Hỗ trợ ngư dân thiết bị giám sát hành trình
VBĐVN.vn - Trong thời gian qua, các ngành có liên quan của tỉnh Thanh Hoá, Bà Rịa - Vũng Tàu đã tích cực hỗ trợ ngư dân sử dụng thiết bị thông tin liên lạc, giám sát hành trình (GSHT) trên tàu cá và duy trì kết nối với đất liền cung cấp thông tin cứu nạn, cứu hộ, đảm bảo an toàn cho người, phương tiện hoạt động trên biển.
Huyện Hậu Lộc có 263 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải lắp đặt thiết bị GSHT theo quy định và đến nay có 255 tàu cá đã lắp đặt thiết bị GSHT, đạt tỷ lệ 97%. Hiện còn 8 tàu cá không đủ điều kiện lắp đặt thiết bị GSHT, chiếm tỷ lệ 3%, gồm: 7 tàu cá nằm bờ, chủ tàu đã viết bản cam kết không khai thác hải sản trên biển, 1 tàu cá đang thi hành án chưa có chủ mới.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có 1.119 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên khai thác hải sản xa bờ đã hoàn thành lắp thiết bị GSHT theo quy định của Luật Thủy sản và các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Tuy nhiên, nhiều tàu cá hoạt động các vùng khơi, vùng lộng ở các địa phương ven biển đã được lắp đặt trang thiết bị thông tin liên lạc hoạt động trên biển nhưng không đăng ký sử dụng tần số cho các loại máy bộ đàm và mỗi tàu lại sử dụng một tần số khác nhau, một số ngư dân có đăng ký tần số nhưng không sử dụng... nên việc quản lý tần số máy thu phát sóng của ngư dân trên biển gặp nhiều khó khăn, nhất là khi thời tiết diễn biến bất thường.
Để tháo gỡ khó khăn cho ngư dân lắp đặt và duy trì kết nối thiết bị GSHT, ngày 17-7-2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND về việc cơ chế, chính sách hỗ trợ mua thiết bị GSHT và phí thuê bao dịch vụ thiết bị cho chủ tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mức hỗ trợ mua thiết bị GSHT là 10 triệu đồng/tàu cá và hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ thiết bị GSHT tàu cá theo hóa đơn thực tế nhưng không quá 300.000 đồng/tháng/tàu cá.
Nhằm cắt giảm, đơn giản thủ tục hành chính đối với tàu cá lắp đặt GSHT qua vệ tinh, ngày 13-8-2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 04/2021/TT-BTTTT quy định chi tiết và hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện; cho thuê, cho mượn thiết bị vô tuyến điện; sử dụng chung tần số vô tuyến điện. Như vậy, đài vô tuyến điện lắp đặt trên tàu cá được mở rộng bao gồm thêm thiết bị GSHT qua vệ tinh thay vì chỉ có thiết bị liên lạc HF như trước đây.
Ông Lê Bá Lực, Trưởng Phòng Quản lý tàu cá và Cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, Chi cục Thủy sản tỉnh Thanh Hoá, cho biết: Hiện nay, đơn vị đang phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển triển khai thực hiện hỗ trợ kinh phí lắp đặt thiết bị theo quy định. Đồng thời, hướng dẫn, cấp giấy phép, gia hạn sử dụng thiết bị thông tin liên lạc và thiết bị GSHT cho các chủ tàu cá ngay tại địa phương theo quy định mới.
Tập trung phổ biến cho ngư dân những quy định của pháp luật về sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện trên phương tiện nghề cá; hướng dẫn sử dụng các tần số liên lạc trong những trường hợp cấp bách với tần số liên lạc của đồn biên phòng, các tần số gọi cấp cứu hàng hải của Việt Nam và quốc tế...; những quy định và cách thức sử dụng chung tần số trong thông tin liên lạc giữa các phương tiện nghề cá với nhau giúp cho ngư dân được sử dụng tần số một cách hợp pháp, đúng quy định góp phần đảm bảo an ninh, an toàn trên biển.
Bên cạnh đó, phối hợp với các lực lượng có liên quan tổ chức kiểm tra, xử lý các tàu cá không có giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện và yêu cầu thực hiện các thủ tục xin cấp phép theo hướng dẫn.
Trong những năm qua, việc Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) cảnh báo “thẻ vàng” đã gây nhiều bất lợi cho ngành sản xuất, khai thác thủy sản cả nước nói chung và tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu nói riêng. Với sự vào cuộc mạnh mẽ, vừa cứng rắn vừa mềm mỏng của các ngành chức năng, số vụ vi phạm đánh bắt vùng biển nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đã giảm đáng kể. Theo đó, nếu như trong năm 2019, xảy ra 14 vụ tàu cá vi phạm thì đến năm 2021 đã giảm còn 4 vụ.
Ngư dân Trần Văn An (ấp Hải An, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) có 2 tàu đánh bắt xa bờ. Thực hiện chủ trương của địa phương, năm 2019, ông đã đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát và ghi sổ nhật ký khai thác cho 2 tàu cá nói trên. Ngoài ra, trong quá trình đánh bắt xa bờ, ông được lực lượng chức năng, Ban Quản lý cảng cá hướng dẫn, giải thích về các quy định trong đánh bắt trên biển, chỉ rõ trên bản đồ, nơi nào ngư dân Việt Nam không được phép đánh bắt. Nhờ đó, tàu của ông dù đánh bắt xa bờ nhưng chưa lần nào vi phạm các quy định của pháp luật.
Tính đến tháng 2-2022, số lượng tàu khai thác vùng khơi đã lắp thiết bị giám sát hành trình là 2.571. Trong đó, số lượng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên đã lắp thiết bị giám sát hành trình là 270. Ngoài ra, đã có 829 tàu cá lắp thiết bị thông tin liên lạc định vị vệ tinh GPS VX-1700. Nhờ đó, tình trạng đánh bắt bất hợp pháp đã giảm đáng kể.
Theo thoidai.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận