Lý Sơn - tượng đài trong tim

15:36 12-11-2021

VBĐVN.vn - Với nhiều người Việt Nam, đảo Lý Sơn - nơi cha ông ngã xuống để cắm mốc chủ quyền vẫn luôn là tượng đài nằm sâu thẳm trong tim.

Từ cảng Sa Kỳ, chúng tôi đi tàu cao tốc mới đến được đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Khi tàu khởi hành, trong mỗi chúng tôi đều cảm thấy bồi hồi, háo hức, muốn nhanh chóng đặt chân đến đảo để được khám phá hết vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú, được nhìn thấy biển trời bao la, chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Đảo Lý Sơn nhìn từ trên cao

Nơi cha ông cắm mốc chủ quyền

Huyện đảo Lý Sơn nằm cách xa đất liền khoảng 15 hải lý, đời sống của cư dân ở đảo cũng như cơ sở hạ tầng trong những ngày đầu mới thành lập huyện rất khó khăn, thiếu thốn. Thế nhưng, sau hơn 20 năm, bằng nội lực sẵn có và quan tâm đầu tư của nhà nước, Lý Sơn đã có sự đổi mới, từng bước phát triển.

Huyện đảo này luôn tràn đầy sức sống, nơi có những không gian thoáng đãng, những trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí nhộn nhịp như cửa hàng, hàng quán cà phê, nhà hàng, khách sạn, chợ đêm…

Cột cờ Tổ quốc tại huyện đảo Lý Sơn được nhiều du khách đến tham quan, chụp ảnh

Đi một vòng quanh đảo, chúng tôi rất ngỡ ngàng khi được nhìn thấy những ngọn núi còn nguyên sinh, những di tích lịch sử và những cây đặc sản như hành, tỏi, dưa hấu. Ngoài ra, Lý Sơn còn có những tảng đá lớn, những bãi san hô tuyệt đẹp.

Trước khi ra Lý Sơn, tôi được nghe kể rằng nơi đây để lại nhiều dấu tích lịch sử, đánh dấu người Việt đặt chân lên hòn đảo này, cắm mốc chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Chủ quyền ấy được viết bằng mồ hôi, xương máu và cả sinh mạng của nhiều thế hệ trai tráng trong những chuyến đi biển không bao giờ trở về.

Trong "Phủ biên tạp lục" của Lê Quý Đôn soạn năm 1776, theo bản dịch của Viện Sử học, có đoạn: "Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người ở xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, cùng do đội Hoàng Sa cai quản". Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải ra đời từ đó.

Để rõ hơn, chúng tôi tìm đến Nhà lưu niệm đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Bước chân vào nhà lưu niệm, hiện ra trước mắt chúng tôi rất nhiều hình ảnh và hiện vật được phục dựng tái hiện cuộc sống, sinh hoạt của đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải với các hiện vật như xơ đay (dùng để sửa chữa khi tàu thuyền bị hỏng), lu đựng nước, thẻ tre, dây mây, chiếu cói…

Đặc biệt, nhà lưu niệm trưng bày rất nhiều bản đồ, tài liệu lịch sử, tranh ảnh liên quan. Trong bản đồ "Nam Việt" - sách "Đại Nam thống nhất toàn đồ", biên soạn vào thế kỷ XIX, có ghi rõ quần đảo Hoàng Sa và vạn lý Hoàng Sa. Đây là những tư liệu quý và bằng chứng để khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

Hòn đảo của du lịch

Lý Sơn không chỉ là hòn đảo của lịch sử, vì có cụm di tích về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa như Đình làng An Vĩnh, Âm Linh Tự (nơi thờ cúng oan hồn, cô hồn và phối thờ tử sĩ Hoàng Sa - Trường Sa), cùng Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa đã tồn tại hàng trăm năm qua trên đất đảo. Đình làng An Vĩnh và Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa nay đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Mà đó còn là đảo của du lịch, có rất nhiều danh lam thắng cảnh đẹp làm say đắm bao người.

Từ cầu cảng chính đi vào cổng chào của Lý Sơn, rẽ trái đi men theo con đường nhỏ đến gần chùa Đục sẽ thấy một mỏm đá nhỏ nằm sát dưới biển đó là Cổng Tò Vò. Khung cảnh ở đây còn khá hoang sơ nhưng mang một vẻ đẹp rất thơ mộng, quyến rũ hút hồn du khách.

Nằm ở thôn Đông, xã An Hải dưới chân núi Thới Lới, Hang Câu có một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, giữa một bên là biển, một bên là núi. Hang Câu được sóng và gió biển bào mòn, "khoét sâu" vào lòng núi và hình thành cách nay hàng ngàn năm từ nham thạch.

Hiện vật trưng bày tại Nhà lưu niệm đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải

Để có tầm nhìn rộng hơn, bao quát toàn bộ đảo Lý Sơn, chúng tôi trèo lên ngọn núi Thới Lới. Từ đây nhìn ra xa là biển cả bao la, đảo Lý Sơn hiện lên giữa muôn trùng sóng biếc. Nhìn về hướng Tây, được ngắm những thửa ruộng hình vuông, trồng hành, tỏi, trông thật bắt mắt. Khi lên đến đây, đứng bên cột cờ Tổ quốc cao vút trên ngọn Thới Lới nhìn ra biển xa, trong tâm tưởng chúng tôi như nhìn thấy đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải Hoàng Sa năm xưa.

Sau những ngày tham quan một vòng quanh đảo, những bước chân không biết mệt mỏi vẫn muốn lôi kéo chúng tôi đi mãi, đi mãi để khám phá hết những vẻ đẹp kỳ diệu mà thiên nhiên đã ban tặng cho mảnh đất này. Rời Lý Sơn, ấn tượng đặc biệt trong tôi là hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh Thới Lới. Và với nhiều người Việt Nam, đảo Lý Sơn, nơi cha ông ngã xuống để cắm mốc chủ quyền, vẫn luôn là tượng đài nằm sâu thẳm trong tim.

Theo hoinhap.vietnam.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang