Lực lượng kiểm ngư phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm khai thác hải sản
VBĐVN.vn - Tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Cục Kiểm ngư (Tổng cục Thủy sản), ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Cục trưởng Cục Kiểm ngư nhấn mạnh, các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm soát; kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), đặc biệt là các hành vi móc nối đưa tàu cá Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở nước ngoài.
Các đơn vị tổ chức triển khai các chuyến tuần tra, kiểm tra và giám sát hoạt động khai thác hải sản ngay từ quý I/2023. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Chi cục Thuỷ sản, các lực lượng liên quan triển khai ra quân các đợt cao điểm về IUU; thực hiện nhiệm vụ tuần tra chung giữa các lực lượng thực thi pháp luật thuỷ sản để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm IUU.
Ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư đánh giá, việc tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm IUU của lực lượng kiểm ngư năm 2022 đã có hiệu quả nhờ được triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Kịp thời xử lý các hành vi vi phạm như: thuyền trưởng, máy trưởng không có văn bằng hoặc chứng chỉ theo quy định, tàu cá không đánh dấu nhận biết tàu cá hoặc đánh dấu nhận biết tàu cá sai quy định, ghi không đầy đủ nhật ký khai thác thủy sản, tắt thiết bị VMS..., góp phần khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” IUU của Ủy ban châu Âu (EC).
Các đơn vị luôn đảm bảo duy trì lực lượng thường xuyên tuần tra, hiện diện tại các ngư trường trọng điểm, các vùng biển giáp ranh, chồng lấn giữa Việt Nam và các nước; Vịnh Bắc Bộ, Trường Sa và DK1, vùng biển Tây Nam bộ, vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và các nước Malaysia, Indonesia, Campuchia, Thái Lan để ngăn chặn kịp thời, góp phần hạn chế các tàu cá Việt Nam khai thác hải sản trái phép trên vùng biển nước ngoài. Đồng thời quan sát, phát hiện và xua đuổi nhiều lượt tàu nước ngoài, vi phạm vùng biển Việt Nam.
Sự phối hợp giữ kiểm ngư với các lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng và kiểm ngư địa phương được duy trì thường xuyên và triển khai đồng bộ, hiệu quả tại các ngư trường trọng điểm, các vùng biển giáp ranh, chồng lấn giữa Việt Nam, ông Nguyễn Phú Quốc cho biết.
Đến nay, cả nước đã có 8 tổ chức kiểm ngư địa phương được hình thành và đi vào hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm ngư tại các địa phương, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Các tổ chức kiểm ngư này cũng thực hiện các đợt tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản; qua đó đã kiểm tra, xử lý nhiều vụ vi phạm hành chính trên lĩnh vực khai thác thủy sản, góp phần bảo vệ nguồn lợi, môi trường sinh thái vùng ven bờ, vùng lộng của địa phương.
Theo Cục Kiểm ngư, qua tuần tra, kiểm tra xử lý vi phạm trên biển, nhận thấy tàu cá vi phạm chiếm tỷ lệ khoảng 20%. Các lỗi vi phạm chủ yếu như: không treo cờ Tổ quốc; không có Sổ danh bạ thuyền viên tàu cá; không có Nhật ký khai thác thủy sản; không có văn bằng hoặc chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng; không mang theo giấy tờ tùy thân. Một số lỗi vi phạm nghiêm trọng như: Không có Giấy phép Khai thác thủy sản; không có Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá; không trang bị thiết bị giám sát hành trình... Các địa phương như Kiên Giang, Quảng Ngãi có tàu vi phạm với nhiều lỗi nghiêm trọng.
Cùng với giám sát thực thi pháp luật, các đơn vị kiểm ngư địa phương cũng tiếp nhận, xử lý thông tin liên quan đến 170 vụ/175 tàu/899 người gặp các sự số trên biển.
Có nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên vùng biển Tây Nam Bộ - “điểm nóng” vẫn còn những hành vi vi phạm về khai thác IUU, ông Lê Văn Thư, Chi cục trưởng Kiểm ngư Vùng V cho biết, đơn vị cố gắng phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm, đặc biệt là trong thực thi pháp luật.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các đội tàu của Chi cục Kiểm ngư Vùng V tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn ngư dân thực hiện tốt các quy định của pháp luật về thủy sản, không khai thác hải sản trái phép trên vùng biển của nước ngoài; nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, góp phần phát triển nghề cá có trách nhiệm.
Theo ông Nguyễn Phú Quốc, năm 2023, Cục Kiểm ngư sẽ rà soát, ký lại quy chế phối hợp với các lực lượng như: Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quân, Công an để tăng cường tuần tra, kiểm tra và kiểm soát hoạt động khai thác trên biển, triển khai có hiệu quả ngăn chặn IUU, chấm dứt tàu cá Việt Nam khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Đồng thời, tổ chức ký quy chế phối hợp với các địa phương để nâng cao hiệu quả, tăng cường thực thi pháp luật, có sự phối hợp kiểm tra, xử lý giữa lực lượng của Trung ương và địa phương trên các vùng biển và tại các cảng cá.
Trần Mai
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận