“Nhịp cầu” gắn kết tình đoàn kết quân dân nơi khu vực biên giới, biển đảo

19:24 04-03-2024

VBĐVN.vn - Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng luôn phát huy vai trò, trách nhiệm của bản thân trong sự nghiệp xây dựng nền Biên phòng toàn dân, gắn bó máu thịt với đồng bào các dân tộc nơi biên giới. Đặc biệt, với việc triển khai thực hiện sâu rộng, có hiệu quả "Ngày Biên phòng toàn dân" từ cấp Trung ương đến các địa phương đã góp phần phát huy trách nhiệm và sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp quản lý và bảo vệ biên giới; xây dựng nền Biên phòng toàn dân, thế trận Biên phòng toàn dân vững mạnh ở khu vực biên giới, biển đảo.

Cán bộ quân y Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân biên giới. Ảnh: Thế Mạnh

Quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng; tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, sức mạnh của nhân dân: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, để hoàn thành được nhiệm vụ, Bộ đội Biên phòng phải dựa vào dân, xây dựng nền Biên phòng toàn dân vững chắc, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động và tổ chức cho nhân dân tham gia vào sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Từ thực tiễn hiệu quả của phong trào quần chúng nhân dân tham gia xây dựng và bảo vệ biên giới, ngày 22-2-1989, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 16/HĐBT về tổ chức "Ngày Biên phòng" trong cả nước, bắt đầu từ ngày 3-3-1989. Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XI, ngày 17-6-2003 đã thông qua Luật Biên giới quốc gia, trong đó xác định lấy ngày 3/3 hàng năm là "Ngày Biên phòng toàn dân".

Đây là một quyết định có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhằm làm cho cả nước chung tay hướng về biên giới; động viên, cổ vũ nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ biên giới, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Qua đó, khẳng định vị trí, tầm quan trọng của công tác Biên phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời mở ra một bước phát triển mới nhằm huy động sức mạnh toàn dân, toàn diện để đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới; trong đó xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mọi cấp trong hệ thống chính quyền Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, từ các ngành, các bộ chủ quản đến tận các đơn vị cơ sở.

Cùng với đó, để tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của toàn xã hội, của tuyến sau hướng về biên giới trong thực hiện "Ngày Biên phòng toàn dân" với các phong trào chính trị, xã hội sâu rộng, sinh động, ngày 12-2-2020, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã triển khai Kế hoạch số 78/KHPH-MTTW-BĐBP về việc phối hợp tổ chức “Ngày hội Biên phòng toàn dân” nhằm cụ thể hóa "Ngày Biên phòng toàn dân" thực sự trở thành ngày hội truyền thống và tập quán sinh hoạt văn hóa tốt đẹp của quân, dân biên giới, biển đảo; tạo ra được nhiều mô hình tiên tiến, cơ sở vật chất và tinh thần phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ biên giới.

Trên cơ sở đó, các ban, bộ, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố có biên giới, bờ biển đã quán triệt, triển khai nghiêm túc, hiệu quả 5 nội dung của "Ngày Biên phòng toàn dân"; quán triệt cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, quần chúng và nhân dân hiểu rõ vị trí, ý nghĩa, nội dung, tầm quan trọng của việc thực hiện "Ngày Biên phòng toàn dân" trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời xây dựng các chương trình hành động cụ thể, với những giải pháp thiết thực hướng về đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, động viên giúp đỡ Bộ đội Biên phòng, góp phần xây dựng và củng cố vùng biên giới vững mạnh.

Trong đó, phải kể đến sự phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng với các lực lượng và đồng bào biên giới, tạo nên nhiều phong trào hoạt động trên địa bàn biên giới; một số chương trình phối hợp đã được ký kết giữa Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về vận động phong trào “Phụ nữ vì biên giới”, với Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác “xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học”, với các địa phương về phong trào “Quần chúng tự quản đường biên, cột mốc biên giới”, tổ chức kết nghĩa, đỡ đầu, các hội nghị già làng, trưởng bản, người Công giáo điển hình, thanh niên xung kích làm chủ đường biên...

Đặc biệt, phong trào “Quần chúng tự quản đường biên, cột mốc biên giới” được hình thành từ hoạt động thực tiễn, lần đầu xuất hiện ở tỉnh Cao Bằng (năm 1997), sau phát triển sang nhiều tỉnh; đây là hình thức giáo dục, tổ chức thích hợp để đưa nhân dân các dân tộc trực tiếp tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới có hiệu quả nhất, làm cho mỗi người dân thực sự trở thành chủ nhân ở khu vực biên giới, góp phần củng cố đoàn kết dân tộc, xây dựng cơ sở chính trị và thúc đẩy các phong trào khác ở địa phương, từ đó thúc đẩy sự phát triển của nền Biên phòng toàn dân lên một bước mới.

Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang tổ chức "Ngày hội Biên phòng toàn dân'' năm 2024 tại xã Xín Chải, huyện Vị Xuyên. Ảnh: Tiến Thắng

Trải qua 35 năm, "Ngày Biên phòng toàn dân" đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến tích cực về cả nhận thức và hành động trong các tầng lớp nhân dân; trở thành ngày hội của đồng bào các dân tộc nơi biên giới. Từ những hoạt động trên, gắn với thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, đến nay, trên cả nước đã có gần 2.000 tổ tự quản, 46.000 hộ gia đình và trên 96.000 cá nhân đăng ký tự quản đường biên, mốc quốc giới; hơn 3.000 tổ tàu thuyền đoàn kết; 400 bến, bãi an toàn và hơn 16.000 tổ an ninh, trật tự.

Hiện tại, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã ký quy chế, chương trình phối hợp với hơn 20 ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; 44 tỉnh, thành phố biên giới và các đơn vị Quân đội; chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương kết nghĩa, đỡ đầu các cơ quan, đơn vị trên biên giới. Nhiều chương trình hoạt động hướng về biên giới được tổ chức thường xuyên, hiệu quả như: “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”, “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn Biên phòng”, “Thầy giáo quân hàm xanh”, “Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới”...; trực tiếp cùng địa phương củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng biên giới vững mạnh, phát triển. Qua đó, tăng cường đoàn kết, phối hợp, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau giữa Bộ đội Biên phòng với các lực lượng và nhân dân.

Có thể khẳng định, các hoạt động của "Ngày Biên phòng toàn dân" được tổ chức thường xuyên, rộng khắp; tạo khí thế sôi nổi, trở thành ngày hội của nhân dân cả nước, góp phần xây dựng nền Biên phòng toàn dân, thế trận Biên phòng toàn dân vững chắc. Qua đó phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các đoàn thể, của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, trong đó Bộ đội Biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, biển, đảo; góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

Ngọc Lâm (bienphong.com.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang