sự quan tâm, đùm bọc của cấp ủy, chính quyền, nhân dân TP Hải Phòng về mọi mặt đã góp phần không nhỏ để mỗi chuyến tàu Không số xuất phát nhanh đến bến an toàn, bí mật. Hải Phòng còn biết đến là “thủ đô” của người lính biển, tình cảm quân dân gắn kết đã xuyên suốt từ ngày thành lập cho đến nay.
Trung tá Phạm Sửu, nguyên Đoàn phó, phụ trách công tác Hậu cần Đoàn 125. Ông là cán bộ gắn bó với Đoàn tàu Không số từ những năm 1962, trải qua các cương vị khác nhau nhưng một điều ông tâm đắc nhất đó là sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương thuộc TP Hải Phòng. Trung tá Phạm Sửu cho biết: Năm tháng chiến tranh, mặc dù đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, lương thực, thực phẩm cung cấp theo chế độ tem phiếu. Tuy nhiên, khi mang tem phiếu đến của hàng thương nghiệp ở quận Hồng Bàng để nhận chế độ cho bộ đội thì nhận được đầy đủ, nhanh gọn, hầu hết không bị chậm mặt hàng nào.
Một điều mà các thế hệ cán bộ, thủy thủ Đoàn tàu Không số đều ghi nhớ ở cây số Không trên con đường biển mang tên Bác. Cuối năm 1962, đầu năm 1963 khi chuẩn bị bến xuống hàng tại Đồ Sơn (bến K15) trong điều kiện gấp, khẩn trương, được sự ủng hộ, giúp đỡ của cấp uỷ, chính quyền TP Hải Phòng, nhất là cấp uỷ, chính quyền thị xã Đồ Sơn (nay là quận Đồ Sơn). Lúc đó, toàn bộ các gia đình ngư dân sống nhiều đời ở đây đã vui vẻ dời ra ở Khu I của bán đảo, dành Khu II và Khu III cho yêu cầu vận tải quân sự chi viện cho chiến trường miền Nam.
Công an Hải Phòng chỉ trong một thời gian ngắn đã làm tốt công tác an ninh, an toàn trên bán đảo, kiểm soát chặt chẽ người và tàu thuyền qua lại trong khu vực nên việc xây dựng bến, các kho để hàng, nhà ăn, nhà máy nổ, nhà của ban chỉ huy và các nhân viên làm nhiệm vụ ở bến rất khẩn trương hoàn thành, bảo đảm an toàn, bí mật.
Chúng tôi đến thôn Hà Tê, xã Trung Hà, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng vào đầu tháng 10. Nơi đây năm 1967-1968, Bệnh xá của Đoàn 125 sơ tán về đóng quân. Ký ức một thời vẫn còn đọng lại trong lòng nhân dân. Ông Trịnh Văn Dọn, nguyên Bí thư Chi bộ thôn Hà Tê là người có nhiều kỷ niệm với Đoàn tàu Không số. Chính ông là người cùng với cán bộ đơn vị vận động nhân dân dành chỗ để đơn vị đóng quân.
Ông Trịnh Văn Dọn kể: Tôi trực tiếp cùng với chỉ huy đơn vị đến gia đình cụ Tảo trong thôn có đồi cây ăn quả gần 1 mẫu (gần 3.600m2) mượn để làm nơi đóng quân. Vườn cây ăn quả xanh tốt, vừa giữ bí mật vừa đảm bảo cho công tác huấn luyện, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội.
Đại úy Lê Văn Huyên, nguyên cán bộ Hậu cần Đoàn 125, hiện đang ở xã Thủy Sơn, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. Ông có 25 năm quân ngũ thì 23 năm làm công tác bảo đảo hậu cần cho đơn vị. Từ bó rau xanh đến từng cân thịt cũng mua từ các hợp tác xã của địa phương. Đại úy Lê Văn Huyên chia sẻ: Bảo đảm hậu cần cho tàu đi biển theo tiêu chuẩn 1 tươi, 2 khô. Hợp tác xã Thủy Đường, xã Thủy Sơn có thời điểm ủng hộ 2 tấn rau xanh. Công ty cấp 3 Thủy Nguyên chuyên cung cấp thịt lợn. Cô Sáng, cửa hàng trưởng mua bán xã Dương Quan đã động viên bà con xã viên tích cực cung cấp gà cho đơn vị…
Hải Phòng còn biết đến là “thủ đô” của người lính biển. Một sự trùng lặp trong sự kiện tháng 5 cách đây hơn 66 năm, vào ngày 7-5-1955 ngày thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam, thì mấy ngày sau đó đến ngày giải phóng Hải Phòng (13-5-1955). Trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, chiến thắng của Hải quân nhân dân Việt Nam đều gắn liền với sự thương yêu, đùm bọc, chăm lo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hải Phòng.
Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân không thể nào quên hình ảnh quân và dân Hải Phòng đã cưu mang che chở, giúp đỡ, phối hợp, hiệp đồng chiến đấu với Hải quân Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh, cũng như trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc hiện nay. Sự giúp đỡ to lớn của cả nước và TP Hải Phòng là nguồn cội sức mạnh cho mỗi bước phát triển, trưởng thành của Quân chủng Hải quân.
Theo qdnd.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận