Hội thảo khoa học về Đường Hồ Chí Minh trên biển:

Khẳng định và làm rõ giá trị con đường huyền thoại

23:22 20-10-2021

VBĐVN.vn - Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961/23-10-2021), sáng 19-10, tại TP Hải Phòng, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và TP Hải Phòng tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng: “Đường Hồ Chí Minh trên biển-Kỳ tích lịch sử và bài học đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”. Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tuyến kết nối từ TP Hải Phòng tới 26 điểm cầu trong nước.

Tham dự hội thảo tại điểm cầu TP Hải Phòng có các đồng chí: Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trung tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng.

Đoàn chủ tịch hội thảo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban chỉ đạo hội thảo; Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, đồng Trưởng ban chỉ đạo hội thảo; Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Trung tướng Nguyễn Quang Ngọc, Tư lệnh Quân khu 3; Chuẩn đô đốc Trần Thanh Nghiêm, Tư lệnh Quân chủng Hải quân. Tham gia đoàn chủ tịch còn có các đồng chí: Phan Xuân Thủy, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Thượng tướng Lê Huy Vịnh phát biểu khai mạc hội thảo.

Tầm nhìn của Đảng và kỳ tích của cán bộ, chiến sĩ tàu không số

Ban tổ chức hội thảo nhận được gần 90 báo cáo tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương, viện nghiên cứu, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội. Mỗi tham luận đều đi sâu phân tích, luận giải từng nội dung cụ thể, trong đó tập trung làm rõ đường lối, chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời về xây dựng tuyến vận tải quân sự chiến lược trên biển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Đảng và Bác Hồ.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Lê Huy Vịnh nhấn mạnh: Đường Hồ Chí Minh trên biển là một trong những phát kiến xuất sắc của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ chủ trương đúng đắn, kịp thời này, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tư lệnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện với tinh thần, quyết tâm cao nhất, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ tàu không số đã vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, thông tuyến và vận chuyển vũ khí đến những địa bàn chiến lược, lập nên kỳ tích trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Với tiêu đề “Đường Hồ Chí Minh trên biển-tầm nhìn chiến lược của Đảng”, tham luận của PGS, TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đánh giá: Được sự chi viện ngày càng lớn từ hậu phương miền Bắc, cách mạng miền Nam đã giành được thắng lợi từng bước vững chắc, lần lượt làm thất bại các kế hoạch chiến tranh của Mỹ-ngụy.

Đó là minh chứng sống động cho chủ trương đúng đắn, sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; sự tổ chức, điều hành nhạy bén, sáng tạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và các cơ quan tham mưu chiến lược. Cùng với Đường Hồ Chí Minh trên bộ, Đường Hồ Chí Minh trên biển giữ vai trò quan trọng đối với mỗi giai đoạn phát triển của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từng bước hiện thực hóa khát vọng độc lập, tự do, thống nhất nước nhà của nhân dân ta.

Quang cảnh hội thảo.

Gửi đến hội thảo tham luận với tiêu đề “Sức mạnh chính trị tinh thần-một trong những yếu tố quyết định làm nên kỳ tích Đường Hồ Chí Minh trên biển”, cựu chiến binh Trần Văn Hữu, nguyên thủy thủ Tàu 67, Đoàn 125 (Quân chủng Hải quân) khẳng định: “Vào những năm tháng ấy, tất cả cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số đều biết rằng mỗi chuyến đi có thể không có ngày trở về.

Thế nhưng không một ai sờn lòng trước gian khổ, hiểm nguy. Bằng mọi giá phải hướng con tàu vào điểm đến, vì thế mỗi chuyến đi chúng tôi được làm lễ truy điệu sống trước khi tàu rời bến... Chính nhờ sức mạnh tinh thần, quyết tâm sắt đá vì miền Nam ruột thịt đã cho chúng tôi sức mạnh đạp sóng to, bão lớn, vượt qua sự ngăn chặn của kẻ thù đề hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao".

Tại hội thảo, nhiều tham luận đã làm rõ sức mạnh ý chí, sự sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số để tìm ra mọi phương thức vận chuyển hiệu quả, như: Địch phong tỏa biển gần, đường trong, ta đi biển xa, đường ngoài; địch phong tỏa theo tuyến biển dài, ta đi phân đoạn; địch ngăn chặn tuyến này, bến này, ta mở ra tuyến khác, bến khác...

Từ năm 1961-1975, Đường Hồ Chí Minh trên biển đã tổ chức gần 1.900 lượt tàu, thuyền, vận chuyển gần 153.000 tấn vũ khí trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh và hơn 80.000 cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc chi viện cho miền Nam; góp phần to lớn vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bài học cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Tại hội thảo, nhiều tham luận đã đúc rút bài học lịch sử, vận dụng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung, bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay nói riêng; những vấn đề mới về quân sự, quốc phòng-an ninh trong Chiến lược biển Việt Nam.

Trong tham luận gửi tới hội thảo, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nhấn mạnh: Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi toàn quân, trực tiếp là hải quân và các lực lượng tác chiến trên biển cần phải giữ gìn và phát huy truyền thống của Đoàn tàu không số năm xưa; quán triệt sâu sắc, thực hiện hiệu quả quan điểm, mục tiêu “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước” mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định.

Đoàn Chủ tịch chủ trì hội thảo.
Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo.

Các tham luận của Trung tướng Nguyễn Quang Ngọc, Tư lệnh Quân khu 3; Thiếu tướng Cao Phi Hùng, Phó tư lệnh Quân khu 5; Thiếu tướng Nguyễn Trường Thắng, Tư lệnh Quân khu 7; Thiếu tướng Nguyễn Văn Gấu, Chính ủy Quân khu 9; Chuẩn đô đốc Nguyễn Văn Bổng, Chính ủy Quân chủng Hải quân, đều khẳng định: Kết hợp chặt chẽ, vận dụng linh hoạt giữa nhiệm vụ xây dựng với bảo vệ là một trong những yếu tố làm nên thành công của Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Đó cũng là nhiệm vụ then chốt trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Yêu cầu đó đòi hỏi phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh, nhất là phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, bí mật, bất ngờ, táo bạo của những con tàu không số, kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng lực lượng hải quân với các ngành kinh tế biển và các địa phương ven biển, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển ngày càng vững chắc, sẵn sàng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Đánh giá tổng thể, các tham luận tại hội thảo đã cung cấp nhiều luận điểm, luận cứ mới, tập trung phân tích, làm sâu sắc hơn, cụ thể hơn về tầm nhìn chiến lược, quyết sách đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; ý chí, sức sáng tạo của con người Việt Nam; biểu hiện sinh động của tình đoàn kết quân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp to lớn để giành thắng lợi. Cùng với đó, các tham luận đã luận giải tầm vóc và ý nghĩa lịch sử, những bài học quý để chúng ta tiếp tục nghiên cứu, vận dụng cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới, góp phần xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xứng đáng là lực lượng nòng cốt thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Theo qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang