Hiệu ứng lan tỏa từ công tác phối hợp tuyên truyền về biên giới đất liền, biển, đảo và thông tin đối ngoại
- Bà Rịa – Vũng Tàu: Tổ chức tuyên truyền về chủ quyền biển đảo
- Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng tuyên truyền chống xuất nhập cảnh trái phép qua đường biển
- Quyết định 930/QĐ-TTg năm 2018 phê duyệt Đề án tuyên truyền bảo vệ chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam giai đoạn 2018-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
VBĐVN.vn - 10 năm qua, thực hiện chương trình phối hợp nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động thông tin, truyền thông và thông tin đối ngoại ở khu vực biên giới, biển, đảo, giai đoạn 2011-2020; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) và Bộ Thông tin và Truyền thông đã tích cực, chủ động phối hợp đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động thông tin, truyền thông và thông tin đối ngoại ở khu vực biên giới, biển, đảo.
Qua sự phối hợp trên đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội nói chung và các cấp chính quyền, nhân dân khu vực biên giới nói riêng đối với sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Năm 2011, sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Tư lệnh BĐBP đã ký Chương trình phối hợp số 613/CTr-BTTTT-BTLBĐBP nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động thông tin, truyền thông và thông tin đối ngoại ở khu vực biên giới, biển, đảo, giai đoạn 2011-2020, đã có 44/44 tỉnh, thành phố biên giới thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình phối hợp trên; 39/44 tỉnh, thành phố biên giới tổ chức ký kết chương trình phối hợp giữa Sở Thông tin và Truyền thông và Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố.
Kết quả, trong 10 năm qua, công tác tuyên truyền về biên giới đất liền, biển, đảo và thông tin đối ngoại đã được hai bên triển khai toàn diện, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, đồng thời, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và thúc đẩy hội nhập quốc tế. Tại hầu hết các địa phương khu vực biên giới, các nội dung quan trọng như: Chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; công tác quản lý, bảo vệ biên giới trên đất liền; kết quả công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào; quá trình phân giới, cắm mốc biên giới Việt Nam - Campuchia; đấu tranh phòng, chống mua bán người; phòng, chống dịch Covid-19... tiếp tục được tuyên truyền sâu rộng.
Bên cạnh đó, công tác thông tin đối ngoại đã tiếp tục làm rõ các quan điểm, lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông, về quan hệ hữu nghị, truyền thống với 3 quốc gia láng giềng, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Tại tỉnh Quảng Bình, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh và Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình đã tổ chức được nhiều hoạt động thông tin tuyên truyền về biên giới, vùng biển và thông tin đối ngoại như: Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”; triển lãm ảnh và phim phóng sự tài liệu về cộng đồng ASEAN tại Quảng Bình, triển lãm ảnh “Biển, đảo quê hương”; tổ chức quản lý, vận hành cụm thông tin đối ngoại cửa khẩu quốc tế Cha Lo do Bộ Thông tin và Truyền thông đầu tư xây dựng.
Bên cạnh đó, hai bên còn phối hợp xây dựng 14 tủ sách tại 14 đơn vị thuộc BĐBP tỉnh nhằm giúp cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hai tuyến biên giới có điều kiện nghiên cứu, nâng cao hiểu biết pháp luật. Ngoài ra, hai đơn vị tổ chức nhiều lớp tập huấn về công tác thông tin báo chí, tuyên truyền về biển đảo và các nội dung liên quan đến công tác thông tin đối ngoại cho hàng trăm lượt người tham dự...
Còn tại tỉnh Thái Bình, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đã phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP Thái Bình in 500 cuốn sách “Một số văn bản chỉ đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước về công tác thông tin đối ngoại và biên giới biển, đảo Việt Nam”; 7.000 tờ gấp “Những điều cần biết đối với người, tàu thuyền hoạt động trong khu vực biên giới biển” phát cho các chủ tàu thuyền, ngư dân hai huyện ven biển của Thái Bình.
Đồng thời, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức giờ học toàn tỉnh về “Biên giới quốc gia và trách nhiệm của công dân” trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình; phối hợp với các cơ quan, đơn vị in tài liệu, tổ chức tập huấn cho bà con nhân dân về chủ quyền biển, đảo Việt Nam và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới vùng biển.
Đối với tỉnh An Giang có đường biên giới dài gần 100km, tiếp giáp với 2 tỉnh Kandal và Takeo của Vương quốc Campuchia, Sở Thông tin và Truyền thông và Bộ Chỉ huy BĐBP An Giang đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, cấp ủy, chính quyền các địa phương biên giới tổ chức tuyên truyền đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, các Hiệp ước, Hiệp định, Quy chế khu vực biên giới, kết quả phân giới cắm mốc tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia nói chung, tỉnh An Giang, tỉnh Takeo, Kandal nói riêng.
Đồng thời, vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành các hướng dẫn, quy định về khu vực biên giới, không sang Campuchia làm ăn trái phép; tạo mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị hai bên biên giới; tổ chức các phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Còn để nâng cao chất lượng hoạt động thông tin, truyền thông và thông tin đối ngoại ở khu vực biên giới, Sở Thông tin và Truyền thông và Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành chú trọng tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ văn hóa các đồn Biên phòng và các xã biên giới. Tại tỉnh Lai Châu, trong 10 năm qua, Sở Thông tin và Truyền thông và Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu đã phối hợp tổ chức được 5 lớp tập huấn nghiệp vụ thông tin tuyên truyền và thông tin đối ngoại cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh về nội dung triển khai Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, kỹ năng đối thoại với báo chí, công tác thông tin đối ngoại cho cán bộ làm công tác tuyên truyền ở 13 đồn Biên phòng và Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động; lãnh đạo của 23 xã biên giới trên địa bàn tỉnh.
Nhờ đó, công tác tuyên truyền trên địa bàn biên giới Lai Châu đã có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức, góp phần nâng cao nhận thức về chủ quyền biên giới lãnh thổ và cải thiện mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới. Đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh; củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, chính quyền, tăng cường đoàn kết các dân tộc, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, cùng phát triển.
Có thể khẳng định, 10 năm qua, chương trình phối hợp giữa Bộ Tư lệnh BĐBP và Bộ Thông tin và Truyền thông đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, đặc biệt là trong công tác quản lý biển, đảo. Những kết quả đã đạt được trong công tác tuyên truyền về biên giới, biển, đảo và thông tin đối ngoại của hai bên đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về chủ quyền biên giới, biển đảo; đảm bảo quốc phòng - an ninh; đẩy mạnh giao lưu, hợp tác, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên biên giới.
Theo bienphong.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận