Luật Cảnh sát biển thúc đẩy phát triển kinh tế biển

14:18 29-09-2021

VBĐVN.vn - Sau gần 3 năm thực thi, Luật Cảnh sát biển không chỉ góp phần quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo Tổ quốc mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển, đồng hành cùng bà con ngư dân an tâm ra khơi, bám biển.

Luật Cảnh sát biển thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế biển

Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.260km, hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa rộng lớn, biển đảo. Đây là những lợi thế từ vị trí địa lý và tự nhiên mang lại nguồn lợi đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế nước ta.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định kinh tế biển như là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đưa Việt Nam đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển của kinh tế biển, các hoạt động ngày càng nhộn nhịp của các ngành kinh tế biển là sự gia tăng tình hình vi phạm, tội phạm trên biển.

Trước tình hình đó, đặc biệt từ khi Luật Cảnh sát biển Việt Nam có hiệu lực thi hành, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã tăng cường duy trì sự hiện diện và thực thi pháp luật trên biển hiệu quả, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh, trật tự, an toàn cho các vùng biển đảo của Tổ quốc, đồng thời giúp kinh tế biển được phát triển, giúp bà con ngư dân ra khơi bám biển an toàn.

Tính đến nay, cả nước có 19 khu kinh tế ven biển đã được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước khoảng hơn 845.000ha; có 330 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt gần 97.000ha, trong đó diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 65.900ha.

Cùng với sự phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, đã hình thành các dịch vụ xã hội, nhà ở cho chuyên gia, nhà quản lý, người lao động. Tỷ lệ đô thị hóa của 28 tỉnh, thành phố ven biển đạt khoảng 39,49% (cao hơn bình quân cả nước 37,5%).

Năm 2019, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt 654,6 triệu tấn (không bao gồm sản lượng hàng hóa quá cảnh không bốc dỡ), tăng 14% so với năm 2018; khối lượng hàng container ước đạt 19,35 triệu TEU (tăng 6%).

Kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành thủy sản đạt 8,6 tỷ USD, chủ yếu là từ khai thác, chế biến hải sản biển. Tổng sản lượng thủy sản đạt 8,15 triệu tấn (khai thác 3,77 triệu tấn, nuôi trồng đạt 4,38 triệu tấn).

Trong năm 2020, do chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, du lịch biển Việt Nam đã chuyển hướng sang khách hàng nội địa và đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Kết quả này đã đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế đất nước, cải thiện sinh kế, ổn định đời sống của người dân các tỉnh ven biển.

Để thực hiện Luật Cảnh sát biển một cách hiệu quả, giúp góp phần phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông qua những buổi tuyên truyền tập trung ở các cơ quan, đơn vị trong toàn Lực lượng và các địa bàn từ cấp xã, phường, nhất là ở các địa phương ven biển. Từ đó, để người dân thêm hiểu biết về công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật trên các vùng biển đảo, sẵn sàng chung sức, chung lòng với Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn cho các vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Theo thoidai.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang