Khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên biển và hải đảo Việt Nam

06:47 03-08-2023

VBĐVN.vn - Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam đã xác định mục tiêu tổng quát là đến năm 2023 tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả, công bằng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.

Nhiều vấn đề đặt ra với sự phát triển kinh tế biển Việt Nam

Theo số liệu được công bố tại Diễn đàn phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022, trong những năm qua, kinh tế biển của Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức đáng khích lệ, trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của đất nước… Vận tải hàng hóa đường biển đạt 85,1 triệu tấn. Sản lượng khai thác dầu khí đạt 18,4 triệu tấn (dầu thô đạt 10,9 triệu tấn). Sản lượng thủy sản khai thác đạt 3.920 nghìn tấn, nuôi trồng đạt 4.805 nghìn tấn…

Cả nước hiện có 18 khu kinh tế ven biển nằm trong quy hoạch đã được thành lập; đã hình thành chuỗi đô thị biển với gần 600 đô thị, chiếm khoảng 8% số lượng đô thị cả nước với dân số khoảng 19 triệu người.

Cùng với đó, ngành du lịch và dịch vụ biển có bước phát triển vượt bậc. Hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch phát triển nhanh ở các tỉnh ven biển. Du lịch biển trong những năm qua tăng trưởng nhanh cả về doanh thu và số lượt du khách. Du lịch biển chiếm 70% lượng khách và 60% doanh thu của toàn ngành du lịch.

Không chỉ đầu tư phát triển hạ tầng cảng biển, Việt Nam cũng đầu tư hiện đại hóa đội tàu biển, nhất là đội tàu container, chú trọng phát triển dịch vụ logistics. Số liệu thống kê của Diễn đàn Thương mại và phát triển Liên Hợp Quốc (UNCTAD) cho thấy, đội tàu Việt Nam đã tăng từ hạng 4 năm 2019 lên đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 22 trên thế giới năm 2022 (năm 2019 đội tàu Việt Nam đứng thứ 30). Theo Cục Hàng hải Việt Nam, tính đến tháng 12-2022, đội tàu biển Việt Nam có 1.477 tàu với tổng trọng tải khoảng 11,6 triệu DWT, tổng dung tích khoảng 7 triệu GT.

Hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ môi trường biển đã được tăng cường. Việt Nam đã tham gia nhiều diễn đàn khu vực và thế giới về kinh tế biển xanh, chống rác thải nhựa biển, bảo vệ, bảo tồn các hệ sinh thái biển

Quy mô kinh tế biển Việt Nam còn khiêm tốn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.

Tuy nhiên, Báo cáo tại Diễn đàn phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022, phát triển kinh tế biển trong những năm qua chưa thực sự ấn tượng. Quy mô kinh tế biển còn khiêm tốn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý; hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ biển, đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế biển; các cơ sở quan trắc, dự báo, cảnh báo biển, thiên tai biển, các trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn... ở ven biển còn nhỏ, trang bị thô sơ, năng lực còn yếu.

Đó là việc phát triển kinh tế biển chưa gắn kết hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường; tài nguyên biển bị suy thoái; ô nhiễm môi trường biển ở nhiều nơi diễn ra nghiêm trọng, nhất là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương; các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bị suy giảm, các sinh cảnh bị mất và bị thu hẹp diện tích…

TS. Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện khoa học xã hội vùng Trung Bộ cho rằng, sinh kế bền vững cho cư dân ven biển là vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế biển của nước ta hiện nay. Tuy nhiên, kinh tế ngư nghiệp ngày càng khó khăn bởi sự suy giảm đáng lo ngại của nguồn lợi thủy sản, ngư trường bị thu hẹp, thị trường tiêu thụ, nhất là thị trường xuất khẩu có nhiều đối thủ cạnh tranh với những quy định khắt khe hơn.

Những yếu kém trên đây xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có cả các nguyên nhân khách quan từ diễn biến cực đoan trong biến đối khí hậu toàn cầu, song chủ yếu từ những nguyên nhân chủ quan. Đó là tổ chức, bộ máy quản lý về phát triển bền vững kinh tế biển còn bất cập; nguồn lực để thực hiện các chủ trương, giải pháp chưa được bố trí phù hợp; hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển còn thiếu và chưa đồng bộ...

Phát triển bền vững, có tầm nhìn chiến lược với các ngành kinh tế biển

Trước thực tiễn đặt ra về phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên vô giá này, Chính phủ đã ban hành Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu tổng quát là đến năm 2023, tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả, công bằng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế; ô nhiễm môi trường biển được ngăn ngừa, kiểm soát, giảm thiểu đáng kể; đa dạng sinh học biển, ven biển và hải đảo được bảo vệ, duy trì và phục hồi; các giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hóa biển được bảo tồn và phát huy...

Việt Nam phát triển nuôi trồng và giảm thiểu hoạt động khai thác hải sản trên biển.

Theo đó, Việt Nam sẽ tập trung phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn gồm: Du lịch và dịch vụ biển; Kinh tế hàng hải; Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; Nuôi trồng và khai thác hải sản; Công nghiệp ven biển; Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; nâng cao đời sống và sinh kế cộng đồng.

Việt Nam sẽ tiếp tục đánh giá được tiềm năng, giá trị các tài nguyên biển quan trọng. Cụ thể, tối thiểu 50% diện tích vùng biển Việt Nam được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển ở tỉ lệ bản đồ 1: 500.000 và điều tra tỉ lệ lớn ở một số vùng trọng điểm. Thiết lập hệ thống thông tin tổng hợp về tài nguyên, môi trường biển, đảo, bảo đảm tính tích hợp, chia sẻ và cập nhật.
Đặc biệt, nước ta sẽ tập trung khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo. Ưu tiên bố trí không gian biển cho phát triển du lịch sinh thái, du lịch địa chất thám hiểm khoa học, du lịch cộng đồng; du lịch văn hóa; du lịch ra các đảo, vùng biển xa bờ, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 11 - 12%/năm, về khách quốc tế từ 8 - 10% /năm và khách nội địa từ 5 - 6%/năm.

Một định hướng quan trọng khác của chiến lược là bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn lợi biển và hải đảo. Đến năm 2030, tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia, 80% các khu vực biển có đa dạng sinh học cao, dịch vụ hệ sinh thái quan trọng được áp dụng chính sách bảo tồn hiệu quả, diện tích rừng ngập mặn ven biển được phục hồi tối thiểu bằng mức năm 2000; đẩy mạnh điều tra, đánh giá và xác định mức độ dễ bị tổn thương, tính nguy cấp của các loài sinh vật.

Để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, chiến lược đề ra các giải pháp chủ yếu như: hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; phát triển khoa học, công nghệ; chủ động tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế về quản lý, nghiên cứu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Đẩy mạnh giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển; xây dựng cơ chế tài chính bền vững phục vụ khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo; xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quốc gia... Đây được xem là những định hướng rõ ràng, "kim chỉ nam" để các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện trong thời gian tới.

(Tạp chí Thông tin và Truyền thông)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang