Phát triển “đô thị dưới đáy biển”

10:56 04-12-2023

VBĐVN.vn - “Biển nước ta có nhiều đảo, vịnh, eo biển kín gió, dưới đáy biển có nhiều rạn san hô, cỏ biển... Đây là tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch, ngắm sinh vật cảnh dưới đáy biển, đồng thời, cần có chiến lược bảo vệ, khai thác hợp lý, tránh tình trạng “đời cha ăn mặn, đời con khát nước” rất đáng tiếc” - Phó giáo sư, Tiến sĩ (PGS. TS) Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, Phó chủ tịch Thường trực Hội nghề cá Việt Nam trả lời phỏng vấn phóng viên.

PGS. TS Nguyễn Chu Hồi. Ảnh: Hải Luận

Đáy biển như “nồi cơm Thạch Sanh”

-Phóng viên (PV): Dọc ven bờ biển, chính quyền các địa phương đã quy hoạch phát triển mạnh đô thị, khu công nghiệp... Điều đó đang uy hiếp trực tiếp đến tính đa dạng sinh học biển, đảo, cũng là điểm “xung yếu” nguồn lợi thủy sản. Là nhà khoa học chuyên nghiên cứu về biển, đảo, PGS TS đánh giá như thế nào về vấn đề này?

PGS TS Nguyễn Chu Hồi: Tính từ cửa sông Bắc Luân (tỉnh Quảng Ninh) kéo dài vào đến thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, có 28 tỉnh, thành có biển. Gần như tỉnh nào cũng đã quy hoạch phát triển “kín chỗ” đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy sản xuất, khu nuôi trồng thủy sản... Dọc theo chiều dài vùng biển của nước ta có nhiều đảo, đầm, vịnh, eo biển kín gió, theo đó, Nhà nước đã thiết lập nhiều khu bảo tồn biển, rừng quốc gia, khu sinh quyển. Việc đô thị hóa, công nghiệp hóa đang uy hiếp trực tiếp đến tính đa dạng sinh học của biển, đảo.

Nếu tát hết nước đại dương, nhìn đáy biển cũng giống như trên đất liền, có núi đồi, rừng cây là thảm thực vật, rạn san hô... Lâu nay, chúng ta quên đi quy hoạch phát triển “đô thị dưới đáy biển”, đáy biển nó đem lại lợi nhuận rất lớn. Trên thế giới, đã có nhiều quốc gia đã xây dựng những công trình dưới đáy biển, họ tìm mọi cách khai thác tài nguyên trong lòng đại dương.

PV: Tại sao phải phát triển “đô thị dưới đáy biển”?

PGS TS Nguyễn Chu Hồi: Trong đời sống tự nhiên vùng bờ, vùng đáy biển, đảo nó có mối quan hệ, bổ trợ cho nhau. Lấy ví dụ, vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, dọc ven bờ người ta xây dựng những tòa khách sạn cao 20 - 40 tầng san sát nhau, ngoài đảo họ cũng xây dựng tổ hợp khách sạn, khu giải trí 5 sao. Trong khi đó, tiền để đầu tư tái tạo, bảo vệ đáy biển chưa có, lẽ ra cần đầu tư song song cả trên bờ và dưới nước như nhau, sẽ đem lại lợi nhuận khổng lồ.

Đáy biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang năm 2015. Ảnh: Hải Luận

PV: Doanh nghiệp cho rằng: Trên cạn là “tiền tươi thóc thật”, dưới nước khó đầu tư, vì lâu thu hồi vốn. Quan điểm của PGS TS như thế nào?

PGS TS Nguyễn Chu Hồi: Thiên đường du lịch nó nằm dưới nước, trên thế giới, người ta dự tính ngành dịch vụ ngắm sinh vật cảnh ở đại dương có thể đạt doanh thu hàng trăm tỉ đô la Mỹ. Vịnh Nha Trang có Khu bảo tồn biển Hòn Mun mấy năm trước, mỗi ngày thu hút cả nghìn người đến tắm biển lặn xem sinh vật cảnh dưới đáy biển, doanh thu đem lại không nhỏ. Cách đây không lâu, báo chí truyền thông loan tin san hô Hòn Mun chết hàng hoạt, các nhà khoa học, cơ quan quản lý Nhà nước vào kiểm tra thấy san hô chết hàng loạt, rồi đi đến quyết định “đóng cửa” không có du khách đến lặn biển Hòn Mun.

Khu bảo tồn biển Hòn Mun không đón khách, đồng nghĩa khách du lịch đến Nha Trang ít lại, doanh thu giảm hơn. Điều đáng tiếc nhất là hệ sinh thái đáy biển bị suy giảm, rạn san hô chết rất khó phục hồi, cái này không đo đếm được bằng tiền. Giá như người dân, chính quyền, viện nghiên cứu, doanh nghiệp... cùng đồng lòng có giải pháp bảo vệ từ hàng chục năm trước, thì bây giờ nó như “nồi cơm Thạch Sanh” rồi.

Huy động sức dân

PV: Vịnh Nha Trang đã có Ban quản lý bảo vệ vịnh trực thuộc UBND thành phố Nha Trang, đồng nghĩa Khu bảo tồn biển Hòn Mun được bảo vệ nghiêm ngặt từ khi mới thành lập. Vì sao lại để san hô chết hàng loạt như vậy?

PGS TS Nguyễn Chu Hồi: San hô chết hàng loạt ở Hòn Mun, các nhà khoa học và chính quyền địa phương đang phối hợp điều tra tìm nguyên nhân. Không riêng gì ở vịnh Nha Trang, mà ở tất cả các khu bảo tồn biển của nước ta đã thành lập ra Ban quản lý. Nhưng khi nhắc đến bảo vệ môi trường, thì câu hỏi muôn thuở: thiếu nhân sự - thiếu tiền. Đã đến lúc cần có cơ chế, chính sách đặc thù, để huy động sức dân, doanh nghiệp cùng đồng quản lý, đồng bảo vệ, đồng khai thác và đồng hưởng lợi.

Mấy hòn đảo nằm trong vịnh Nha Trang có nhiều người dân sinh sống từ bao đời nay, có nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch. Rõ ràng, nguồn sống và lợi ích kinh tế, cũng như trách nhiệm khai thác thiên nhiên họ đang gắn chặt với nhau. Chẳng hạn, Tập đoàn Vingroup đang phát triển du lịch ở đảo Hòn Tre, nên giao cho doanh nghiệp này quản lý các vùng rạn san hô, những bãi rùa lên đẻ trứng trước đây. Doanh nghiệp hiểu rất rõ cảnh đẹp dưới đáy biển, rừng cây trên đảo mới thu hút lượng lớn du khách đến cơ sở lưu trú của họ. Nếu chỉ xây những tóa nhà bê tông thì không thể “lấy” được nhiều tiền của giới giàu có trên thế giới.

Tập đoàn Vingroup đang phát triển du lịch trên đảo Hòn Tre. Ảnh: Hải Luận

PV: Phía ngoài đảo Hòn Tre, Hòn Mun, người dân vẫn còn khai thác nghề lưới đăng, nghề này có từ khi người dân còn đi bằng thuyền buồm, chèo tay. Đến bây giờ, thời đại công nghệ số hóa, nhưng họ vẫn còn đánh bắt truyền thống như cách đây mấy trăm năm trước. Khách du lịch ở khách sạn 5 sao, được xem cách đánh cá thời xa xưa, nhưng tại sao chúng ta không tận dụng loại hình du lịch này?

PGS TS Nguyễn Chu Hồi: Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa đang phối hợp Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch và UBND thành phố Nha Trang, thành lập đoàn đi khảo sát, đánh giá tình trạng các di tích lịch sử, văn hóa hiện có tại tổ dân phố Bích Đầm (ở phía mặt ngoài đảo Hòn Tre). Đồng thời, trao đổi, đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại đây.

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa cộng đồng và khối tư nhân với cơ quan Nhà nước trong bảo tồn rạn san hộ và phát triển bền vững khu vực biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang”. Đây là mô hình rất hay cần kiên trì theo đuổi và thực hiện hiệu quả.

PV: Thực tế, ở một số nơi đã huy động sức đóng góp của người dân trong vùng vào bảo vệ môi trường biển rồi, nhưng qua thời gian cũng tan rã “đường ai nấy đi”. Theo ông, giải pháp lâu dài như thế nào?

PGS TS Nguyễn Chu Hồi: Chỉ khi nào lợi ích kinh tế được gắn kết chặt vào nhau theo kiểu "cộng sinh" thì họ mới tham gia lâu dài, muốn vậy cần có doanh nghiệp tâm huyết yêu thiên nhiên, đủ tiềm lực tài chính, đứng ra “cầm trịch” để xâu chuỗi từng nhóm nghề, cụm dân cư cùng ngồi lại với nhau bàn cách thực hiện và cùng phân chia lợi ích một cách minh bạch. Chắc chắn, người dân đồng lòng và thực hiện, mọi việc sẽ thành công.

PV: Trân trọng cảm ơn PGS TS!

Hải Luận (thực hiện)

(bienphong.com.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang