“Ngọn hải đăng” dẫn lối vấn đề Biển Đông

17:49 02-08-2021

VBĐVN.vn - Xuyên suốt nhiều năm qua, cộng đồng quốc tế luôn khẳng định rằng, Biển Đông là tuyến hàng hải đặc biệt quan trọng của thế giới với 25% khối lượng hàng hóa toàn cầu được vận chuyển qua tuyến đường biển này. Chính vì vậy, việc đảm bảo trật tự, hòa bình, ổn định trên Biển Đông cũng là mối quan tâm hàng đầu trên bàn nghị sự quốc tế, cũng như đòi hỏi nỗ lực chung toàn cầu để tạo dựng một môi trường thịnh vượng bền vững, bảo đàm hài hòa lợi ích chung.

Các cán bộ chiến sĩ Vùng 2 Hải quân cùng các nhà báo, phóng viên trên tàu Trường Sa 19 vẫy chào cán bộ chiến sĩ trên Nhà giàn Dk1/15 (tháng 1-2019). Ảnh: TTXVN

Chuẩn mực quốc tế

Vừa qua, vấn đề Biển Đông tiếp tục được tái khẳng định tại Hội thảo quốc tế “Luật Hàng hải quốc tế ở Biển Đông: Triển vọng thực thi và giải pháp” được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại Ukraine. Hàng chục chuyên gia, học giả quốc tế từ nhiều quốc gia khác nhau cùng chung khẳng định rằng, với những vai trò quan trọng của Biển Đông, mọi tranh chấp đều cần thiết phải được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) năm 2016.

Tại hội thảo, Tiến sĩ, luật sư quốc tế Gennady Dubov khẳng định, UNCLOS có giá trị ràng buộc đối với tất cả quốc gia thành viên. Nhà khoa học chính trị quốc tế Vladimir Volya cho rằng, có thể thực hiện được một giải pháp pháp lý quốc tế cho vấn đề Biển Đông. Đặc biệt là hiện nay đã có Nhóm công tác chung về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) và Nhóm bạn bè của UNCLOS. Trong đó, COC cần thiết sớm được thông qua, phù hợp với lợi ích của tất cả các bên liên quan. Đây cũng là quan điểm chung được tất cả các chuyên gia, học giả quốc tế trong lĩnh vực luật biển quốc tế nhấn mạnh.

Nhấn mạnh về UNCLOS, giới chuyên gia, học giả quốc tế đánh giá, sự ra đời của Công ước này là quá trình xây dựng trật tự quốc tế trên cơ sở luật pháp. Đây cũng là văn bản pháp lý quan trọng để xác định các vấn đề liên quan tới chủ quyền, lãnh hải và quyền, nghĩa vụ của một quốc gia hàng hải. UNCLOS là cơ sở pháp lý để các quốc gia ven biển hoạch định chính sách biển và xây dựng các văn bản pháp luật tương ứng.

Trong báo cáo chuyên đề “Tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông: Có hay không ánh sáng cuối đường hầm, hoặc triển vọng giải quyết xung đột” vừa được Trung tâm nghiên cứu quốc tế và châu Âu thuộc Trường Kinh tế Cao cấp của Nga (HSE) công bố trong tháng này, hai tác giả gồm Tiến sỹ Alexander Korolev và Tiến sỹ Irina Strelnikova khẳng định, phán quyết năm 2016 của PCA có ý nghĩa lớn trong tiến trình pháp lý ở Biển Đông.

Cụ thể, phán quyết này đưa ra dựa trên các chuẩn mực và nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đồng thời khẳng định tính cần thiết của việc tuân thủ các quy tắc và nguyên tắc trong khu vực tranh chấp trên cơ sở UNCLOS.

Theo chuyên gia Sergei Tolstov - Giám đốc Viện phân tích chính trị và nghiên cứu quốc tế có trụ sở tại Ukraine, phán quyết của PCA đã có tác động quan trọng, giúp kiềm chế những bất ổn và từng bước thiết lập trở lại trật tự trên Biển Đông.

Nhìn nhận về ý nghĩa của luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, chuyên gia Sergei Tolstov cho rằng, những hành động đơn phương không tuân thủ luật pháp đã gây ra tình trạng bất ổn về an ninh. Vì vậy, điều quan trọng nhất trong vấn đề Biển Đông hiện nay là các bên phải chấp hành nguyên tắc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, tự nguyện tuân thủ UNCLOS và phán quyết của PCA.

Vai trò cốt lõi

Trước những diễn biến trên Biển Đông thời gian gần đây, giới học giả quốc tế đánh giá, một số nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có sự tích cực được quốc tế đánh giá rất cao, nhất là trong việc đưa ra các sáng kiến nhằm giải quyết tranh chấp, nêu cao tinh thần đoàn kết, một lòng và vai trò trung tâm của ASEAN trong đảm bảo an ninh khu vực.

Đáng chú ý, giới chuyên gia quốc tế đều khẳng định rằng, lập trường của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông lâu nay luôn mang tính xây dựng, góp phần duy trì hòa bình và phát triển và đặc biệt là xuất phát từ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

Tàu thuyền của ngư dân Việt Nam trên Biển Đông. Ảnh: TTXVN

Điều quan trọng hơn hết, ASEAN đóng vai trò tiên phong và cốt lõi trong vấn đề Biển Đông. Trên thực tế, xuyên suốt 3 thập kỷ vừa qua, ASEAN đã chứng minh mình là nhân tố chính để duy trì hòa bình và trật tự trên Biển Đông. Cộng đồng quốc tế đều khẳng định rằng, ASEAN đạt được nhiều thành công và khẳng định rõ nét khả năng thực thi các sáng kiến chính sách một cách rất hiệu quả, đóng góp quan trọng nhất để duy trì hòa bình, trật tự.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực luật biển cho rằng, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước ASEAN cần xây dựng tuyên bố chủ quyền của mình đối với Biển Đông, đáp ứng việc tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS, phù hợp với phán quyết PCA. Cùng với đó, vai trò ASEAN cần phải được đề cao hơn nữa trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông. Liên quan tới việc đảm bảo các nguồn lực của Biển Đông được sử dụng cho lợi ích của các quốc gia thành viên ASEAN, giải pháp tốt nhất hiện nay là các nước ASEAN cần đi đến một thỏa thuận chính trị, quân sự và kinh tế vững chắc, cùng đầu tư bảo vệ khu vực vì lợi ích của tất cả các quốc gia.

Cũng theo giới học giả quốc tế, để kiềm chế và ngăn chặn các hoạt động quân sự diễn biến phức tạp trên Biển Đông, hành động tập thể của ASEAN với sự thống nhất, đoàn kết là điều rất quan trọng, mang tính quyết định. Bởi lẽ, với vai trò trung tâm của ASEAEN và các nước thành viên trong việc giải quyết các vấn đề ở Biển Đông, các quốc gia ngoài khu vực phải tôn trọng các cơ chế hợp tác đa phương do ASEAN dẫn dắt.

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang