Nghề hái rong biển ở Quảng Bình

14:15 12-03-2022

VBĐVn.vn - Cùng với hải sản, các loại rong biển và thủy sinh khác nhờ rạn san hô mà sinh sôi. Từ đó, người dân bên mái đèo Ngang của tỉnh Quảng Bình có thêm nghề mới và duy nhất: Nghề hái rong biển.

Các loại rong biển ở vịnh Hòn La được phụ nữ Quảng Đông khai thác để bán cho thương lái.

Mùa rong biển

Nằm ở phía bắc Quảng Bình, tiếp giáp với Hà Tĩnh, vùng biển Hòn La không chỉ được biết đến là vùng biển nước sâu, kín gió thuận lợi cho việc phát triển cảng biển mà còn là nơi có nhiều loài hải sản giá trị sinh sống.

Đang vào mùa rong biển nên nhiều người dân ở xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch rủ nhau ra những ghềnh đá ở quanh vịnh Hòn La để hái rong biển. Anh Đinh Văn Dũng ở thôn Vịnh Sơn cho biết, ở vịnh Hòn La, rong biển thường mọc bên những ghềnh đá nằm sát chân sóng và chỉ xuất hiện sau những trận mưa lớn đầu tháng 10 âm lịch năm trước và kéo dài đến hết tháng Giêng năm sau. Mùa rong biển thường trùng với thời điểm biển động, ngư dân nhàn cư nên rủ nhau đi hái “lộc biển”. Rong ở vùng biển này có hai loài chính là rong mứt mọc trên những tảng đá và rong đỏ mọc ở chân ghềnh đá, nơi tiếp xúc với sóng biển. Việc lấy rong đỏ khó khăn và nguy hiểm hơn khi vừa bám vào từng phiến đá trơn nhẫy vừa phải né từng cơn sóng dữ đập mạnh vào bờ đá. Vì thế, công việc này thường là của những ngư phủ có sức khỏe và nhanh nhẹn.

Anh Dũng kể: “Trên mỏm đá trồi lên phía trước vịnh Hòn La, giữa những cơn sóng lớn, có khi người đi lấy rong biển phải một tay bám chặt vào kẽ đá rồi trườn mình qua phiến đá sát xuống mép nước để cạo rong. Có những đợt sóng lớn chồm lên hất người bật ra khỏi phiến đá. Kỳ lạ là tại những nơi sóng đánh mạnh, đá càng trơn, càng chênh vênh thì loại rong này mọc càng nhiều. Thường thì người đi lấy rong phải đi từ sáng sớm khi thủy triều xuống để lấy rong ở các mỏm đá chìm sâu dưới nước để rồi khi nước lên thì chuyển dần sang các phiến đá cao hơn. Trầm mình dưới nước thời gian dài nên đôi bàn tay ai cũng nhăn nheo, đỏ lựng và chi chít vết xước của đá”.

Không đủ sức khỏe, kinh nghiệm đương đầu với sóng biển để khai thác rong đỏ như cánh đàn ông, những người phụ nữ ở xã Quảng Đông chọn khai thác loài rong mứt khi dùng miếng kim loại cán mỏng, hình tròn, lớn hơn vỏ nghêu để cạo rong mứt ra khỏi mép đá. Chị Nguyễn Thị Đào ở thôn Vịnh Sơn chia sẻ, giữa mùa biển động, sáng nào chị cùng với những phụ nữ trong xóm thức dậy thật sớm, chuẩn bị đầy đủ đồ nghề, ra các ghềnh đá trong vịnh Hòn La khi nước triều vừa rút để khai thác rong mứt. Tỉ mẩn cạo rong trên từng tảng đá, đến giữa buổi trưa thì các chị tiến dần vào các tảng đá nằm gần bờ cạo rong khô. Là công việc quen thuộc nên chị Đào cạo rong rất nhanh, cứ 20 phút, chị dừng cạo để lượm rong mầu đỏ sẫm vào chiếc rá, sau đó rửa sạch cho vào chiếc bao bên cạnh.

“Lộc biển”

Đối với ngư dân xã Quảng Đông, mùa rong biển chỉ kéo dài khoảng bốn tháng nhưng đã mang về cho họ một nguồn thu nhập đáng kể. Bà con xem đây là một “mùa” thu hoạch khá đặc biệt của biển bởi thời gian khai thác ngắn nhưng giá bán rong lại cao nên hồ hởi đón nhận, dù nghề không ít nhọc nhằn và tiềm ẩn sự hiểm nguy bên triền đá nhọn và sóng dữ.

Sau gần một ngày bám mình trên những ghềnh đá ở Hòn La, nhóm của anh Dũng gồm năm người đã khai thác được hơn 20 kg rong đỏ. Với giá 1 kg rong đỏ là 250 nghìn đồng, nhóm có thu nhập 5 triệu đồng, như vậy, mỗi người có 1 triệu đồng. “Rong mứt bám vào đá nên ít hơn, chứ không nhiều như rong đỏ. Vì vậy, đi cạo rong mứt đòi hỏi phải kiên trì. Trung bình mỗi ngày cần mẫn, mỗi người cũng chỉ kiếm được từ 2 đến 3 kg. Rong mứt hiện có giá 150 - 200 nghìn đồng/kg nên chúng tôi cũng kiếm được khoảng 300 - 400 nghìn đồng/ngày”, chị Đào nói.

Ông Nguyễn Đức Hiền, Chủ tịch UBND xã Quảng Đông cho biết, nghề lấy rong biển hằng năm diễn ra trong thời gian khoảng bốn tháng lại đúng vào thời điểm ngư dân tạm nghỉ vì những ngày biển động nên thu hút được nhiều người dân trên địa bàn tham gia. Rong biển, đặc biệt là rong đỏ ở vùng biển Quảng Đông có tác dụng bổ dưỡng cho cơ thể nên bán với giá khá cao và số lượng bao nhiêu cũng được mua hết. Thế nên, dù vất vả và nguy hiểm nhưng cứ đến mùa biển động là người dân Quảng Đông lại kéo nhau ra các ghềnh đá trước vịnh Hòn La để săn “lộc biển” và mang về một khoản thu khá. Tuy nhiên, đây cũng là một nghề nguy hiểm trong mùa biển động nên chính quyền địa phương thường xuyên khuyến cáo người dân cần có đủ các trang bị an toàn như áo phao, đai bảo hộ và phải hết sức cẩn thận khi đi lấy rong biển.

Ở vịnh Hòn La, nếu mùa đông có rong mứt và rong đỏ mọc trên đá thì mùa hè cũng có loài rong mọc trên rạn san hô mà muốn khai thác phải lặn xuống biển. Một người lặn xuống dùng dao, liềm cắt ngang thân cây rong. Những chỗ tốt, cây rong có thể dài đến cả mét. Cắt xong rong nổi lên khỏi mặt nước. Người trên thuyền vớt rong lên và chở vào bãi biển phơi khô để bán cho thương lái với giá không hề rẻ - (Ông Nguyễn Đức Hiền, Chủ tịch UBND xã Quảng Đông)

Theo nhandan.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang