Kiên quyết gìn giữ hệ sinh thái biển

15:18 26-12-2023

VBĐVN.vn - Để bảo vệ môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng, không chỉ Nhà nước mà người dân và doanh nghiệp phải cùng chung tay vào.

Toàn xã hội phải cùng ý thức

Hệ sinh thái thủy sinh có vị trí, vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với phát triển kinh tế biển. Thứ nhất, đây là khu vực tập trung sinh sản, sinh sống của các loài kinh tế, loài nguy cấp, quý hiếm. Thứ hai, là nơi cung cấp nguồn giống cho nuôi trồng, khai thác thủy sản, lưu trữ nguồn gen. Thứ ba, là nơi phục vụ các ngành khác như y tế, sức khỏe đại dương, phát triển du lịch và kinh tế xã hội địa phương.

Chính vì vậy, bảo vệ nguồn lợi thủy sản hay bảo vệ hệ sinh thái biển là yêu cầu cấp thiết để phát triển bền vững. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề một sớm, một chiều.

Muốn phát triển bền vững ngành thủy sản, toàn xã hội phải ý thức được vị trí, vai trò của nguồn lợi thủy sản và cả hệ sinh thái. Ảnh: Thu Hiền.

Theo ông Lê Trần Nguyên Hùng, Trưởng phòng Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Cục Kiểm ngư, Bộ NN-PTNT): “Muốn phát triển bền vững ngành thủy sản, toàn xã hội phải ý thức được vị trí, vai trò của nguồn lợi thủy sản và cả hệ sinh thái. Khi nào ý thức được điều này thì mới phát triển bền vững được”.

Ông Hùng cho rằng, nhận thức của địa phương rất quan trọng. Thực tế trong thời gian qua đã cho thấy địa phương nào nhận thấy được vai trò, vị trí quan trọng của việc bảo tồn hệ sinh thái thì nơi đó sẽ phát triển bền vững và đa dạng.

Ông Hùng lấy dẫn chứng điển hình thành công như Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam). Theo đó, trước đây, Cù Lao Chàm được Nhà nước hỗ trợ 0,8 - 1 tỷ đồng/năm nhưng bây giờ, trước thời kỳ Covid-19, khu bảo tồn biển này mỗi năm thu khoảng 20 tỷ đồng.

Ông Hùng chia sẻ thêm về định hướng của việc bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trong thời gian tới: "Cục Kiểm ngư đang nỗ lực làm tốt quy hoạch. Quy hoạch ở đây là phải phân bố không gian ở đâu cho bảo tồn, ở đâu cho bảo vệ, ở đâu khu vực cấm, ở đâu cho thả rạn nhân tạo... để làm sao hoàn thành nhiệm vụ, còn một cọng san hô, còn một hệ sinh thái cũng phải giữ. Như vậy, khi quy hoạch được ban hành, ở các không gian đó chúng tôi kiên quyết bảo vệ bằng mọi giá, bằng nhiều công cụ khác nhau của Nhà nước”.

Đối với khai thác sẽ phân bố lại không gian, sản lượng bao nhiêu là vừa đủ, điều đó nghĩa là sẽ phân bổ lại hạn ngạch, số lượng tàu thuyền, số lượng nguồn lợi thủy sản cho phép được khai thác.

Ông Hùng nói: “Chúng ta có 100 con cá mà khai thác đến 90 rồi thì làm sao có thể tái tạo được. Như vậy nghĩa là phải dựa vào cơ sở khoa học, dựa vào các hệ sinh thái, dựa vào cộng đồng để phát triển, trong đó lấy người dân làm trọng tâm”.

Ngoài ra, để bảo vệ tốt đa dạng sinh học đó, cần phải có lực lượng kiểm ngư chuyên nghiệp, hiện đại, tăng cường công tác thực thi pháp luật. Thời gian tới Cục Kiểm ngư sẽ kiện toàn, nâng cấp lực lượng kiểm ngư hiện đại, tinh nhuệ.

Một việc nữa là để đạt mục tiêu đến năm 2030 có 27 khu bảo tồn biển, nghĩa là tăng lên 16 khu bảo tồn biển so với hiện nay thì cần phải đầu tư về con người, tài chính thì vấn đề này mới khả thi được.

“Tôi nghĩ với những định hướng cụ thể như thế, chắc chắn sẽ có nhiều giải pháp để chúng ta thực hiện. Nếu chúng ta cùng nhau đồng hành, cả hệ thống chính trị vào cuộc thì sẽ thay đổi, sẽ tốt hơn”, ông Hùng khẳng định.

Hướng đến nền kinh tế dựa vào tự nhiên

Bà Bùi Thị Thu Hiền, Phụ trách Chương trình biển và vùng bờ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tại Việt Nam cho hay, thế giới đang cam kết 30% diện tích biển sẽ được bảo vệ đến năm 2030, Việt Nam chỉ hướng tới 6% nhưng điều này cũng rất khó.

Theo bà Hiền, để tăng diện tích các khu bảo tồn biển có thể thực hiện “biện pháp bảo tồn khu vực hiệu quả khác” (hay OECM) là phương thức bổ sung cho nỗ lực thành lập các khu bảo tồn chính thức. Đây là xu thế mà toàn cầu đang hướng tới.

Việt Nam đặt mục tiêu tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển khoảng 3% vào năm 2025 và 6% vào năm 2030. Ảnh: Thu Hiền.

“Rõ ràng, thế giới đang hướng tới nền kinh tế tích cực tự nhiên, tức là nền kinh tế dựa vào tự nhiên, chứ không phải xoay quanh con người nữa. Và nền kinh tế đó trong tương lai sẽ là rào cản nếu Việt Nam không có sự chuẩn bị trước. Chúng ta sẽ gặp khó khăn trong việc xuất khẩu các mặt hàng thủy sản hay mặt hàng khác”, bà Hiền nhận định.

Bà Hiền cũng đưa ra giải pháp để bảo vệ môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng. Bà cho rằng, không chỉ Nhà nước mà cả người dân và doanh nghiệp đều phải chung tay vào.

Bà Hiền lấy ví dụ về Maldives - một quốc đảo phụ thuộc hoàn toàn vào hoạt động du lịch. Họ đã cho các doanh nghiệp tư nhân thuê hòn đảo này, nhưng để quản lý được các doanh nghiệp mà không ảnh hưởng tới môi trường của khu vực đảo, hệ sinh thái, rạn san hô… họ đã đưa ra những quy định và ràng buộc vào hợp đồng kinh tế. Nếu doanh nghiệp vi phạm quy định, ảnh hưởng tới môi trường thì kể cả đầu tư rất nhiều nguồn lực tài chính cũng sẽ bị tịch thu và không được phép hoạt động nữa. Với cách quản lý này, hầu hết các hòn đảo ở Maldives đều có các rạn san hô phát triển rất tốt.

Hơn nữa, bà Hiền cũng bày tỏ hy vọng thời gian tới lực lượng kiểm ngư sẽ tiếp tục và tăng cường phát huy vai trò nhiệm vụ, chức năng để bảo vệ và phát triển các khu bảo tồn biển.

“Rõ ràng, doanh nghiệp du lịch Việt Nam phải nghĩ đến những cái xa hơn, xanh hơn, chứ không phải làm du lịch thật nhanh, xây thật nhiều resort mà phá hủy hệ sinh thái”, bà Bùi Thị Thu Hiền, Phụ trách Chương trình biển và vùng bờ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) nhấn mạnh.

Hồng Thắm (nongnghiep.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang