Hát giữa biển đảo Tổ quốc

16:26 09-11-2022

VBĐVN.vn - Hát cho bộ đội Trường sa nghe không chỉ là món ăn tinh thần ý nghĩa nhớ lâu, thấm sâu, mà còn là “sợi dây liên kết” giữa đất liền với Trường Sa thêm gần gũi, là động lực giúp cán bộ chiến sĩ vững chắc tay súng canh giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió.

Em hát anh nghe bên cột mốc chủ quyền

Sau hơn nửa giờ “vật lộn” với cái nắng cháy da cháy thịt giữa đại dương bao la, xuồng CQ của tàu 571 Hải quân đưa chúng tôi đến đảo Sinh Tồn Đông - hòn đảo nhỏ nằm trong “vùng xoáy ngược” và được coi nơi có khí hậu khắc nghiệt trong quần đảo Trường Sa.

Xuồng cập mép đảo, các nữ văn công hải quân “thoắt” chân lên trước để chuẩn bị đạo cụ biểu diễn. Tôi “tách đoàn” theo chân nữ ca sĩ Khánh Hoà. Men theo triền san hô. Một chiến sĩ trẻ đứng nghiêm trang gác cột mốc chủ quyền. Tay bồng súng, mắt đăm chiêu nhìn về phía biển giữa cái nóng hầm hập dội xuống từ trần đảo.

Nghệ sĩ ưu tú Khánh Hòa “hát vo” cho chiến sĩ nghe bên cột mốc chủ quyền

“Chào đồng chí chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông nhé” - giọng nữ ca sĩ Khánh Hòa nói to. “Hôm nay em sẽ hát tại đây, ngay cột mốc chủ quyền này cho anh nghe nhé”. Nói rồi ca sĩ Khánh Hòa cất cao tiếng hát. “Từ ngọn sóng Trường Sa, em gặp anh ở đảo. Biết nói sao cho vơi, vẫn bên anh nơi đảo Sinh Tồn. Vượt trùng sóng Trường Sa, nơi tiền tiêu là đảo. Súng chắc trong tay anh, vẫn kiên trung giữ đảo Sinh Tồn. Đảo ơi phải vì cách trở trùng khơi, phải vì máu đổ em ơi, nên đảo thương đảo vẫn Sinh Tồn, gặp anh”. Mắt ca sĩ Khánh Hòa bắt đầu rơm rớm nhìn đôi mắt chiến sĩ trẻ nghiêm trang đứng gác. Giọng chị vút cao sâu lắng như đang truyền hơi ấm đất liền tới người chiến sĩ”.

Hát trên boong tàu

-Sao Khánh Hòa không hát cùng các nghệ sĩ văn công hải quân ở bên kia? Tôi hỏi. “Em muốn hát ở đây, ngay cột mốc chủ quyền này. Mỗi lần có đoàn văn công ra đảo, các chiến sĩ canh gác cột mốc chủ quyền không được xem. Em muốn “hát vo” cho các chiến sĩ nghe khi các anh đang làm nhiệm vụ” – Khánh Hòa chia sẻ.

Đảo Sinh Tồn Đông nắng như đổ lửa. Cái nắng mặn mòi nhuộm muối biển làm cho da chiến sĩ “đen choay” như bánh mật. Ôm súng canh gác cột mốc chủ quyền giữa nắng gió đại dương, vai chiến sĩ Đỗ Mạnh Hùng ướt đẫm mồ hôi. Đôi mắt đăm chiêu nhìn về phía biển. “em nhớ nhà, nhớ đất liền lắm”- Hùng trả lời khi tôi hỏi “cậu ra đảo được bao lâu rồi?”.

Ca sĩ Hoàng Yến tặng thiệp cho chiến sĩ đảo Tốc Tan C

Hùng chia sẻ thêm, đối với đảo chìm luôn “khát” văn công. Mỗi khi đoàn công tác thăm đảo, trong khi cán bộ chiến sĩ tập trung nhận quà, xem văn công biểu diễn và giao lưu văn nghệ, thì có những chiến sĩ ôm súng đứng gác bên cột mốc chủ quyền. Vì làm nhiệm vụ, nên họ chỉ được nghe đồng đội kể lại chuyện cầm tay văn công, cùng hát, múa với người đất liền sướng làm sao. Thấu hiểu “thiệt thòi” đó mà nghệ sĩ ưu tú Khánh Hòa thường “hát vo” ngay cột mốc chủ quyền cho chiến sĩ nghe. Không âm thanh, không sân khấu, chỉ có tiếng hát mộc mạc hòa vào gió biển, ngấm vào gan ruột. Và đó cũng chính là hơi ấm đất liền mà Khánh Hòa muốn đem tới cho các chiến sĩ. “Bảy lần đi Trường Sa là ngần ấy lần hát cho bộ đội nghe bên cột mốc chủ quyền. Đến đảo chìm nào tôi cũng hát cho bộ đội nghe không có âm thanh. Tôi không muốn chiến sĩ canh gác thiệt thòi. Hát cho bộ đội Trường sa không chỉ là món ăn tinh thần ý nghĩa nhớ lâu, thấm sâu, mà còn là “sợi dây liên kết” giữa đất liền với Trường Sa thêm gần gũi, là động lực giúp cán bộ chiến sĩ vững chắc tay súng canh giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió. Đời nghệ sĩ hạnh phúc nhất là được hát giữa Trường Sa”.

Nghệ sĩ nhân dân Tạ Minh Tâm hát Tổ quốc gọi tên mình cho cán bộ chiến sĩ Đảo Trường Sa Đông

Chia sẻ vì sao lại hát bài “Gặp anh trên đảo Sinh Tồn”? Khánh hòa bảo, đảo Sinh Tồn có rất nhiều kỷ niệm với cô, và đây cũng là hòn đảo có nhiều bi thương hùng tráng trong sự kiện “Trường Sa tháng 3 năm 1988”. “Để giữ được đảo Sinh Tồn vững chãi như hôm nay, biết bao thế hệ cán bộ chiến sĩ đã hi sinh, đổ máu. Dù khó khăn gian khổ, các chiến sĩ đảo Sinh Tồn vẫn vững vàng như cây phong ba giữa bạt ngàn bão tố. Em là nghệ sĩ, truyền hơi ấm đất liền cho những cây phong ba ấy thêm vững chắc để canh chủ quyền Tổ quốc mãi mãi bình yên”- Khánh Hòa, nói.

"Hát ở Trường Sa không chỉ là món ăn tinh thần nhớ sâu thấm lâu, mà còn là sợi dây liên kết thắt chặt tình đoàn kết quân dân, giữa hậu phương và hải đảo. Đến với Trường Sa là đến với chủ quyền Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió. Tiếng hát giữa Trường Sa là tiếng hát mang hồn Tổ quốc, mang thông điệp hòa bình". Nghệ sĩ nhân dân Tạ Minh Tâm

Khúc quân ca giữ đảo

Như đã thành thông lệ, mỗi lần ra thăm quân dân Trường Sa, ngoài những món quà gạo, thịt, rau, quả còn có “món quà đặc biệt”, đó là “văn công biểu diễn” mà bộ đội Trường Sa vẫn thường gọi là “món ăn tinh thần”.

Tàu bắt đầu rời cảng, cũng là lúc các đội văn nghệ của các đoàn khởi động tập hát, tập múa. Những “tác phẩm nghệ thuật cây nhà lá bờ” ra đời ngay trên boong tàu không chỉ biểu diễn cho nhau xem, mà còn khúc quân ca nối dài tình yêu biển đảo như chưa bao giờ vơi cạn. Nó cũng mang thông điệp “ta hát giữa biển trời của ta, ta hát khúc quân ca giữ đảo Trường Sa”.

Tình quân dân sâu đậm qua tiếng hát lời ca ở đảo chìm Tốc Tan

Lần đầu tiên đến đảo Trường Sa, lần đầu tiên cầm micro hát trên boong tàu 517. Phía trước là Trường Sa, quanh mình là đồng đội, ông Đặng Đình Công – Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin liên lạc Vietsovpetro rưng rưng chia sẻ: “Với tôi chuyến đi này không thể nào quên. Chúng ta có nhiều tiền để đi du lịch nhiều nước trên thế giới, nhưng chắc gì đã được đến Trường Sa. Trường Sa là máu thịt của Tổ quốc. Trường Sa đã từng có những ngày tháng đổ máu đau thương. Thế hệ chúng ta phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ Trường Sa. Đó là sức mạnh của cả dân tộc”. Nói rồi ông Công cầm micro hát: “Ngày qua ngày, đêm qua đêm, chúng tôi đến đây gìn giữ quê hương. Biển này là của ta đảo này là của ta, Trường Sa. Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ ta vẫn vượt qua… Đem chí trai giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta”.

Không kể già, trẻ, gái, trai, tướng, quân, chúng tôi bám vai nhau đi quanh boong tàu hát vang dậy cả một vùng biển nước. Giữa biển đêm, trong ánh điện rực sáng hắt xuống từ cần cẩu, hàng trăm cánh tay đưa tay lên ngực biểu hiện sự quyết tâm cùng bộ đội Trường Sa giữ vững chủ quyền Tổ quốc. Xen lẫn những nụ cười, là những giọt nước mắt xúc động tuôn rơi của những người lần đầu tiên vượt sóng đến “quần đảo bão tố” của Tổ quốc.

Hải Quân

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang