Khi cảng cá không chỉ là nơi mưu sinh

21:05 30-08-2024

VBĐVN.vn - Tôi đến với cảng cá Đề Gi, nơi được xem là cái nôi nuôi sống bao thế hệ của hàng trăm gia đình ngư dân thôn An Quang Đông và An Quang Tây (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), như thể thấm nỗi nhọc nhằn của ngư dân với nghề đi biển và thấy được tình yêu của họ đối với vùng biển quê hương...

Cảng cá là nơi “căng buồm” vươn khơi, đi tìm con tôm con cá của ngư dân, và cảng còn là đích đến của những con tàu sau chuyến hải trình dài bám biển, nơi tiếp nhận, bốc dỡ, sơ chế, bảo quản,.. hải sản. Chẳng biết từ bao giờ, đi biển mặc nhiên là công việc dành cho những người đàn ông sức dài vai rộng, còn “hậu cần” tại cảng là việc của những người phụ nữ. Vậy nên, cảng cá không chỉ là nơi mưu sinh mà còn là nơi để những người mẹ, người vợ trông ngóng người thân trở về từ biển cả bao la.

Đàn ông đi biển, phụ nữ ở nhà mưu sinh tại cảng cá là điều hiển nhiên của ngư dân xã Cát Khánh

Tranh thủ nghỉ ngơi giây lát khi vừa mới chật vật lôi những thùng xốp để bỏ cá và đá vào ướp lạnh, bà Võ Thị Đào (70 tuổi) ở thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh, tâm sự rằng dân chúng tôi sinh sống ở đây làm nghề biển nên cuộc sống cũng vất vả. Gia đình có điều kiện kinh tế thì mua tàu ghe đi biển, vài năm sau cũng trở nên khấm khá, còn nhà nào gia cảnh khó khăn thì đành làm thuê làm mướn. Ở xã Cát Khánh, phần lớn phụ nữ đều làm thuê mướn tại cảng cá Đề Gi, còn đàn ông, thanh niên khỏe mạnh làm bạn thuyền cho các chủ tàu cá đánh bắt xa bờ theo mùa khai thác, lâu lâu họ mới trở về nhà thăm gia đình, vợ con. Bởi vậy, mọi việc trong nhà do một tay những người mẹ, người vợ gánh vác lo liệu yên ổn mọi bề hai bên nội ngoại, để cho chồng, con yên tâm vươn khơi bám biển.

Đó là những ngày trời êm biển lặng, mưa thuận gió hòa, còn những ngày giông bão, sóng to gió lớn mới là nỗi ám ảnh, lo sợ của chị em phụ nữ ở nhà mà trông ngóng tin tức chồng, con nơi xa đất liền đang đánh bắt ngoài biển khơi. Sợ nhất là những lúc họ biệt vô âm tín, không có tin tức nào là chúng tôi đứng ngồi không yên, mất ăn mất ngủ vì lo lắng. Tuy vất vả là thế, nhưng cuộc đời ngư dân vẫn phải bám biển mưu sinh, biển là lẽ sống, là nơi tạo nguồn sinh kế cho ngư dân bám biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, bà Đào tâm sự.

Lao động tại cảng cá tuy vất vả nhưng đã giúp cho cuộc sống của nhiều gia đình ngư dân tại xã Cát Khánh được phần ổn định

Bà Nguyễn Thị Thọ (60 tuổi), ở thôn An Quang Đông, xã Cát Khánh, mấy mươi năm nay vẫn làm thuê, làm mướn cho các chủ tàu hoặc thương lái mua bán hải sản tại cảng cá Đề Gi. Lấy chồng từ khi còn rất trẻ, đến khi người chồng là trụ cột gia đình không còn nữa thì cái nghề “hậu cần” cảng cá đòi hỏi phải có sức khỏe, chịu thương chịu khó này đã giúp cho bà Thọ một mình nuôi ba đứa con khôn lớn. Cũng như bao gia đình khác tại xứ biển này, bữa cơm đoàn viên với các con có lẽ là thứ quý giá đối với người phụ nữ này. Bởi, các con của bà giờ cũng chỉ theo làm bạn thuyền cho các chủ tàu đánh bắt xa bờ, vì vậy lâu lâu mới trở về nhà.

Ngồi nhìn những con tàu dần xa cảng cá, bà Thọ tâm tình, nghề đánh bắt xa bờ hay gần bờ đều rất vất vả, các chủ tàu đi đánh bắt theo mùa trăng, lúc có cá lúc không, rất vô chừng. Có chuyến đi lời, có chuyến lại lỗ. Nhưng dù lời hay lỗ thì người dân nơi đây đều phải bám biển, bởi ngoài đi biển, làm thuê mướn tại cảng cá Đề Gi, người dân chúng tôi cũng không biết sinh sống bằng nghề gì. Tôi dù đã tuổi 60 vẫn bươn chải làm thuê tại cảng cá kiếm sống hằng ngày. Nếu không có cảng cá Đề Gi, không biết người dân ở Cát Khánh sinh sống bằng nghề nào…

Cảng cá không còn đơn thuần là nơi tìm kiếm miếng cơm, manh áo từng ngày đối với người dân xã Cát Khánh. Vậy nên, mỗi người dân ở đây đều có ý thức tự bảo vệ môi trường tại cảng cá như chính bảo vệ “nguồn sống” của họ vậy.

Ngày ngày, từ buổi sớm đến chiều tà, cảng cá Đề Gi tấp nập với người mua kẻ bán, những người lao động và những công nhân dọn vệ sinh tại cảng,… Xen vào đó là tiếng còi tàu cập bến và xuất bến, tiếng ầm ầm của những máy xay đá, kế đó là tiếng những chiếc xe đông lạnh ra vào khu vực cảng, xa xa là tiếng búa đập chan chát, tiếng gỗ sắt va chạm vào nhau tại khu vực sửa chữa tàu thuyền,… Cứ thế, mỗi người, mỗi việc, mỗi âm thanh đã cộng hưởng tạo nên không gian sống động, nhộn nhịp ở cảng cá Đề Gi.

Về việc bảo vệ môi trường, nhiều người dân lao động tại cảng cá đều cho biết ngoài các hoạt động dọn vệ sinh từ nhân viên của cảng thì mỗi người dân ở đây đều tự ý thức về bảo vệ môi trường cảng như không xả rác bừa bữa, đặc biệt là không vứt thẳng rác xuống biển, bỏ rác đúng nơi quy định. Còn với những tàu, thuyền đánh cá đều trang bị túi đựng rác thải nhựa để đựng các chai, vỏ nhựa,… và đưa lên bờ tập kết đúng nơi quy định mỗi lúc cập bến. Chị Trang, chủ nậu tại xã Cát Khánh, cho biết chúng tôi cũng thường xuyên được các nhà quản lý phụ trách cảng cá Đề Gi tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Đặc biệt, mỗi lần cân mua cá của tàu cập bến thì đều gom rác thải bỏ vào thùng để giữ vệ sinh chung.

Về phía Ban quản lý cảng cá, hằng ngày các nhân viên của cảng cá Đề Gi đều dọn vệ sinh, xịt rửa cầu cảng để giảm mùi hôi tanh. Định kỳ 2 lần/tuần, sẽ thực hiện nạo vét thông cống để nước thải chảy về khu tâp trung; định kỳ 3 lần/tuần, rác thải tại cảng được xe chuyên dụng thu gom và đưa đi xử lý. Ngoài ra, mỗi tháng sẽ phối hợp với UBND xã Cát Khánh, Đồn Biên phòng Cát Khánh ra quân tổng dọn vệ sinh xung quanh cảng cá, dọc bờ kè Đề Gi,… Qua đón, nhiều đợt ra quân dọn vệ sinh đã thu hút đông đảo tầng lớp, hội đoàn tham gia như Hội Phụ nữ xã, Đoàn Thanh niên xã, chiến sĩ Đồn Biên phòng đã thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện của người dân xã Cát Khánh về bảo vệ môi trường. Góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; khắc phục tình trạng xả rác, đổ rác thải bừa bãi tại khu vực ven biển và cảng cá.

Trong 6 tháng đầu năm, hơn 300 trường hợp khai thác trên vùng biển xa đã được hỗ trợ với hơn 30 tỷ đồng tại xã Cát Khánh

Theo ông Đinh Thành Tiến, Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, việc khai thác đánh bắt thủy hải sản luôn được các cấp chính quyền địa phương quan tâm, nâng cấp trang bị thiết bị, hiện nay tổng số tàu thuyền có 270 chiếc (trong đó có 5 tàu sắt theo Nghị định 67 của Chính phủ) giảm 25 chiếc so cùng kỳ, tổng công suất 111.870CV, so cùng kỳ tăng 15.706CV. Sản lượng khai thác, đánh bắt trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 13.764 tấn đạt 55,91%, tăng 1.994 tấn so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, UBND xã tuyên truyền ngư dân nâng cấp tàu thuyền công suất lớn tham gia đánh bắt xa bờ, đồng thời vận động ngư dân tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Về thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác trên các vùng biển xa theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm có 302 trường hợp được nhận hỗ trợ kinh phí với số tiền 30,4 tỷ đồng. Ngoài ra tiếp tục đăng ký 146 tàu với 203 hồ sơ đã được tỉnh phê duyệt và đang tiến hành niêm yết công khai theo quy định.

Đối với việc xử lý rác thải tại cảng cá Đề Gi, UBND xã yêu cầu các chủ tàu đánh cá và khu vực dịch vụ hậu cần nghề cá phải thu gom rác thải tại điểm tập kết, để xe chở rác tới thu gom vận chuyển rác đến nơi quy định nhằm bảo vệ môi trường biển tại cảng cá Đề Gi.

Cảng cá Đề Gi được nâng cấp, mở rộng sẽ mở ra cơ hội mới về công việc với mức thu nhập ổn định hơn cho người dân xã Cát Khánh

Cơ hội lớn cho cảng cá Đề Gi

Ngày 17/5/2024, UBND tỉnh Bình Định đã có quyết định ban hành Đề án Di dời tàu thuyền neo đậu tải cảng cá Quy Nhơn và các khu vực lân cận về neo đậu tại khu vực đầm Đề Gi. Theo đó, để đáp ứng việc di dời tàu cá từ các khu vực khác về neo đậu, cảng cá Đề Gi sẽ dược định hướng đầu tư mở rộng như xây dựng cầu đứng dài khoảng 300m, mở rộng đưa diện tích cảng cá lên khoảng 4ha; xây dựng nhà phân loại cá… Khuyến khích các doanh nghiệp vào đầu tư dịch vụ hậu cần nghề cá để đáp ứng nhu cầu khi tàu cá ở Quy Nhơn di dời về neo đậu và định hướng nâng cấp, mở rộng cảng cá Đề Gi.

Như vậy, với định hướng được nâng cấp, mở rộng, đồng nghĩa Đề Gi sẽ từng bước trở thành một trong những cảng cá quy mô, trọng điểm của tỉnh Bình Định. Đồng thời, cơ hội về việc làm, về cuộc sống ấm no sẽ càng nhiều hơn với những người dân tại xã Cát Khánh như bà Thọ, bà Đào và nhiều người khác nữa… Và hơn hết, các yếu tố bảo vệ môi trường sẽ tiếp tục được đầu tư nâng cấp, chú trọng để bảo đảm sự phát triển bền vững tại cảng cá này.

ĐÔNG DUY (baotainguyenmoitruong.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang