Khoảng lặng trên Biển Đông

13:12 09-02-2023

VBĐVN.vn - Năm 2022, tình hình Biển Đông vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi còn những vụ việc phức tạp dù không lớn. Thực tế, bức tranh Biển Đông thời gian qua cho thấy, khi gắn chung với những vấn đề thế giới, xảy ra không ít vấn đề phức tạp với một số điểm cần lưu ý.

Bình minh trên đảo Cô Lin, quần đảo Trường Sa, Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Phạm Quang Vinh, năm 2022 có 3 điểm cần chú ý. Trước hết, năm 2021 và 2022, Biển Đông không có những sự cố lớn mà các vấn đề phức tạp đã dịu đi như một khoảng lặng, dù thời gian qua vẫn diễn ra những đòi hỏi chủ quyền quá mức, hoạt động xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các quốc gia. Nhà ngoại giao kỳ cựu cũng chỉ ra rằng, thực tế trên biển vẫn có những động thái cần phải tiếp tục theo dõi, như: Việc ban hành những chính sách, cách nhìn không đúng với tinh thần của luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); gia tăng sự kiểm soát theo lợi ích riêng…

Tiếp đó, các nước có liên quan trong khu vực tiếp tục quan tâm đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Năm 2022, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vẫn liên tục nhấn mạnh những nguyên tắc của mình liên quan đến Biển Đông và cách xử lý, quản trị các rủi ro, tranh chấp. Thông qua các hội nghị, nhất là hàng loạt hội nghị cấp cao, ASEAN nhấn mạnh rõ ràng mong muốn khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải. Đồng thời giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982. ASEAN cũng nhấn mạnh không làm phức tạp thêm tình hình, xây dựng lòng tin và thúc đẩy đối thoại ASEAN-Trung Quốc để thực hiện tốt Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, có hiệu quả.

Tất cả các nước trong và ngoài khu vực cũng ủng hộ những nguyên tắc chung của ASEAN, nhấn mạnh cấu trúc an ninh khu vực lấy ASEAN làm trung tâm, bảo đảm hòa bình, hợp tác của cả khu vực và Biển Đông. Tất cả các nước có liên quan trong và ngoài khu vực đều phải đóng góp vào việc xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác tại khu vực Biển Đông, bởi đây là tuyến hàng hải quan trọng, khu vực địa chiến lược, địa kinh tế. Con đường duy nhất để hiện thực hóa điều này là đối thoại, thượng tôn pháp luật.

Cuối cùng, Việt Nam có vai trò và lập trường nguyên tắc được các nước rất ủng hộ, đặc biệt là mong muốn của Việt Nam, cũng như các quốc gia khác là một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và hợp tác. Việt Nam nhất quán trong câu chuyện Biển Đông, nhưng cũng trùng với những nguyên tắc của ASEAN. Trong đó, nhấn mạnh hòa bình, an ninh và an toàn hàng hải, không làm phức tạp thêm tình hình, xây dựng lòng tin, thúc đẩy đối thoại. Đồng thời, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và giải quyết hòa bình các tranh chấp. Thực tế đã chứng minh, vai trò của Việt Nam hay vai trò của ASEAN trong công việc chung của khu vực hay tại Biển Đông được khu vực và thế giới hoan nghênh.

Để ứng xử phù hợp trên Biển Đông

Biển Đông là khu vực địa chiến lược, địa kinh tế quan trọng của thế giới, gắn chặt với khu vực Đông Nam Á, châu Á-Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Vì vậy, môi trường hòa bình, ổn định của Đông Nam Á hay khu vực rộng lớn hơn phụ thuộc nhiều vào hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, có một số khía cạnh cần chú ý để ứng xử phù hợp trên Biển Đông. Trước hết là phải bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải. Tiếp đó, liên quan đến những bên có tranh chấp, đòi hỏi chủ quyền chồng lấn, các bên phải giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982. Cùng với đó, các bên cần quản trị hành vi, không làm phức tạp thêm tình hình, đối thoại và xây dựng lòng tin. Cả 3 vấn đề này cho thấy, vai trò của ASEAN trong đối thoại, thúc đẩy xây dựng lòng tin là rất quan trọng.

Hải đăng trên đảo Đá Tây B, quần đảo Trường Sa, Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Theo giới chuyên gia quốc tế, các quốc gia hiện nay đều cho thấy sự coi trọng rất lớn đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà trong đó, khu vực Đông Nam Á và Biển Đông là trung tâm của khu vực địa chiến lược rộng lớn này. Các nhà phân tích khu vực chỉ ra rằng, Biển Đông đóng vai trò kết nối giữa các trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thu hút ngày càng mạnh mẽ sự quan tâm của các quốc gia, cũng như đề cao hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, thượng tôn pháp luật là luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Nhìn về tương lai năm 2023, giới chuyên gia cho rằng, các bộ công cụ quản trị tình hình Biển Đông sẽ cần phải tích cực được thúc đẩy. Đặc biệt, các quốc gia thành viên Liên hợp quốc đều đánh giá rất cao UNCLOS 1982 và thống nhất ý chí coi đây là Hiến chương Biển, bộ luật cơ bản nhất, chứa đựng những nguyên tắc chỉ đạo cao nhất, có tính phổ quát nhất trong tất cả luật pháp quốc tế về biển. UNCLOS 1982 ghi dấu mốc hành trình 40 năm vào năm 2022 đã phần nào minh chứng cho những giá trị bền vững, bao trùm của văn kiện này, khẳng định việc bảo đảm thực thi Công ước trên thực tế. Đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có vấn đề Biển Đông, các quốc gia đều nhấn mạnh các nguyên tắc chỉ đạo của UNCLOS 1982 đối với toàn bộ hoạt động trên biển, đồng thời cần ưu tiên hơn nữa việc thực thi UNCLOS 1982.

Biển Đông là bộ phận quan trọng của cấu trúc kinh tế và cấu trúc an ninh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Dựa trên UNCLOS 1982, các quốc gia càng nhấn mạnh các nguyên tắc mà ASEAN đã nêu về thực thi, tuân thủ. Khi khu vực vẫn tồn tại những tranh chấp và chồng lấn đòi hỏi chủ quyền thì ý nghĩa của việc thực hiện UNCLOS 1982 về nguyên tắc và thực tiễn quan trọng hơn bao giờ hết.

Đối với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), giới quan sát khu vực chỉ ra rằng, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN cuối năm 2022 tại Campuchia, ASEAN đã ra tuyên bố về 20 năm DOC. Văn bản đầu tiên quy định các hành vi ứng xử của các bên có liên quan ở Biển Đông này là thành quả nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc, thể hiện mạnh mẽ mong muốn cao độ về hòa bình, an ninh và an toàn hàng hải, luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình, thúc đẩy xây dựng lòng tin.

Hành trình 20 năm của DOC cũng phản ánh rõ nét, ASEAN và Trung Quốc cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc đảm bảo thực thi tốt DOC; tiếp tục nỗ lực đàm phán COC. Trong đó, COC phải là bộ quy tắc quản trị các hành vi của các bên ở Biển Đông một cách tốt hơn, thực chất, hiệu quả hơn, phục vụ việc bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải tại khu vực, thực thi tốt hơn luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982. COC cũng cần tạo điều kiện để các nước hợp tác tốt, quản trị và xây dựng lòng tin. Giới chuyên gia khẳng định, điều quan trọng nhất của COC đó là phải đáp ứng được những mục tiêu chung. Từ đó, các bên cần tiếp tục nỗ lực cao nhất, đồng thời quản trị các hành vi trên biển phù hợp để thúc đẩy quá trình thương lượng COC.

Theo bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang