Các giải pháp xanh cho kinh tế biển bền vững tại Việt Nam

10:07 04-11-2024

VBĐVN.vn - Mới đây, tại thành phố Nha Trang, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT) phối hợp với Hội Thủy sản Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức Diễn đàn về khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên biển và hải đảo Việt Nam với chủ đề năm 2024: “Các giải pháp xanh cho kinh tế biển bền vững tại Việt Nam”.

Tham dự Diễn đàn có TS. Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc Hội, ĐBQH Khóa XV; Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường; PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam, ĐBQH Khóa XV, Đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam WWF Việt Nam, IUCN Việt Nam; Đại diện 28 tỉnh Địa phương ven biển; các trường đại học, viện nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học và các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế biển.

Toàn cảnh diễn đàn

Phát biểu khai mạc Diễn đàn Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường Diễn đàn là dịp để các bên liên quan trao đổi, chia sẻ các giải pháp xanh, các bài học thực tế trong phát triển kinh tế biển bền vững thời gian qua và các ưu tiên cần làm trong thời gian tới. Thông qua Diễn đàn góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức thực tế, tranh thủ sự tham gia, ủng hộ của các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, cộng đồng trong và ngoài nước về chủ trương, chính sách phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam dựa trên nền tảng tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh.

Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 5-3-2020 về việc ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã yêu cầu “Định kỳ 5 năm thực hiện sơ kết, tổng kết đánh giá toàn diện việc thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW và đề ra những chủ trương phù hợp với tình hình trong giai đoạn mới. Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, chúng ta đã đúc rút ra được nhiều bài học quý trong việc phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế to lớn của Biển Việt Nam, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Tại Diễn đàn TS. Tạ Đình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi nhấn mạnh mấy điểm sau đây:

Việt Nam là quốc gia biển, có lịch sử, truyền thống, văn hóa và quá trình dựng nước, giữ nước gắn liền với biển. Biển Đông có vị trí đặc biệt quan trọng về địa chiến lược, chính trị, kinh tế, tự nhiên đối với nước ta. Chúng ta đã có nhận thức khá sớm về vị trí, vai trò, tiềm năng, lợi thế của biển và trên thực tế qua các thời kỳ khác nhau trong suốt chiều dài lịch sử chúng ta đã liên tục và nhất quán khẳng định chủ quyền, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đảo.

Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về biển, đảo như: Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW; Quốc hội đã thông qua Luật Biển Việt Nam năm 2012; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 và nhiều Luật chuyên ngành khác liên quan đến lĩnh vực biển, đặc biệt ngày 28-6-2024 tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV đã thông qua Nghị quyết số 139/2024/QH15 về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 26/NQ-CP nêu trên, Nghị quyết 48/NQ-CP ngày 3-4-2023 về việc phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và nhiều văn bản khác có liên quan. Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện. Đến nay, có thể nói chúng ta đã có một hệ thống chính sách, pháp luật khá đồng bộ trong lĩnh vực biển và hải đảo.

Có thể nhận thấy cơ hội, triển vọng rất lớn đối với sự phát triển các ngành kinh tế biển ở nước ta. Tuy nhiên, làm thế nào để đưa các chủ trương, chính sách, pháp luật nêu trên đi vào cuộc sống nhằm đạt được mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh. Làm sao để phát huy và thúc đẩy vai trò của các chủ thể, các bên liên quan trong quá trình phát triển bền vững kinh tế biển. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi tin rằng, kết quả từ Diễn đàn hôm nay sẽ không chỉ mang lại những bài học kinh nghiệm quý mà còn là điển hình trong việc thực hiện quan điểm “Tư duy toàn cầu, hành động địa phương” trong việc giải quyết những vấn đề môi trường biển cấp bách hiện nay, tạo sức lan tỏa đối với các cộng đồng liên quan ở nước ta.

Đối thoại chuyên đề: Giải pháp xanh: thực tiễn, cơ hội, thách thức và triển vọng

Tại diễn đàn, các chuyên gia và nhà khoa học đã trình bày và thảo luận xoay quanh các nội dung: Giải pháp xanh trong phát triển bền vững kinh tế biển - vấn đề và cách tiếp cận cho Việt Nam; quy hoạch không gian biển quốc gia - công cụ quản lý biển hiệu quả và bền vững; ô nhiễm rác thải ngư lưới cụ ở vùng biển Việt Nam - tác động kinh tế, xã hội, môi trường và các giải pháp khắc phục; bảo tồn đa dạng sinh học biển - một phương thức chuyển đổi xanh trong phát triển bền vững kinh tế biển Khánh Hòa; dự thảo “Phân vùng chức năng biển vịnh Nha Trang”. Ngoài ra còn có đối thoại chuyên đề về giải pháp xanh, cơ hội, thách thức và triển vọng cho tương lai kinh tế biển.

Ngoài ra đại biểu cũng được nghe các giải pháp xanh, cơ hội, thách thức và triển vọng cho tương lai kinh tế biển từ những chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực biển, môi trường và phát triển bền vững.

Đối thoại là dịp để các bên trao đổi kinh nghiệm, giải pháp xanh cho kinh tế biển, góp phần nâng cao nhận thức và thúc đẩy hợp tác quốc tế, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo monre.gov.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang