Nhân rộng mô hình “Tổ tự quản tàu thuyền an toàn” trên biển
VBĐVN.vn - Mô hình “Tổ tự quản tàu thuyền an toàn” ở Cửa Việt đã duy trì được hơn chục năm nay. Đây là mô hình gắn bó giữa Bộ đội Biên phòng và ngư dân, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo quốc gia. Mô hình này rất cần được nhân rộng.
Ở tuổi 72 và tràn đầy kinh nghiệm với thâm niên hơn 50 năm đi biển, ông Bùi Đình Sành rất tâm đắc với mô hình “Tổ tự quản tàu thuyền an toàn” của khu phố nơi mình sinh sống - khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.
Ông Bùi Đình Sành cho biết, cách đây hơn chục năm, trước khi Tổ được thành lập, ngư dân mạnh ai nấy đi; thông tin tọa độ được các chủ tàu giữ bí mật tuyệt đối vì không muốn chia sẻ nguồn lợi.
Tuy nhiên, nguồn lợi hải sản gần bờ dần cạn kiệt, thêm nữa là người tiêu dùng yêu cầu chất lượng sản phẩm ngày càng cao hơn, đòi hỏi ngư dân phải vươn khơi đánh bắt xa bờ để tìm cho được cá to, cá quý. Muốn ra khơi xa, ngư dân phải đầu tư tàu thuyền to, hiện đại. Song dẫu có đầu tư hiện đại đến đâu thì theo thời gian, tàu thuyền rồi cũng phải cũ, phải trục trặc máy móc. Đơn thương độc mã trên biển dễ bị tàu lạ dọa nạt, lại còn phải đối mặt với biết bao hiểm nguy lúc xoay xở chống bão, với biển động mạnh khi gió to, sóng lớn. Bởi vậy, lối làm ăn đơn lẻ đã không còn phù hợp nữa, đòi hỏi ngư dân phải bỏ tư tưởng ích kỷ, mạnh ai nấy làm mà liên kết để cùng đánh bắt và bảo vệ nhau trước những hiểm nguy trên biển xa.
Từ những suy nghĩ như vây, năm 2009, “Ban Tự quản tàu thuyền”, nay là “Tổ tự quản tàu thuyền an toàn” được thành lập ở 6 tổ dân phố trong thị trấn Cửa Việt. Nhiệm vụ của các Tổ tự quản là vừa đánh bắt hải sản trong vùng biển thuộc chủ quyền đất nước, vừa cung cấp thông tin cho Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Cửa Việt và bất cứ đồn biên phòng nào gần khu vực đang đánh bắt nhất về tình hình trên biển, nhất là tình trạng tàu lạ xâm phạm trái phép hải phận Việt Nam.
Ngoài ra, các Tổ tự quản tàu thuyền an toàn còn hỗ trợ lực lượng Biên phòng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ các tàu thuyền khác gặp nạn trên biển trong trường hợp ở gần các tàu thuyền đó nhất.
Ông Sành vẫn nhớ như in năm 2010, Tổ nhận được tin báo về việc có một tàu chở hàng từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hải Phòng đi ngang qua khu vực Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Cửa Việt quản lý thì hết nhiên liệu, trôi tự do trong điều kiện gió lớn cấp 6, cấp 7. Lắc lư 3 ngày trong điều kiện sóng to, gió lớn, nhiều thuyền viên say sóng, sức khỏe suy giảm mạnh.
Ngay sau khi nhận được thông tin, 5 thuyền viên dày dặn kinh nghiệm trong Tổ tự quản và 4 chiến sĩ Biên phòng đã lập tức lên thuyền, chở theo hai tấn dầu, 2 tạ gạo để ứng cứu 10 thuyền viên của chiếc tàu gặp nạn. Với kinh nghiệm của người chiến sĩ Hải quân từng tham gia Đoàn tàu không số vận chuyển lương thực, vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam, ông Sành đã chỉ huy lai dắt tàu gặp nạn cập bờ thành công.
Năm năm trở lại đây, “Tổ tự quản tàu thuyền an toàn” khu phố 5 của ông Sành đã cứu được 36 người gặp nạn và cung cấp rất nhiều thông tin giá trị về tình hình trên biển cho lực lượng Biên phòng.
Trung tá Nguyễn Duy Phương, Đồn phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Cửa Việt đánh giá, tin tức do ngư dân báo rất quan trọng, giúp Đồn phân tích, đánh giá đúng tình hình trên biển. Ví dụ nếu ngư dân ta phát hiện tàu lạ đi rải lưới mà có tàu Hải quân đằng sau hoặc ngư dân tàu lạ ăn mặc giống hệt nhau, lại có vũ khí thì phải hết sức cảnh giác. Từ tin tức của bà con báo về, Đồn báo cáo kịp thời với Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy báo cáo tiếp lên Bộ Tư lệnh, Bộ Quốc phòng để có phương án xử lý phù hợp.
Thiếu tá Lưu Văn Sơn, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Cửa Việt cho biết, toàn huyện Gio Linh đã thành lập được 13 “Tổ tự quản tàu thuyền an toàn”, với 352 tàu thuyền và trên 800 thuyền viên tham gia.
Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Cửa Việt đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức phòng chống dịch cho nhân dân, nhất là ngư dân hoạt động trên các vùng biển với nhiều hình thức như: Phát 6.000 tờ rơi các loại; xây dựng Bản tin nhanh phòng chống dịch Covid-19 tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh địa phương hoặc loa tuyên truyền di động 14 lượt/tuần; phát động phong trào “Toàn dân tham gia phòng chống Covid-19”; triển khai 10 hòm thư tố giác tội phạm xuất nhập cảnh trái phép; duy trì tổ, chốt kiểm soát phòng chống dịch tại các cửa lạch, khu vực cửa khẩu và cảng cá trên địa bàn…
Đồn cũng đã kêu gọi, thông báo 845 lượt tàu thuyền với 7.820 thuyền viên vào tránh, trú bão đảm bảo an toàn; tham gia cứu hộ, cứu nạn 6 tàu thuyền với 57 thuyền viên và ngư dân…
Trung tá Nguyễn Duy Phương cho biết thêm, địa bàn Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Cửa Việt quản lý hiện có gần 4.400 hộ, 18 nghìn khẩu. Khu vực này có tới 179 tàu cá trung, xa bờ, chiếm 3/4 lượng tàu cá trung, xa bờ của tỉnh Quảng Trị. Mỗi năm, giá trị kinh tế do các tàu cá trên địa bàn thị trấn làm ra lớn hơn rất nhiều giá trị sản xuất của các xã thuần nông trong nội địa. Vì thế, trách nhiệm của Đồn là thường xuyên tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực được giao phụ trách nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.
Đồn cũng duy trì hệ thống thông tin liên lạc trực 24/24h để cung cấp thông tin diễn biến thời tiết, tình hình dịch bệnh cho ngư dân. Đồng thời tiếp nhận các thông tin về tàu, thuyền gặp sự cố như: bị chết máy, thả trôi dòng, gạo sắp hết, điện sắp mất, trên thuyền có người ốm… để kịp thời thông báo cho tàu, thuyền gần nhất tới giúp đỡ.
Đến nay, mô hình “Tổ tự quản tàu thuyền an toàn” ở Cửa Việt đã duy trì được hơn chục năm và hiện được nhân rộng ra toàn huyện Gio Linh. Đó là mô hình mà mối quan hệ quân - dân gắn bó giữa Bộ đội Biên phòng và ngư dân, thể hiện rõ nét nhất trong một mục tiêu chung là vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo quốc gia.
Còn nhớ, ngày 10-4-1956, khi nói chuyện tại Hội nghị cán bộ cải cách miền biển, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không? Kẻ gian tế nó sẽ vào chỗ nào trước? Nó vào ở cửa trước. Vì vậy ta phải giáo dục cho đồng bào biết bảo vệ bờ biển. Vì bọn địch thường thả bọn mật thám, gián điệp vào tìm chỗ nấp ở miền biển. Nếu để nó lọt vào, thì người bị thiệt hại trước là đồng bào miền biển. Nếu mình không lo bảo vệ miền biển, thì đánh cá, làm muối cũng không yên. Cho nên một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển. Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc”.
Nhớ lời Bác dạy, nên ông Bùi Đình Sành khẳng định: “Chúng tôi luôn ý thức sâu sắc về quyền, nghĩa vụ của mỗi người công dân là phải tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Nếu không bảo vệ được chủ quyền quốc gia trên biển thì mình cũng chẳng có ngư trường mà đánh bắt hải sản”.
Tin tưởng với cách làm hiệu quả như hiện nay, mô hình “Tổ tự quản tàu thuyền an toàn” ở Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị sẽ góp phần đắc lực vừa thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, bảo đảm an ninh, an toàn cho ngư dân đi biển, vừa giúp các lực lượng chức năng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo quốc gia. Thiết nghĩ, mô hình này nên nhân rộng đối với nhiều địa phương ven biển khác của cả nước.
Theo dangcongsan.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận