'Kỹ nghệ' bẫy mực lá

11:59 20-08-2024

VBĐVN.vn - Những chiếc lồng bẫy mực lá làm bằng tre đơn giản được thả xuống đáy biển cách bờ ba bốn hải lý. Chiều chiều, bãi biển đã tấp nập kẻ mua, người bán.

Niềm hi vọng dưới đại dương

Đầu giờ chiều, bãi biển Mỹ Thủy, xã Hải An, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị tấp nập người mua kẻ bán. Hàng chục chiếc thuyền loại 10 - 24 CV của ngư dân từ biển hướng vào bờ mang theo những niềm hi vọng. Nghề bẫy mực lá chỉ mới xuất hiện từ vài chục năm nay nhưng đã đem lại thêm nguồn thu lớn cho ngư dân bãi ngang Hải An.

Những chiếc thuyền mang theo niềm hi vọng. Ảnh: Võ Dũng.

Thế nhưng, nghề bẫy mực không dễ ăn; nhìn có vẻ thong dong nhưng ít ai biết, để kiếm được con mực từ đáy biển cũng phải trải qua nhiều sóng gió và không phải lúc nào cũng có thành quả đem về.

Chiều nay, ông Phan Thanh Hiệp cười tươi như vớ được vàng. Ông vừa cùng bạn thuyền đem vào bờ gần 10 kg mực lá tươi rói. Mực giãy đành đạch, thương lái trên bãi biển xúm năm xúm bảy tranh nhau mua. Với giá trên dưới 350 nghìn đồng/kg, ông Hiệp và bạn thuyền cũng thu về gần 3,5 triệu đồng. Chừng ấy là quá đủ cho một ngày công lao động của ngư dân bãi ngang Mỹ Thủy.

Nhưng để có được chừng ấy thành quả, khi mặt trời chưa ló rạng, ông Hiệp cùng bạn thuyền đã nổ máy rời bờ. Sau gần 1 giờ di chuyển, thuyền của ông Hiệp mới tìm được điểm phù hợp, cách bờ 2-3 hải lý để đặt bẫy. Với kinh nghiệm hơn 15 năm đi biển, ông Hiệp chỉ cần nhìn con nước, dòng chảy và thời tiết là đoán biết nơi nào nhiều mực tập trung. Tới nơi, ông Hiệp và bạn thuyền người thì chuẩn bị lồng bẫy, người gắn chùm trứng mực tươi vào lồng để làm mồi. Sau đó, vừa cho thuyền di chuyển chậm, ông Hiệp và bạn thuyền vừa thả từng chiếc lồng bẫy xuống biển. Nơi nào nhận định có nhiều mực thì mật độ lồng bẫy được thả dày hơn.

Để cố định, phần đáy lồng bẫy được buộc với hòn đá hoặc bao cát nặng khoảng 5-7 kg để giữ cho lồng chìm dưới biển. Đỉnh lồng được nối với sợi dây thừng dài từ 20-30 m, bên trên buộc vào phao nổi trên mặt nước có đánh dấu ký hiệu của chủ nhân. Thả xong lồng, ngư dân vào bờ và chờ đến đầu giờ chiều để thu bẫy.

Mùa bẫy mực của ngư dân Mỹ Thủy thường diễn ra từ tháng 2-7 hằng năm. Mỗi thuyền đi bẫy mực thường có 2 người, số lượng lồng bẫy thông thường từ 20-60 cái. Như thuyền của ông Hiệp với công suất 24 CV, mỗi chuyến biển chở được 50 chiếc lồng bẫy. Ngư dân Mỹ Thủy thường đem những chiếc lồng bẫy ra vị trí nằm cách bờ từ 1-4 hải lý, có mực nước sâu từ 5-10m, tối đa khoảng 20m.

Thả xong bẫy mực, ông Hiệp quay thuyền vào bờ nghỉ ngơi, chờ đến khoảng 2-3 giờ chiều thì trở lại thu lồng bẫy. Khi đến vị trí từng chiếc phao của mình, ông Hiệp dùng cây sào dài khoảng 2 m có gắn móc ở đầu kéo sợi dây buộc phao lên.

Mực bẫy vào bờ, thương lái tranh nhau mua. Ảnh: Võ Dũng.

Theo ông Hiệp, không phải lồng bẫy nào cũng trúng mực, có lúc kéo liên tục 4, 5 chiếc không thu được con mực nào nhưng có khi kéo lên bên trong không chỉ mực lá mà có lồng còn bẫy được mực nang nặng gần cả cân.

“Nghề này vô chừng lắm, có hôm thu nhập vài triệu đồng nhưng cũng có hôm không đủ tiền dầu. Nhưng bù qua bù lại, mùa bẫy mực cũng giúp ngư dân có thêm đồng ra đồng vào để chi phí cho cuộc sống. Chuyến biển lần này của tôi được xem là thành công, cũng kiếm được mỗi người gần 2 triệu đồng”, ông Hiệp phấn khởi.

Những lão ngư cưỡi sóng đạp gió

Vừa bán xong hơn 10kg mực, đút túi vài triệu đồng, ông Phan Thanh Tô ngồi xoài giữa bãi cát sửa sang chiếc lồng bẫy để kịp cho chuyến ra khơi bẫy mực vào rạng sáng mai. 70 tuổi đời, 20 năm kinh nghiệm bẫy mực lá, lẽ ra giờ này ông Tô đã có thể nghỉ ngơi. Thế nhưng, người dân vùng biển là thế, yêu biển, yêu nghề, một ngày không dong thuyền ra khơi lại nhớ, lại bồn chồn. Vì thế, ở Hải An, ông Tô chỉ là một trong số ít những lão ngư vẫn ngày ngày ra biển bẫy mực. Nghe ông kể chuyện bẫy mực mới thấy, để dẫn dụ được lũ mực cũng không phải dễ. Thợ làm lồng bẫy mực phải có kinh nghiệm và tỉ mẩn trong từng chi tiết.

Nghề bẫy mực lá cũng lắm gian nan. Ảnh: Võ Dũng.

Chiếc lồng bẫy được làm bằng khung tre dạng hình hộp chữ nhật có chiều dài 1,2m, chiều rộng và chiều cao 0,6m, bọc bằng một lớp lưới nilon có kích thước mắt lưới khoảng 2cm. Miệng bẫy là hai mảnh lưới khép lại đủ để mực chui vào nhưng không không thể thoát ra. Xung quanh bẫy được phủ bằng lá cây đùng đình phơi khô hoặc vải bạt nilon màu đen để tạo thành vùng tối trong lồng. Để chở được nhiều lồng trên thuyền, thay vì buộc cố định thì các góc của lồng được liên kết bằng dây nhựa mềm giúp gấp gọn các lồng trong quá trình di chuyển đến ngư trường. Nhờ vậy, thuyền nhỏ cũng có thể chở được từ 15-20 lồng, thuyền lớn thì lên đến 40-60 lồng.

Theo ông Tô, kết cấu của một chiếc lồng bẫy mực lá tuy đơn giản nhưng khi thả xuống biển phải tuân thủ nghiêm ngặt từng công đoạn: Từ dựng lồng, buộc dây, buộc đá, gắn mồi…

Các nghề biển khác dùng thức ăn hay đặt bẫy trên đường đi. Nhưng với nghề bẫy mực lá, ngư dân phải dụ chúng vào đẻ trứng trong lồng bẫy; mồi nhử phải là chùm trứng mực lá còn tươi.

Ông Tô lý giải, loài mực thường đẻ trứng trong các hốc đá san hô nên khi thấy chiếc lồng dưới đáy biển, chúng tưởng đó là hốc đá san hô nên vào đẻ trứng. Do vậy, trứng mực để bẫy phải tươi, mực cái ngửi thấy mùi vào đẻ trứng và mực đực cũng theo vào.

Để giữ trứng mực được tươi nhằm sử dụng nhiều ngày, ngay sau khi kéo lồng lên, ngư dân phải gỡ ngay trứng mực ra, cho vào xô nước biển sạch.

“Đây là thời gian mực lá vào gần bờ để sinh sản nên hễ thấy trứng ở trong lồng bẫy là chui vào đẻ rồi không thoát ra ngoài được. Chúng tôi chỉ việc kéo lên và bắt”, ông Tô nói.

Cũng theo ông Tô, so với các nghề biển khác thì nghề lồng bẫy mực lá nhẹ nhàng hơn; chi phí thấp hơn và thu nhập cũng tương đối cao. Trung bình chi phí để làm một chiếc lồng bẫy chỉ khoảng từ 20-30 ngàn đồng; tiền dầu chạy máy để di chuyển đến ngư trường cũng chỉ khoảng 70-100 ngàn đồng. Công việc của những người làm nghề lồng bẫy mực lá cũng chỉ làm vào ban ngày chứ không phải làm xuyên đêm như nhiều nghề biển khác. Tuy nhiên, thời gian hành nghề bẫy mực trong năm không kéo dài nên ngư dân lại phải chuyển sang nghề khác.

Đây là nghề mang lại thu nhập chính cho ngư dân bãi ngang từ tháng 2 đến tháng 7 hàng năm. Ảnh: Võ Dũng.

Đều đặn mỗi ngày ngư dân ra biển 2 lần, 5 giờ sáng để thả lồng bẫy và 2 giờ chiều để thu lồng bẫy. Có mực thì mang về bán cho thương lái, còn lồng bẫy thì thu gọn lại xếp lên thuyền, chiếc nào bám bẩn hay hư hỏng thì cọ rửa, sửa chữa rồi hôm sau lại mang ra biển bẫy mực tiếp.

“Nghề này ngày ít tôi cũng thu được 2-3kg mực lá, ngày nhiều thì có lúc được 7-8kg, có lúc bẫy được trên 20 kg. Nói chung là có thêm đồng tiền để chi phí cho cuộc sống”, ông Tô cho hay.

“Nghề bẫy mực lá được ngư dân các xã biển bãi ngang khai thác khá hiệu quả. Bình quân, với khoảng 50 chiếc lồng bẫy, mỗi thuyền cũng thu được từ 3-7 kg mực lá/ngày. Có thuyền thả lồng bẫy trúng luồng mực thì còn thu hoạch được từ 15-20 kg. Với mức giá khoảng 350 ngàn đồng/kg, trừ chi phí, tính ra mỗi ngày ngư dân kiếm được 700-1,2 triệu đồng/người. Ngoài ra còn có một số tàu cá công suất lớn làm nghề này và thường xuyên khai thác ở ngư trường lớn, xa bờ”, ông Lê Đức Thắng, Phó Trưởng phòng Quản lý khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá, Chi cục Thủy sản.

Võ Dũng (nongnghiep.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang