Kỷ niệm 60 năm ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961/23-10-2021)

“Nghĩa người xưa, chúng tôi xin tiếp nối...”

16:43 19-10-2021

VBĐVN.vn - Hơn 53 năm trước (đêm 29-2, rạng sáng 1-3-1968), 20 cán bộ, chiến sĩ Tàu C235 do Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh chỉ huy đã anh dũng chiến đấu đến viên đạn cuối cùng trong trận cảm tử ở bến Hòn Hèo (xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa). 14 người trong số họ đã vĩnh viễn nằm lại dưới lòng đất mẹ. Nơi đây có một người phụ nữ không chỉ cưu mang, chăm sóc các chiến sĩ còn sống mà sau này, bà còn làm được một điều hết sức ý nghĩa để tri ân các thủy thủ tàu Không số đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc.

Vượt núi băng rừng tìm đồng đội

Bà Phạm Thị Hường (Tư Hường) quê ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa lúc đó chỉ ở độ tuổi 20 chính là nữ y tá duy nhất đã cùng đồng đội vượt núi băng rừng cả tuần liền để tìm kiếm, chăm sóc và nuôi dưỡng các thủy thủ Tàu C235 còn sống trong trận chiến đấu ác liệt rạng sáng 1-3-1968.

Thời điểm xảy ra trận chiến đấu cảm tử của Tàu C235, bà Phạm Thị Hường vừa là y tá, vừa là nuôi quân ở Đội Trinh sát đặc nhiệm (mật danh HB19), đóng tại Hòn Hèo. Đội có nhiệm vụ liên lạc, hướng dẫn, đón các tàu Không số của ta cập bến K67 (Ninh Vân, Ninh Hòa, Khánh Hòa) - một trong những địa điểm tập kết vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam.

Bà Tư Hường cùng các cựu chiến binh bên bàn thờ liệt sĩ tại nhà tưởng niệm Tàu C235. Ảnh: Gia đình cung cấp

Mặc dù năm nay đã 75 tuổi nhưng ký ức về những ngày đối mặt với lằn ranh sống - chết đi tìm các thủy thủ còn sống trận cảm tử ấy vẫn hiện rõ mồn một trong trí nhớ của bà. Bà Hường kể:

Đêm 29-2-1968, chúng tôi thấy dưới biển có pháo sáng bắn lên, rồi nhiều tiếng súng nổ. Rạng sáng có một tiếng nổ rất lớn. Khoảng 15 phút sau, trực thăng địch vần vũ trên đầu, đạn pháo từ ngoài biển bắn vào Hòn Hèo tới tấp như mưa. Với kinh nghiệm sẵn có, chúng tôi biết địch sắp đổ bộ khu vực này vì trước lúc đổ bộ, sẽ có hỏa lực của chúng bắn dọn bãi. Do lực lượng mỏng, đơn vị phải phân tán vào rừng để bảo toàn lực lượng, nhất là máy móc thông tin, vì đó là phương tiện duy nhất liên lạc giữa tàu và du kích để bốc dỡ VKTB khi cập bến. Lúc đó, đơn vị tôi được giao nhiệm vụ tiếp nhận hàng nhưng thời điểm Tàu C235 vào, địch công kích liên tục vào bến nên không tài nào liên lạc được. Chúng đổ bộ xuống, càn quét, đốt sạch cả trạm y tế. Trong khi chạy càn, tôi bị lạc 2 ngày đêm mới về được đơn vị và bắt đầu đi tìm các anh.

Chờ địch rút hẳn, tôi cùng đồng đội chia nhau tìm các thủy thủ. Đơn vị phân công mỗi người chốt giữ trên từng đoạn đường mòn len lỏi trong rừng rậm và dự đoán các anh sẽ theo những lối mòn ấy để tìm cách liên lạc với du kích.

Sau gần 10 ngày tìm kiếm, lần theo từng khe suối, đường mòn, lối nhỏ trong rừng sâu, núi đá trùng điệp, có lúc gần như tuyệt vọng bởi không một dấu hiệu nào cho thấy sự hiện diện của các thủy thủ. Nếu còn sống, sao các anh không lần tìm theo những con đường mòn? Hay các anh đã hy sinh tất cả, hay các anh đã bị địch bắt trong trận càn vừa qua?… Bao nhiêu câu hỏi cứ văng vẳng trong đầu tôi. Chưa hết hy vọng, mọi người trong đội vẫn kiên trì tìm kiếm và quả thực, trời chẳng phụ lòng người, phải đến 10 ngày sau, chúng tôi mới tìm thấy 5 thủy thủ còn sống nhưng đã kiệt sức, đó là các anh: Nguyễn Duy Phong, Lê Duy Mai, Vũ Long An, Lâm Quang Tuyến và Hà Minh Thật.

Thật diệu kì, các anh đã sống sót sau 13 ngày đêm chống chọi với sự truy lùng gắt gao của địch và những cơn đói, cơn khát nơi thâm sơn cùng cốc. Sau này tôi mới biết, ngoài 5 thủy thủ trên, còn có chiến sĩ lái tàu Mai Văn Khung bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng anh chỉ nhận là chiến sĩ mới đến bổ sung cho một đơn vị của ta hoạt động trên địa bàn. Anh bị đưa ra giam ở đảo Phú Quốc, được trao trả sau Hiệp định Paris năm 1973, sau đó chuyển công tác trở lại đơn vị cũ trước nhập ngũ là Công ty Vận tải biển ở Hải Phòng, làm việc rồi về hưu ở đó.

Lại nói về những thủy thủ còn sống. Sau khi gặp được 5 người, tôi đưa các anh về khu vực lán trại đã bị địch đốt sạch sau trận càn. Chẳng còn gì để ăn, vì thế bộ phận bến phân công tôi đi đào củ mài để bồi dưỡng cho anh em. Mấy anh em ngủ rừng, không có mùng, đêm muỗi đốt nhiều, đập không xuể. Thấy thế, tôi bèn đi lượm chiến lợi phẩm thu được của địch - những chiếc dù pháo sáng rơi rải rác ven bến, khâu cho mỗi người một cái bao, vừa đủ chui vào ngủ tránh muỗi. Thời gian trôi đi, vết thương các anh đã lành lại. Ngày các anh đi nhận nhiệm vụ mới rồi cũng đến.

Hôm chia tay các anh, tôi chẳng nói nên lời. Chúng tôi đã tìm thấy nhau, đã cùng nhau chia ngọt sẻ bùi trong quãng thời gian ngắn ngủi, chiến tranh ngày càng ác liệt. Ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh nên chúng tôi chẳng muốn chia xa chút nào. Vì nhiệm vụ, vì hòa bình cho quê hương, đất nước mà chúng tôi lại phải xa nhau.

Các thủy thủ tàu Không số cảm ơn chúng tôi đã chia sẻ những khó khăn, gian khổ trong thời gian ngắn ngủi lưu lại nơi đây. Trước lúc rời đi, một trong số các anh gọi với lại: “Hường ơi, tụi anh xin em cái bao ngủ này để làm kỉ niệm, sau này tụi anh sẽ cho vào bảo tàng”. Tự dưng tôi bật khóc, bao nhiêu cảm xúc tưởng đã kìm nén được, nay bỗng vỡ òa, thương các anh quá... Kể đến đây, bà Hường nước mắt giàn giụa: “Thế là sau thời gian điều trị và phục hồi sức khỏe, các anh lại vượt núi, băng qua đại ngàn Trường Sơn, trở lại miền Bắc tiếp tục nhận nhiệm vụ mới”.

Xây nhà tưởng niệm các thủy thủ đã hy sinh

Sau ngày thống nhất đất nước, các thủy thủ còn sống trên con tàu Không số năm ấy hành trình về chiến trường xưa đã tìm bằng được bà Tư Hường để ôn lại những năm tháng không thể nào quên. Tháng 10-2011, bà Hường vinh dự được Bộ Tư lệnh Hải quân mời ra Hải Phòng gặp mặt các cựu chiến binh tàu Không số nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành mở Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Vợ chồng bà Tư Hường dự gặp mặt kỷ niệm 57 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển tại Hải Phòng (tháng 10-2018).

Tưởng nhớ tinh thần chiến đấu và sự hy sinh anh dũng của các cán bộ, chiến sĩ Tàu C235, năm 1993, Lữ đoàn 125 Hải quân đã cùng chính quyền địa phương xây dựng bia tưởng niệm 14 cán bộ, chiến sĩ tại mũi Bà Nam (xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa). UBND tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng địa điểm lưu niệm Tàu C235. Ngày 26-4-2014, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành quyết định xếp hạng địa điểm lưu niệm Tàu C235 là Di tích lịch sử quốc gia.

14 cán bộ, chiến sĩ Tàu C235 cũng như bao liệt sĩ khác đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, tri ân đến từng gia đình. Tuy vậy, bà Tư Hường vẫn đau đáu trong lòng về anh linh của những người lính biển đã hy sinh trên mảnh đất quê hương mình. Quê hương ngày càng giàu đẹp, xanh tươi, cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc nhưng mỗi lần đến Ngày Thương binh, liệt sĩ 27-7, mỗi khi thắp nén nhang cho các thủy thủ, bà lại không kìm được những giọt nước mắt. Bao nhiêu kí ức ngày xưa hiện về, có những lúc bà ngồi thẫn thờ hàng tiếng đồng hồ, mắt dõi về hướng chiến trường xưa - nơi cả tuổi thanh xuân của bà từng gắn bó với đồng đội, với thủy thủ những con tàu Không số, nơi mà bà chỉ cần 15 phút xe máy là có thể đến với các anh… Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, chiến công của các anh đã tô thắm, làm rạng rỡ thêm quê hương Ninh Hòa.

Bà nhận thấy, mình cần phải làm một cái gì đó để tri ân các thủy thủ. Và rồi, bà nảy ra ý tưởng xây hẳn một nhà thờ trong khuôn viên Nhà tưởng niệm các liệt sĩ tàu Không số tại phường Ninh Thủy (thị xã Ninh Hòa) để làm nơi thờ phụng các anh. Được sự ủng hộ của chính quyền các cấp, bà bắt tay vào việc ngay.

Gia đình bà nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể… từ bao xi măng, viên gạch đến cây xanh ghế đá… Cuối cùng, một nhà thờ khang trang đã được xây dựng trong khuôn viên khu tưởng niệm. Năm 2016, Khu tưởng niệm Tàu C235 được khánh thành và đưa vào hoạt động. Từ đó đến nay, nơi đây trở thành điểm thăm viếng của đông đảo người dân, du khách gần xa.

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7-1947/27-7-2017), ngày giỗ đặc biệt đã diễn ra tại Khu tưởng niệm Tàu C235 phường Ninh Thủy. Gần 200 cán bộ, cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ đã về đây dự lễ. Đặc biệt, 4 cựu chiến binh tàu Không số C235 và thân nhân liệt sĩ của tàu không kìm được xúc động khi đến nhà thờ và lắng nghe tâm niệm của vợ chồng bà Tư Hường: "Chúng tôi còn, nguyện góp sức chung lưng/ Nghĩa khí người xưa, chúng tôi xin tiếp nối/ Để góp phần xây dựng đất nước mạnh giàu/ Tiếp tục giáo dục cho con cháu mai sau, kế tiếp nên người/ Giữ cho Tổ quốc trường tồn mãi mãi...".

Năm nào cũng vậy, ngoài việc làm giỗ chung cho các anh tại nơi thờ tự thì đến ngày 1/3 hằng năm, vợ chồng bà Tư Hường còn tổ chức đám giỗ cho các anh ngay tại xã Ninh Vân - nơi xảy ra trận chiến lịch sử của Tàu C235.

Theo baohaiquanvietnam.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang