Hướng tới du lịch biển xanh

06:26 19-05-2022

VBĐVN.vn - Các chuyên gia cho rằng, kinh tế biển trong đó có du lịch biển sẽ góp phần phát triển kinh tế xã hội sau đại dịch. Tuy nhiên, phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19, một lần nữa, việc ngăn chặn rác thải nhựa gây ô nhiễm biển tiếp tục được các địa phương rốt ráo thực hiện.

Lực cản của phát triển du lịch biển

Theo đánh giá của các nhà khoa học, các đại dương hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu, đánh bắt quá mức và ô nhiễm. Đại dịch Covid-19 cũng đã gây ra những gián đoạn sâu sắc cho nền kinh tế đại dương. Điều cần thiết là phải bảo vệ tốt hơn các đại dương và chúng ta phải thúc đẩy việc quản lý bền vững các nguồn tài nguyên từ đại dương nếu chúng ta muốn tiếp tục dựa vào nguồn tài nguyên này trong tương lai.

Tại Việt Nam, du lịch biển ngày càng có sức hút với du khách, đặc biệt là khách quốc và trở nên quan trọng với sự phát triển kinh tế xã hội. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch), trước khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, ước tính các vùng ven biển, khu du lịch biển hàng năm thu hút khoảng 70% lượng khách quốc tế tới Việt Nam, 50% khách nội địa, mang lại 70% doanh thu từ ngành du lịch cả nước.

Tuy nhiên, mặt trái của phát triển du lịch biển chính là ô nhiễm môi trường biển. Theo kết quả giám sát môi trường hàng năm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi khách du lịch lưu trú có lượng rác thải khoảng 1,2kg/ngày đêm; mỗi khách du lịch không lưu trú có lượng rác thải trung bình khoảng 0,5kg/ngày. Trong đó, rác thải nhựa là túi nilon, cốc nhựa, chai nhựa, hộp nhựa, hộp xốp…chiếm khoảng 60%.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Phát triển kinh tế song hành với bảo vệ môi trường

Từ thực trạng trên, cùng với khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch biển đảo, các địa phương rất chú trong đến bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa. Khi ngành du lịch đã phục hồi và mở cửa đón khách du lịch trở lại, nhiều địa phương có bãi biển, ngoài việc tổ chức các hoạt động để thu hút khách, phục hồi nền kinh tế địa phương phát triển thì việc bảo vệ môi trường biển cũng đã được ưu tiên đưa lên hàng đầu.

Từ đầu năm 2022, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VASI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố hợp tác ngăn chặn ô nhiễm nhựa đại dương thông qua việc cải thiện quản lý chất thải rắn ở cấp quốc gia và địa phương. Trong 4 thành phố tham gia Chương trình có 3 thành phố có biển là Phú Quốc, Đà Nẵng, Huế.

Mới đây, UBND huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF-Việt Nam) khởi động chiến dịch giảm rác thải nhựa. Với thông điệp "Đến không mang theo nhựa, đi để lại yêu thương", chiến dịch giảm nhựa đã được lan tỏa bằng chuỗi hoạt động sôi nổi giảm rác thải đại dương. UBND huyện Côn Đảo đã chính thức ký cam kết trở thành đô thị giảm nhựa, hướng tới mục tiêu không còn rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030.

Tại nhiều bãi biển như Cát Bà (Hải Phòng), Phan Thiết (Ninh Thuận), Bãi Cháy (Quảng Ninh)…, nhiều chương trình tuyên truyền, khuyến khích giảm rác thải nhựa cũng đã được giới thiệu nhằm thay đổi thói quen của khách du lịch để giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường thiên nhiên.

Tại Hà Tĩnh, hưởng ứng chiến dịch “Hãy làm sạch biển”, “Tuổi trẻ chung tay chống rác thải nhựa”, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các huyện, thị, thành Đoàn các địa phương có biển phối hợp ra quân làm sạch môi trường biển hưởng ứng triển khai mùa du lịch biển năm 2022. Tương tự, tỉnh Ninh Thuận cũng ra quân tổng vệ sinh môi trường làm sạch bờ biển năm 2022 nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức tự giác của từng hộ gia đình, cá nhân về bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng thông qua các hoạt động dọn dẹp, thu gom, xử lý rác thải, tổng vệ sinh, cải thiện cảnh quan môi trường tại địa bàn dân cư, khu vực sinh sống.

Theo monre.gov.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang