Hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu

10:52 22-10-2021

VBĐVN.vn - Thứ trưởng Lê Minh Ngân vừa có buổi tiếp và làm việc với bà Grete Løchen (Đại sứ Na Uy tại Việt Nam) và ông Patrick Haverman (Phó trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam) về việc Việt Nam và Na-Uy, với sự hỗ trợ của UNDP sẽ cùng đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hội nghị sẽ diễn ra trong 2 ngày 13 và 14 tháng 12 năm 2021.

Tham dự buổi làm việc cùng với Thứ trưởng Lê Minh Ngân có lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế; lãnh đạo một số đơn vị liên quan trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.

Thứ trưởng Lê Minh Ngân tiếp và làm việc với bà Grete Løchen, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam

Mở đầu buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Minh Ngân đã thông báo với Đại sứ Grete Løchen và phái đoàn UNDP về việc Đề án tổ chức Hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu (sau đây gọi tắt là Hội nghị) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đại sứ Grete Løchen tỏ ý rất vui mừng và đánh giá cao sự quan tâm của Chính phủ, sự phối hợp của Bộ Tài nguyên và Môi trường với Đại sứ quán Na Uy và UNDP tái khởi động lại và hoàn thành thủ tục phê duyệt Đề án tổ chức Hội nghị năm 2021 với những điều chỉnh so với Đề án tổ chức Hội nghị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đó vào năm 2019 để phù hợp với điều kiện mới.

Hội nghị sẽ diễn ra trong 02 ngày 13 và 14 tháng 12 năm 2021 theo hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp, trong đó điểm cầu trực tiếp dự kiến tổ chức ở một khách sạn 5 sao tại Thủ đô Hà Nội để bảo đảm sự tham dự của các cơ quan, tổ chức cũng như công tác an ninh, y tế, phòng chống dịch Covid 19.

Toàn cảnh buổi làm việc

Với chủ đề chung “Các giải pháp cho một nền kinh tế biển có khả năng chống chịu” Hội nghị nhằm thúc đẩy, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển cũng như các thách thức chính của khủng hoảng Covid-19, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường trong đó có Thoả thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương; xác định cơ hội thúc đẩy hành động bảo vệ các hệ sinh thái biển với mục tiêu phục hồi kinh tế biển và phát triển kinh tế, nâng cao khả năng chống chịu của các cộng đồng và quốc gia dễ bị tổn thương; chia sẻ kinh nghiệm, các thực tiễn tốt và kết quả nghiên cứu nhằm đẩy mạnh việc chia sẻ kiến thức về kinh tế biển bền vững thành công, các chiến lược và hành động thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích xây dựng mạng lưới hợp tác Nam-Nam và Nam-Bắc.

Hội nghị dự kiến sẽ ra một Tuyên bố của đồng Chủ tịch Hội nghị Việt Nam - Na Uy, trong đó trình bày các nội dung và kết luận chính của Hội nghị, đưa ra các hành động thúc đẩy các kết quả của COP26 và cung cấp thông tin đầu vào cho các sự kiện và tiến trình quốc tế liên quan trong tương lai, bao gồm cả Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc vào năm 2022 được dự kiến sẽ diễn ra thảo luận về Thoả thuận toàn cầu ô nhiễm nhựa và các nội dung khác.

Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi và nhất trí với nhau về các nội dung cụ thể như hình thức tổ chức; cơ chế phối hợp, đầu mối và vai trò của các bên trong quá trình tổ chức Hội nghị, các vấn đề về kỹ thuật và hậu cần để tổ chức Hội nghị...

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi làm việc

Thứ trưởng Lê Minh Ngân và Đại sứ Grete Løchen đều nhất trí và tin tưởng rằng với rất nhiều sự kiện lớn đã được tổ chức thành công tại Việt Nam thời gian qua dù trong bối cải dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp thì Việt Nam và Na Uy với sự hỗ trợ của UNDP sẽ tổ chức thành công Hội nghị và đây có thể coi là một trong những sự kiện quan trọng, ý nghĩa đánh dấu cột mốc kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam – Na Uy.

Theo vasi.gov.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang