Hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo

14:12 29-07-2021

VBĐVN.vn - Quốc hội (QH) vừa biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 với số phiếu tán thành cao. Trọng tâm là hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

94,99% tổng số đại biểu tán thành biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Theo đó, thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Các đại biểu QH biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Minh Hải

Nghị quyết đưa ra mục tiêu cụ thể: Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 tối thiểu là 75.000 tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách Trung ương: 48.000 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương: 12.690 tỷ đồng, huy động hợp pháp khác: 14.310 tỷ đồng.

Nghị quyết quy định nguyên tắc, giải pháp thực hiện Chương trình là phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, lãng phí; quy định định mức, phân bổ cụ thể ngân sách Trung ương và tỷ lệ đối ứng của ngân sách địa phương, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế và khả năng cân đối của ngân sách, mục tiêu kế hoạch hằng năm. Trong đó, trọng tâm là các huyện nghèo và xã đặc biệt khó khăn; quy định cơ chế đặc thù trong tổ chức quản lý, thực hiện Chương trình phù hợp với đặc điểm, điều kiện huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; không sử dụng vốn của Chương trình để chi cho các hoạt động thuộc nhiệm vụ quản lý Nhà nước đã được bố trí đầy đủ từ nguồn vốn chi thường xuyên; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo; huy động sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Đồng thời, giao Chính phủ cân đối, bổ sung ngân sách Trung ương để thực hiện tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ giảm nghèo và có giải pháp huy động hợp lý các nguồn vốn ODA, vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, vốn xã hội hóa cho Chương trình.

Biểu quyết thông qua Nghị quyết chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 có 100% đại biểu tán thành. Phạm vi thực hiện Chương trình là trên địa bàn nông thôn của cả nước. Trong đó, mục tiêu cụ thể phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, không còn xã dưới 15 tiêu chí; tiếp tục xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu đối với các xã, huyện, tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

Đồng thời, phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó, ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện NTM nâng cao, huyện NTM kiểu mẫu. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Phấn đấu cả nước có ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đặc biệt, phấn đấu 60% số thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí nông thôn mới do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

Kinh phí thực hiện, ngân sách nhà nước bố trí cho Chương trình tối thiểu là 196.332 tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sáchTrung ương: 39.632 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương: 156.700 tỷ đồng. Trong quá trình điều hành, Chính phủ tiếp tục cân đối ngân sách trung ương để ưu tiên hỗ trợ thêm cho Chương trình phù hợp với điều kiện thực tế và có giải pháp huy động hợp lý mọi nguồn vốn hợp pháp để thực hiện.

Cũng trong sáng nay, QH đã thông qua các nghị quyết: Nghị quyết về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ; Nghị quyết về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2019; Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm Quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Mai Trang (theo baohaiquanvietnam.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang