Hạnh phúc nơi đảo xa

15:46 13-02-2020

Một đồng nghiệp trở về từ Trường Sa, gặp chúng tôi liền kể: “Có thầy giáo Nguyễn Hữu Phú gửi lời hỏi thăm đấy nhé!”. Chợt nhớ ra, mới đó mà đã hai năm anh Phú tình nguyện ra đảo Song Tử Tây dạy chữ.

Mừng cho anh khi vẫn viết đều, thường xuyên in ấn thơ ca trên các trang báo. Đúng như có lần anh tâm sự với chúng tôi: “Những ngày trên đảo xa là những ngày hạnh phúc nhất!”.

Có người hẳn sẽ thắc mắc, ra đảo xa vắng bóng người thân, bạn bè, rồi chuyện sinh hoạt ăn uống, vui chơi không thể thoải mái như đất liền, thì sao lại hạnh phúc? Quen thân với anh Phú từ lâu, từng nghe anh tâm sự về nỗ lực vượt khó, chúng tôi tin những lời anh nói xuất phát từ trái tim, chứ không phải để tô đẹp bài báo viết về mình.

Thầy giáo, nhà thơ Nguyễn Hữu Phú và học sinh ở đảo Song Tử Tây.

Anh Nguyễn Hữu Phú sinh năm 1982, là con út trong gia đình thuần nông, có 9 anh chị em ở xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Gia cảnh khó khăn, nhưng nhờ sự hỗ trợ của anh chị, anh Phú được tiếp tục đi học hết THPT. Nhưng trong suốt 10 năm sau đó, bố mẹ bị bệnh, các anh chị đều có gia đình riêng, nên một mình anh Phú phải chăm sóc bố mẹ. Thế là ước mơ vào trường sư phạm dạy con trẻ của anh đành gác lại. Để chạy chữa cho bố mẹ, anh Phú làm nhiều nghề từ phụ hồ, làm trầm hương, công nhân vệ sinh khu sửa chữa tàu...

Nhớ lời căn dặn của bố trước khi qua đời là phải cố gắng học hành mà lo cho bản thân mình để bố mẹ nơi chín suối an lòng, anh Phú quyết định đến nhà giáo viên cũ xin ôn lại ba môn Toán, Lý, Hóa. Vừa ôn luyện, vừa đi làm, năm 2010, anh Phú dự thi và trúng tuyển Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, rồi học tiếp liên thông đại học.

Tốt nghiệp đại học khi đã 33 tuổi, nhưng chỉ khi giáo viên nữ nghỉ thai sản, giáo viên nghỉ hưu chưa tuyển được người mới, các trường học mới tạm tuyển anh Phú vào giảng dạy. Thế nên suốt mấy năm, lúc thì anh Phú làm thầy, lúc thì làm thợ theo đúng nghĩa đen!

Chuyện đời chẳng mấy hanh thông không làm anh Phú bi quan, trái lại lúc nào cũng thấy anh vui vẻ, yêu đời. Bao nỗi niềm chất chứa, anh trải lòng vào thơ ca để cân bằng cuộc sống. Chưa có điều kiện xuất bản tập thơ riêng nhưng với “gia tài” hơn trăm bài thơ đăng trên các báo giàu suy tư, hình ảnh mới mẻ ấn tượng nên ai nấy đều gọi anh Phú là nhà thơ.   

Năm 2018, anh Phú lần thứ hai viết đơn tình nguyện ra Trường Sa dạy học và được điều về Trường Tiểu học xã Song Tử Tây. Dạy học ở đảo có những khó khăn đặc thù, nhất là phải dạy lớp ghép từ mẫu giáo đến hết tiểu học. Thế nên chuyện thầy giáo vừa dạy chữ, dạy toán lại phải… bón cơm cho học sinh mầm non là bình thường. Được giảng dạy thường xuyên như mong ước bấy lâu nay với anh là hạnh phúc, còn khó khăn thì dần dần khắc phục. Gần gũi với các chiến sĩ ngày đêm canh giữ đảo, anh Phú đã viết nhiều, khá hay về đề tài biển, đảo với những câu thơ trữ tình: Những lúc nhớ về em/ Chỉ gặp nhau qua vài dòng tin nhắn/ Với người thân chỉ nói được đôi câu/ Chuyện riêng tư anh gác lại mai sau/ Vì Trường Sa chưa bao giờ ngơi nghỉ...

          Theo qdnd.vn

 

Nguồn:https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/hanh-phuc-noi-dao-xa-609206

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang