Hiên ngang Cồn Cỏ. Bài 4 (cuối): Hướng đến đảo du lịch và thương mại

16:56 26-10-2022

VBĐVN.vn - Năm 2017, Chính phủ đồng ý cho huyện đảo Cồn Cỏ đón khách du lịch ra tham quan. Sau 5 năm hoạt động, sức chứa lưu trú của hòn đảo tiền tiêu khoảng 250 khách/ngày. Thiếu cơ sở hạ tầng lưu trú, ở đây sử dụng cả nhà khách của một số cơ quan, ban, ngành của huyện để đón khách. Chủ trương của tỉnh Quảng Trị sẽ xây dựng đảo mạnh về du lịch và thương mại để xứng tầm với tiềm năng.

“Trung ương và tỉnh Quảng Trị đang triển khai một số cơ chế chính sách đặc thù để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế biển và du lịch tại huyện đảo Cồn Cỏ. Đã có một số doanh nghiệp lớn đến Cồn Cỏ khảo sát phát triển du lịch, vừa kết hợp phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo quốc phòng - an ninh. Huyện cần nhất là những khách sạn đủ tiêu chuẩn, trở thành cú hích lớn cho du lịch Cồn Cỏ. Mục tiêu đến năm 2030, Cồn Cỏ sẽ đón 20.000 lượt khách du lịch/năm” - ông Võ Viết Cường, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị nêu vắn tắt.

Thiếu tá Lê Công Hiệu, cán bộ Đồn Biên phòng Cồn Cỏ giúp đỡ khách du lịch lên cầu cảng. Ảnh: Hải Luận

Cần chính sách nhất quán và lâu dài

Tôi đem câu chuyện hôm gặp một chủ doanh nghiệp trên tàu ra đảo, muốn đầu tư khách sạn 3 sao tại đảo Cồn Cỏ, nhưng họ sợ chính sách không nhất quán và lâu dài nói với ông Cường. Ông Cường giải thích ngay: “Khi doanh nghiệp thiếu thông tin sẽ sinh ra lo lắng là đúng. Đảo Cồn Cỏ đã có điện 24/24 giờ, xây dựng hồ chứa nước cung cấp sinh hoạt cho toàn bộ dân và quân trên đảo, vẫn ưu tiên cho khách du lịch nhiều hơn. Hiện, đang xây dựng nhà máy lọc nước biển ra nước ngọt, trị giá 17 tỉ đồng, công suất lọc 100m3 nước ngọt/ngày. Qua mấy lần nâng cấp, mở rộng âu thuyền, bến cảng neo đậu tàu thuyền an toàn, có 2 chiếc tàu cao tốc chạy tuyến Cửa Việt - Cồn Cỏ. Tỉnh đã phê duyệt quy hoạch sử dụng đất trên đảo Cồn Cỏ, khu vực dành riêng cho khu dân cư, khu thương mại và dịch vụ. Chủ trương của Chính phủ, của tỉnh là cho phép Cồn Cỏ đấu giá quyền sử dụng đất giống như trong đất liền”.

- Đảo Cồn Cỏ chỉ hoạt động du lịch vào mấy tháng mùa hè, mùa biển động coi như đảo vắng bóng du lịch. Tỉnh Quảng Trị có chính sách nào mang tính đặc thù với các nhà đầu tư? - tôi hỏi.

- Chính vì điều kiện tự nhiên khắc nghiệt đã làm du lịch Cồn Cỏ nói riêng và ven biển tỉnh Quảng Trị nói chung khó bứt phá lớn. Vấn đề mấu chốt phải tìm được nhà đầu tư thực sự tâm huyết, yêu biển, đảo, cùng ngồi lại với họ xem bị vướng cái gì từ thực tiễn, để cùng giải quyết.

- Doanh nghiệp Chín Nghĩa - Quảng Trị đã bỏ vốn đóng tàu cao tốc chạy tuyến Cửa Việt - Cồn Cỏ, theo như thỏa thuận ban đầu với chính quyền, doanh nghiệp được độc quyền chở khách trong vòng 3 năm để thu hồi vốn đầu tư. Nhưng sau thời gian, tàu công vụ huyện Cồn Cỏ cũng tham gia chở khách du lịch, gây bức xúc cho doanh nghiệp?

- Huyện Cồn Cỏ đang kêu gọi các nhà đầu tư đóng thêm 1 - 2 chiếc tàu cao tốc chạy chở khách từ đất liền ra vào Cồn Cỏ, đề phòng có “chiếc ốm, chiếc đau”, khách du lịch ra thăm đảo ngày càng tăng cao. Tàu công vụ của huyện đã giao cho Trung tâm dịch vụ du lịch huyện Cồn Cỏ quản lý và vận hành, đơn vị đang tự chủ tài chính một phần. Tàu phải thực hiện chính sách đảo xa, chẳng hạn người dân, cán bộ, nhân viên các cơ quan huyện, đơn vị Quân đội, trạm hải đăng đi ra vào đất liền trên tàu công vụ Cồn Cỏ được giảm giá vé một nửa (khách du lịch phải trả 200.000 đồng/chuyến đi, người ở trên đảo trả 100.000 đồng/chuyến đi). Ngoài nhiệm vụ công vụ, tàu công vụ có chở thêm khách du lịch để bù đắp kinh phí vận hành.

Bảo vệ rạn san hô bằng mọi giá

Đa số những hộ gia đình tình nguyện ra đảo định cư theo chương trình “Thanh niên lập nghiệp” và số hộ thanh niên xung phong trước đây, họ là những lớp người trẻ nhạy bén với thời cuộc, sẵn sàng vay tiền bung ra làm kinh doanh và dịch vụ trên đảo. Chẳng hạn, vợ chồng Hồ Hưng và Nguyễn Thị Hương ra đảo định cư năm 2017.

“Năm 2019, vợ chồng tôi mở quán ăn sáng, năm 2020 đầu tư 500 triệu đồng xây dựng phòng nghỉ cho khách du lịch thuê, sử dụng xe máy làm dịch vụ chở khách trên đảo. Chạy xe máy quá cực và không hợp với khách du lịch, tôi đầu tư 100 triệu đồng mua chiếc xe điện ở đất liền đưa ra đảo chạy đầu tiên, xe cũ khó cạnh tranh. Năm ngoái, tôi đầu tư trên 300 triệu đồng mua xe điện mới chạy chở khách quanh đảo” - anh Hồ Hưng nói.

Xe điện chở khách du lịch ở đảo Cồn Cỏ. Ảnh: Hải Luận

Đảo Cồn Cỏ có khoảng 65% diện tích rừng bao phủ, hệ sinh thái san hô Khu bảo tồn biển Cồn Cỏ được xem là “linh hồn” của du lịch đảo. Sau nhiều năm, Nhà nước đã đầu tư hàng nghìn tỉ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng của huyện đảo Cồn Cỏ, hệ thống đường giao thông, bờ kè biển, cảng, trụ sở cơ quan, doanh trại Quân đội, nhà ở… Cồn Cỏ đang có xu hướng bê tông hóa quanh đảo, nhưng các chuyên gia môi trường khuyến nghị, những đoạn bờ đá nào hàng ngàn năm nay không bị sóng biển xâm thực, thì không nên xây dựng bờ kè bê tông. Nếu đổ bê tông, vừa tốn tiền, vừa mất đi vẻ đẹp tự nhiên của đảo, có nguy cơ làm cho rạn san hô dưới đáy biển bị chết.

Khu bảo tồn biển Cồn Cỏ nằm khá xa đất liền, xa khu dân cư, không bị ảnh hưởng của chất thải, nước thải ở các cửa sông đổ ra…, hệ sinh thái biển vẫn còn tính hoang sơ. Đặc biệt, mật độ san hô cành dưới đáy biển còn rất dày, được phân bố quanh đảo. Đây là “nguồn vốn” kinh doanh du lịch, khai thác thủy sản khổng lồ, cần được bảo vệ bằng mọi giá.

“Huyện chia từng đoạn bờ biển cho các đơn vị Quân đội, cơ quan, chủ động dọn rác làm sạch biển hàng tuần. Cách phân chia như vậy để ai cũng có trách nhiệm bảo vệ môi trường ở đảo. Phát động phong trào trồng thêm cây xanh quanh đảo, bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng. Dưới biển, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cồn Cỏ phối hợp với Đồn Biên phòng Cồn Cỏ, Công an huyện thường xuyên đi tuần tra bảo vệ, không cho các tàu thuyền vào lặn khai thác thủy sản, dẫm đạp lên san hô ở khu bảo tồn” - ông Cường thông tin.

Kiên quyết xử lý các hành vi xâm phạm Khu bảo tồn biển Cồn Cỏ

“Ban ngày, tàu nào lạ xuất hiện ở vùng biển đảo Cồ Cỏ, Đồn Biên phòng Cồn Cỏ biết ngay. Ban đêm, trạm radar của Hải quân trên đảo quét nhìn thấy rõ tàu nào xâm phạm Khu bảo tồn biển Cồn Cỏ, lực lượng Hải quân gọi điện thông báo, đồn cử tổ công tác ra xử lý ngay. Thời gian vừa qua, Đồn Biên phòng Cồn Cỏ đã bắt nhiều tàu lặn của tỉnh Quảng Ngãi xâm phạm vào khu bảo tồn khai thác hải sản”. - Thiếu tá Nguyễn Ngọc Anh, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cồn Cỏ, Bộ đội Biên phòng Quảng Trị thông tin.

Theo bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang