Kỷ niệm 60 năm ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961/23-10-2021)

Kỳ tích Đường Hồ Chí Minh trên biển

16:47 19-10-2021

VBĐVN.vn - Cùng với Đường Hồ Chí Minh trên bộ, Đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành một huyền thoại có thật, một kỳ tích của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Từ chủ trương đúng đắn của Đảng và Bác Hồ

Thực hiện Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II, cách mạng miền Nam đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang; chuyển thế từ bị truy lùng ráo riết sang chủ động tiến công địch cả về chính trị, quân sự. Để kịp thời chi viện sức người, sức của cho chiến trường, quyết tâm giành cho được độc lập, tự do, thống nhất đất nước, ngày 19-5-1959, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, "Đoàn công tác quân sự đặc biệt" (Đoàn 559) được thành lập. Đoàn làm nhiệm vụ xây dựng tuyến chi viện chiến lược từ Bắc vào Nam (đường Trường Sơn). Tuy nhiên, do phương thức vận chuyển vẫn chủ yếu là gùi thồ nên số lượng hàng hóa chi viện không được nhiều, một số vùng ở phía Nam, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn không vươn tới. Trước tình hình đó, năm 1961, Đảng và Bác Hồ quyết định thành lập tuyến chi viện trên biển (Đường Hồ Chí Minh trên biển).

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh với cán bộ, chiến sĩ hải quân, năm 1961. Ảnh tư liệu

Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, ngày 23-10-1961, Đoàn 759 được thành lập để làm nhiệm vụ vận chuyển trên biển vũ khí, lương thực, thực phẩm chi viện cho miền Nam. Ngày 16-10-1962, chuyến vận chuyển vũ khí đầu tiên đã vào đến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn. Đường giao thông xuyên suốt ven biển Bắc-Nam đã mở. Biết được chuyến vận chuyển vũ khí vào Nam Bộ thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện khen ngợi cán bộ, chiến sĩ Đoàn 759.

Để bảo đảm bí mật cho tuyến đường vận tải đặc biệt, những chiếc tàu làm nhiệm vụ vận chuyển vào miền Nam của Đoàn 759 (sau đổi thành Đoàn 125) phải cải trang thành tàu đánh cá, tàu vận tải, không có số hiệu cố định, trà trộn vào những đoàn tàu đánh cá của ngư dân địa phương trên biển. Chính vì vậy, những tàu này được gọi là "tàu không số".

Nghi binh, che mắt địch

Khác với các chiến sĩ phòng không, không quân, lục quân “tìm địch mà đánh”, nhiệm vụ của người chiến sĩ hải quân trên tàu không số là tìm cách tránh địch để bảo vệ hàng. Vì phải giữ bí mật, tuyệt đối không để địch phát hiện ra tuyến vận tải đặc biệt này, mỗi tàu đều được cài sẵn những khối lớn thuốc nổ ở mũi, thân và đuôi tàu với các loại kíp nổ tức thì được khởi động bằng tay và bằng điện. Các thủy thủ đoàn đều được đơn vị tổ chức lễ truy điệu sống trước khi khởi hành, phòng khi bị địch phát hiện, các chiến sĩ trên tàu sẽ tự kích nổ tàu để giữ bí mật. Tàu không số cũng chọn những lúc thời tiết xấu nhất để khởi hành, càng dông tố, bão bùng càng là lúc thuận lợi cho những nhiệm vụ bí mật. Bởi vậy, mỗi lần tàu không số xuất phát là mỗi lần thử thách ý chí và tinh thần của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.

Trong khi địch được trang bị các loại vũ khí, phương tiện hiện đại, tối tân, Đoàn 125 lại chỉ có những loại tàu thuyền nhỏ bé, thô sơ, cải dạng thành tàu vận tải, tàu đánh cá; kết hợp hoạt động bí mật và công khai; tàu có thể xuất phát từ nhiều bến (kể cả ở nước ngoài) và cập nhiều bến; dẫn tàu đi trên nhiều tuyến đường khác nhau, có giai đoạn đi vòng ra biển xa, vùng biển quốc tế. Địch phong tỏa đường trong, ta đi đường ngoài. Ðịch phong tỏa gần bờ, ta đi trên vùng biển xa. Địch ngăn chặn đường dài, ta đi phân đoạn. Địch bám đuôi, ta đi thẳng ra vùng biển quốc tế. Khi địch phát hiện, áp sát tấn công hoặc cướp tàu, ta đánh trả quyết liệt, có lúc phải phá hủy tàu và hàng để giữ bí mật nhiệm vụ và con đường. Ðể thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số đã nêu cao ý thức tự lực, tự cường, làm chủ con tàu và vũ khí trang bị, chủ động nắm bắt tình hình, thông minh, linh hoạt trong xử lý mọi tình huống, khắc phục khó khăn tìm ra những phương thức vận chuyển độc đáo nhằm vận chuyển nhiều nhất, nhanh nhất, chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Đặc biệt cán bộ, chiến sĩ trên các tàu không số đã khéo léo kết hợp ngụy trang, nghi binh, táo bạo, bí mật, bất ngờ, thọc sâu vào bến trong các kênh rạch làng xã...

Từ năm 1961 đến 1975, cán bộ, chiến sĩ Ðoàn 125 đã vượt qua hơn 20 cơn bão lớn, vượt qua hàng trăm cuộc vây ráp của kẻ thù, đưa hàng trăm nghìn tấn vũ khí chi viện cho chiến trường, đến những nơi Đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn chưa thể vươn tới. Những lúc địch bao vây bốn phía, cả con tàu là một khối đoàn kết, trong đó thuyền trưởng và chính trị viên tàu là hình ảnh mẫu mực nhất. Khi không thể thoát khỏi sự truy lùng của địch, để giữ bí mật tuyến đường "mạch máu", họ đã biến con tàu thành một khối thuốc nổ khổng lồ lao vào tàu địch.

Cuối năm 1974, tình hình chiến trường miền Nam chuyển biến mau lẹ có lợi cho ta, Bộ Tổng Tham mưu chỉ thị cho Đoàn 125 vận chuyển vũ khí và bộ đội vào sâu hơn nữa, sát hơn nữa nơi ta mở chiến dịch. Đoàn 125 đã huy động toàn bộ lực lượng thực hiện đợt vận chuyển binh lực đột kích chủ yếu vào chiến trường (mật danh T5) và vận chuyển phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với tinh thần “Thần tốc, táo bạo chở người và vũ khí vào mặt trận”. Trong tháng 3 và tháng 4-1975, Đoàn 125 đã vận chuyển 17.473 cán bộ, chiến sĩ các đơn vị chủ lực vào chiến trường; 40 xe tăng và 7.886 tấn vũ khí, nhiên liệu... góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tàu vận tải của Đoàn 125 giả dạng tàu nước ngoài, vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam những năm chống Mỹ. Ảnh tư liệu

Bài học quý cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc

Chiến tranh đã lùi xa nhưng bài học kinh nghiệm từ việc tổ chức tuyến chi viện chiến lược Đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Trước hết, phải nhận thức đúng đắn về vai trò của biển, đảo; về chiến lược biển của Đảng ta, về xây dựng hải quân nói chung, lực lượng vận tải quân sự biển nói riêng không ngừng lớn mạnh. Chính vì vậy, trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, cần phát huy ưu thế của phương thức vận tải biển, nhất là với quốc gia có bờ biển dài như Việt Nam, việc vận tải biển có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế kết hợp với củng cố quốc phòng.

Thứ hai, phải tiếp tục quán triệt đường lối chiến tranh nhân dân, tư tưởng chiến lược tiến công của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong mọi tình huống. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đương đầu với một kẻ thù xâm lược có tiềm lực quân sự, kinh tế mạnh hơn ta gấp nhiều lần, Đảng ta đã đề ra đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, sáng tạo, phát huy sức mạnh của toàn dân, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại tạo thành sức mạnh tổng hợp để đánh Mỹ và thắng Mỹ.

Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tương lai rất cần phải tiếp tục phát huy truyền thống toàn dân đánh giặc, thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.

Thứ ba là sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương, lực lượng hải quân với các quân binh chủng. Thực tiễn đã chứng tỏ hải quân là lực lượng nòng cốt mở đường vận tải chiến lược trên biển chi viện cho cách mạng miền Nam, nhưng nhiệm vụ này không thể hoàn thành nếu không có sự phối thuộc của lực lượng vũ trang địa phương ở các bến bãi tiếp nhận vũ khí, hàng hóa. Khi địch áp dụng những thủ đoạn ngăn chặn ác liệt nhất, nếu không có lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương phối hợp xây dựng các bến bãi, tìm ra những phương thức đưa hàng vào bến thì sẽ không thể vượt qua lá chắn phong tỏa của địch.

Vì vậy nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo ngày nay rất cần đến sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ đội Hải quân với các quân, binh chủng và bộ đội địa phương. Đường Hồ Chí Minh trên biển không chỉ là kỳ tích mà còn là bài học hữu ích cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Theo qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang