Hải quân các nước ASEAN diễn tập tương tác trên biển vì vùng biển an ninh, an toàn
VBĐVN.vn - Diễn tập đa phương Hải quân các nước ASEAN lần thứ 2 (AMNEX-2) tại Philippines đã kết thúc ngày 14-5 sau gần 2 ngày đêm diễn ra giữa tàu hải quân các nước ASEAN tại khu vực phía Tây Nam cách đảo Grande, tỉnh Zambales 7 hải lý.
Diễn tập đa phương Hải quân các nước ASEAN lần thứ 2 (AMNEX-2). Nguồn: Lê Ngọc
Tàu 015-Trần Hưng Đạo của Hải quân nhân dân Việt Nam đã tham gia đầy đủ các khoa mục và đảm nhận tốt vai trò chỉ huy 2 khoa mục trong nhóm chiến thuật 2 (Marlin), góp phần vào thành công chung của AMNEX-2.
Trong cuộc diễn tập, 9 tàu và 4 trực thăng của Hải quân nước chủ nhà Philippines, Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Brunei và Việt Nam được chia làm 2 nhóm chiến thuật Barracuda và Marlin. Kịch bản diễn tập dựa trên tình huống giả định có tín hiệu cấp cứu của tàu khách chở số lượng lớn hành khách (684 người) gặp nạn trên biển. Với sự chỉ huy của tàu Hải quân Philippines, tàu Hải quân các nước ASEAN cùng phối hợp, hiệp đồng để tìm kiếm cứu hộ tàu bị nạn.
Theo kịch bản giả định, các tàu cùng tìm kiếm, phát hiện tàu bị nạn, sau đó cùng tham gia xử lý các tình huống như tìm kiếm người trên tàu bị nạn rơi xuống nước, tàu bị cháy, sơ tán y tế (cấp cứu nạn nhân bị thương và đưa lên tàu cứu hộ cứu nạn hoặc sử dụng trực thăng đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu…) Trên cơ sở đó, các tàu trong các nhóm chiến thuật thực hiện theo các khoa mục diễn tập như: Kiểm tra thông tin liên lạc giữa các tàu, chụp ảnh đội hình từ trên không, tìm kiếm cứu nạn hàng hải, giải mã điện, tín hiệu ánh đèn, hành quân ban đêm theo đội hình, hạ cánh trực thăng trên tàu, ngăn chặn hàng hải.
Tàu 015-Trần Hưng Đạo cùng với các tàu trong đội hình phải liên tục cơ động trên phạm vi khu vực diễn tập rộng 30x30 hải lý, vừa bảo đảm bám sát đội hình vừa tham gia tìm kiếm, phát hiện mục tiêu, báo cáo tàu chỉ huy và thực hiện các nội dung theo kịch bản diễn tập. Mỗi tàu thực hiện một nhiệm vụ trong các tình huống cụ thể và lần lượt chỉ huy các khoa mục. Tham gia nội dung cứu nạn trên biển (tình huống tàu khách bị cháy), tàu Việt Nam đã tính toán tiếp cận tàu bị nạn ở khoảng cách 100m, sử dụng vòi rồng công suất lớn phun vào tàu bị nạn để dập tắt đám cháy, hỗ trợ các tàu khác sơ tán người bị nạn lên tàu. Tàu Singapore tham gia cứu, vớt người rơi xuống nước là những mô hình người giả tượng trưng cho người bị nạn. Tàu Brunei đưa người bị thương lên tàu cứu hộ cứu nạn làm công tác sơ cứu nạn nhân. Tàu nước chủ nhà Philippines thực hiện khoa mục sơ tán y tế bằng trực thăng đến các bệnh viện gần nhất…
Ở khoa mục tìm kiếm cứu nạn hàng hải do tàu Brunei chỉ huy, bất cứ tàu nào phát hiện được mục tiêu là người bị rơi xuống nước phải báo cáo với tàu chỉ huy để điều động tàu tiếp cận kịp thời cứu nạn nhân. Ở nội dung diễn tập ban đêm, các tàu hành quân theo đội hình dưới sự chỉ huy của tàu Singapore và tiếp tục trinh sát, tìm kiếm các nạn nhân.
Theo Trung tá Mã Nguyên Thanh, Thuyền trưởng Tàu 015-Trần Hưng Đạo, cường độ diễn tập vì vậy tương đối căng thẳng. Các tàu đều phải tham gia tìm kiếm và phát hiện được hết số lượng người bị nạn, như vậy mới đáp ứng yêu cầu của kịch bản diễn tập. Thời gian diễn tập kéo dài cả ban ngày lẫn ban đêm. Các kíp trực phải liên tục thay ca, đặc biệt là các vị trí quan sát mạn làm việc với cường độ cao để kịp thời phát hiện mục tiêu và cảnh báo nguy cơ đâm, va trên biển, báo cáo thuyền trưởng điều động tàu vừa theo đúng ý đồ chiến thuật vừa bảo đảm an toàn hàng hải.
Tàu 015-Trần Hưng Đạo đã đáp ứng kịp thời các yêu cầu của tàu chỉ huy khoa mục, cơ động theo đúng hướng, cự ly và tốc độ quy định trong đội hình, bảo đảm định mức thời gian, an toàn hàng hải và thông tin liên lạc thông suốt.
Tàu Việt Nam chỉ huy liên tiếp hai khoa mục giải mã điện và tín hiệu ánh đèn liên tục trong khoảng thời gian từ 18 giờ đến 22 giờ đêm. Trong thời gian này, tàu sẵn sàng xử lý các sự cố, tình huống bất ngờ xảy ra như có tàu gặp trục trặc kỹ thuật không thể tiếp tục bám đội hình. Lúc đó, tàu chỉ huy thông qua các khẩu lệnh chỉ huy là các giản ngữ chiến thuật MTP phải chỉ huy tàu đó rời đội hình để khắc phục sự cố. “Tàu chỉ huy khoa mục phải bảo đảm an toàn cho đội hình, kịp thời cảnh báo các nguy cơ đâm va, nhanh chóng tính toán phương án tiếp cận mục tiêu sau khi nhận được báo cáo phát hiện mục tiêu của tàu thành viên nhóm chiến thuật và điều động tàu tiếp cận thực hiện cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an toàn hàng hải”, theo Trung tá Phạm Anh Tuấn, Tổ trưởng Tổ sĩ quan tham mưu.
Đáng chú ý, AMNEX-2 cũng diễn tập các tình huống liên lạc và kết nối với Trung tâm chia sẻ thông tin (IFC) ở Singapore. IFC với các thiết bị định vị vệ tinh hiện đại sẽ hỗ trợ và chia sẻ thông tin với các tàu trong quá trình diễn tập, cung cấp các thông tin về mục tiêu cần tìm kiếm như vị trí, tọa độ tàu bị nạn…
Kịch bản diễn tập AMNEX-2 được xây dựng sát với tình huống có thể diễn ra trong thực tế mà các nước ASEAN phải cùng nhau ứng phó, trong bối cảnh khu vực đang gia tăng các thách thức và mối đe dọa an ninh, an toàn trên biển như hiện nay. AMNEX-2 với các khoa mục được xây dựng chuyên nghiệp, tỉ mỉ và thống nhất giữa Hải quân các nước ASEAN cùng với kết quả diễn tập đạt các yêu cầu mục tiêu đề ra, đã góp phần thúc đẩy hợp tác, nâng cao khả năng phối hợp hiệp đồng và tương tác giữa hải quân các nước trong khu vực để ứng phó với các thách thức về an ninh, an toàn hàng hải.
Bài, ảnh: MỸ HẠNH (qdnd.vn)
(từ Philippines)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận