Cần đảm bảo nơi neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền

10:06 02-12-2024

VBĐVN.vn - Nghệ An có 7 cửa biển, tuy nhiên hiện nay tình trạng bồi lắng diễn ra mạnh nhất là khu vực vùng lỏm bờ biển của huyện Diễn Châu.

Bến neo đậu, nơi tập trung nhiều phương tiện của ngư dân các xã Diễn Bích, Diễn Ngọc, Diễn Thành (huyện Diễn Châu) không chỉ chật chội mà các trụ nổi để neo tàu cũng thiếu. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Nguyên nhân chủ yếu là do đất phù sa từ thượng nguồn của các con sông đồ về, ngoài ra, do vị trí địa lý đây là vùng lỏm của bờ biển nên vào các đợt gió mùa Đông Bắc cát biển theo hướng gió sẽ đổ vào các cửa sông. Huyện Diễn Châu có 8 xã bãi ngang, ven biển với gần 30 km đường bờ biển. Toàn huyện có hơn 400 tàu thuyền chuyên khai thác, đánh bắt thủy sản ở vùng lộng, vùng khơi và hơn 300 bè mảng đánh bắt ven bờ của ngư dân các làng biển thuộc xã Diễn Kim, Diễn Hải, Diễn Trung... Những năm qua, dù được chính quyền địa phương quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng nhưng hiện nay nơi tránh trú bão cho tàu, thuyền vẫn còn thiếu và chưa đủ tiêu chuẩn an toàn. Thực tế này đã gây nên sự bất an cho ngư dân mỗi khi mùa mưa bão đến.

Vừa yếu vừa thiếu

Sông Diễn Thủy chảy qua địa bàn 2 xã Diễn Bích, Diễn Ngọc là nơi neo đậu, tập kết của hàng trăm tàu, thuyền của ngư dân huyện Diễn Châu. Dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển mạnh dọc hai bên bờ sông với nhiều cơ sở sửa chữa tàu, thuyền, chợ cá, cơ sở chế biến hải sản, cung cấp ngư lưới cụ... Cùng với sông Lạch Vạn, sông Diễn Kim thì sông Diễn Thủy còn là địa điểm ngư dân lựa chọn làm nơi neo đậu, tránh trú mỗi khi biển động mạnh, có bão. Tuy nhiên, khi số lượng tàu, thuyền của ngư dân tập trung thì những hạn chế, bất cập tại khu neo đậu này bộc lộ. Tàu, thuyền chen chúc với mật độ dày đặc trên sông, neo đậu khiến diện tích mặt sông vốn đã hẹp lại càng chật chội hơn. Đặc biệt, các tàu, thuyền được cột sơ sài vào các mố trụ, cọc gỗ mà người dân tự làm hoặc vào thân cây, cổng ngõ trên bờ không có giải pháp giảm xung lực khi có gió mạnh, sóng lớn khiến phương tiện trở nên mất an toàn, dễ hư hỏng do xảy ra va đập mạnh.

Ông Nguyễn Văn Liên, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu, Nghệ An cho biết, toàn xã Diễn Bích có khoảng hơn 130 tàu, thuyền khai thác hải sản của ngư dân. Khu vực sông Diễn Thủy phần thuộc địa bàn xã Diễn Bích hiện nay chỉ đảm bảo cho khoảng 50% phương tàu, thuyền của xã neo đậu tránh trú bão. Do thiếu không gian nên số phương tiện còn lại phải di chuyển đến nhiều địa điểm khác dọc sông Bùng (chảy qua các xã Diễn Vạn, Diễn Kim, Diễn Ngọc) để neo đậu. Từ thực tế này, nhu cầu đầu tư quy hoạch các điểm tránh trú bão cho tàu thuyền trở nên cấp thiết.

Ngư dân Phạm Văn Tuấn, xóm Chiến Thắng, xã Diễn Bích cho biết, khu vực bến cá Diễn Bích chưa có trụ để buộc dây thừng khi neo đậu tàu thuyền nên ngư dân phải tự xây các mố trụ, đóng cọc trên bờ để neo đậu phương tiện. Vào thời điểm mưa bão, biển động, ngư dân dừng ra khơi thì cảnh tượng các tàu, thuyền chen chúc nhau rất mất an toàn. Chủ phương tiện cũng rất vất vả để điều khiển được tàu, thuyền vào được vị trí neo, đậu.

Tương tự, tại cảng cá Lạch Vạn (xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu), vào mùa mưa bão, biển động mạnh gần 300 tàu, thuyền của ngư dân xã Diễn Ngọc và hàng chục tàu, thuyền của xã Diễn Thành đều tập trung về đây neo, đậu dọc cảng. Lượng tàu thuyền quá lớn trong khi các trụ neo đậu được xây dựng từ năm 2009 đã bị hư hỏng và không còn dụng cụ để chống va đập. Mặt khác, cảng cá Lạch Vạn lại nằm gần cửa biển, do đó, mỗi khi có gió mạnh, việc va đập giữa các tàu thuyền lại trở nên nguy hiểm hơn.

Ngư dân Hoàng Văn Xuân, xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu cho biết, bến đậu không chỉ chật chội về không gian mà các trụ nổi để cột tàu, thuyền cũng thiếu. Nhiều tàu thuyền chỉ được buộc vào những cây trụ xây, thân cây trên bờ yếu ớt, không đảm bảo an toàn.

Cần sớm đầu tư

Tàu, thuyền neo đậu chen chúc nhau dọc sông Diễn Thủy (huyện Diễn Châu được cột sơ sài với các trụ hoặc cọc gỗ mà người dân tự làm khiến những con tàu trở nên thiếu an toàn. Ảnh: Xuân Tiến/ TTXVN

Quan ngại hơn, tại hạ lưu cầu Đập Tràn (nối 2 xã Diễn Thành và Diễn Ngọc), khu neo đậu tàu, thuyền của ngư dân cũng không đảm bảo các yếu tố đảm bảo cho việc neo đậu. Vào mùa mưa bão, các cổng của đập vận hành để xả lũ, tiêu úng cho vùng thượng lưu hai huyện Diễn Châu, Yên Thành nên dòng chảy rất mạnh. Đã có nhiều trường hợp tàu, thuyền của ngư dân bị trôi do đứt dây cột hoặc bị nhấn chìm.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu cho biết, hiện nay, dọc hai bên bờ tuyến sông Bùng đoạn từ khu vực cầu Diễn Kim (nối 2 xã Diễn Kim và Diễn Bích) trải dài lên địa phận các xã Diễn Vạn, Diễn Kỷ dài khoảng hơn 3 km là có trụ neo đậu. Tuy nhiên lòng sông bị bồi lắng nên rất cạn, chỉ tàu, thuyền có kích thước ngắn, lượng giãn nước nhỏ mới di chuyển lên được. Phần còn lại của con sông từ khu vực cầu Diễn Kim đến rừng sú vẹt xã Diễn Bích tuy mực nước sâu nhưng lòng sông hẹp, cần có giải pháp cải tạo, nạo vét lòng sông và các trụ neo đậu thì tàu, thuyền mới tránh, trú bão được.

Huyện Diễn Châu (Nghệ An) hiện quy hoạch được 3 khu neo đậu tránh trú bão tại các xã Diễn Vạn, Diễn Ngọc và Diễn Kỷ. Trong đó, khu neo đậu lớn nhất là dọc sông Bùng (thuộc địa bàn xã Diễn Kỷ). Tuy nhiên do lòng sông bị bồi cạn, ngư dân rất khó khăn khi di chuyển tàu, thuyền trên sông. Vào mùa mưa bão, hệ thống thủy lợi kênh tiêu lũ Vách Bắc dài hơn 20 km, chảy từ huyện Yên Thành đổ ra cửa biển Lạch Vạn khiến dòng chảy trên sông Bùng rất mạnh, ngư dân càng vất vả, khó khăn khi vận hành phương tiện ngược dòng để vào điểm tránh, trú bão. Quan ngại hơn, sau nhiều năm bị bỏ hoang, đoạn sông Bùng đoạn chảy qua địa phận xã Diễn Kỷ đã trở thành “sông chết” bởi nạn xả thải rác của người dân. Trên lòng sông, hệ thống cọc của dân chài đóng ngang, chặn luồng tuyến khiến các tàu, thuyền không thể di chuyển.

“Địa phương đã quy hoạch, xây dựng được một số khu neo đậu tàu thuyền cho ngư dân. Tuy nhiên vào mùa mưa bão thì khu vực cảng, một số tuyến neo đậu chưa thể đáp ứng. Trước thực trạng này, chúng tôi cũng đã lập hồ sơ trình các ngành, cơ quan chức năng có sự đầu tư đảm bảo an toàn nơi tránh trú bão cho tàu thuyền của ngư dân”, Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu Phan Xuân Vinh cho hay.

Theo ông Nguyễn Trường Thành, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An, trước đây, đoàn khảo sát của Đại học Thuỷ lợi đã từng khảo sát khu vực này và nhận thấy cửa biển Lạch Vạn có xu hướng bồi lắng và dịch chuyển vào phía Nam. Để giải quyết triệt để tình trạng này, đoàn khảo sát có đề xuất phải xây dựng tuyến kè phía Bắc cửa biển Lạch Vạn dài khoảng 1 km hướng ra biển để ngăn chặn tình trạng cát biển theo giáo mùa Đông Bắc bồi lắng. Tuy nhiên, để thực hiện đề xuất này cần hàng trăm tỷ đồng, trong khi ngân sách địa phương còn hạn chế nên chưa thể thực hiện.

Thống kê của các địa phương ven biển cho thấy, mỗi năm huyện Diễn Châu có hàng chục tàu, thuyền bị va đập, đứt dây trôi gây thiệt hại nặng cho ngư dân. Đối với ngư dân, tàu, thuyền không những là phương tiện mưu sinh, phát triển kinh tế chủ lực của gia đình mà còn là khối tài sản lớn. Vì vậy, việc khắc phục, sửa chữa, nâng cấp cảng cá và điểm tránh trú bão cho ngư dân là hết sức cần thiết và chính đáng.

Bài và ảnh: VĂN TÝ - HẢI AN

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang