Những cột mốc chủ quyền vĩnh cửu (Bài 1): Lời thề nơi đầu sóng

07:23 12-10-2023

VBĐVN.vn - LTS: Trong hành trình tìm đến những nơi đảo xa, chúng tôi may mắn được tiếp cận nhiều lớp trầm tích, giá trị văn hóa đặc sắc trải dài trên hàng ngàn km bờ biển. Giữa trùng khơi bao la, những giá trị văn hóa chính là cột mốc chủ quyền vĩnh cửu mà người Việt qua bao thế hệ, với tinh thần hướng biển, yêu biển đã vun đắp, khẳng định niềm tin và lời thề bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trên những dặm dài hải lý, sóng gió Biển Đông đã mang đến vô vàn cảm xúc khi tận mắt chứng kiến những câu chuyện, hình ảnh kiên cường, những trái tim tình nguyện dâng hiến vì biển đảo quê hương. Những cột mốc chủ quyền vĩnh cửu giữa trùng khơi đã và đang phát huy mạnh mẽ “sức mạnh mềm”, góp phần đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, hòa vào “thế kỷ của đại dương” như những Nghị quyết, Chiến lược của Đảng đã đề ra.

Cột cờ Tổ quốc trên đảo Cồn Cỏ là nơi tổ chức các sinh hoạt chính trị, văn hóa, góp phần quan trọng về giáo dục lòng yêu nước đối với mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và người dân

Con tàu cao tốc rời cảng Cửa Việt (Quảng Trị), vượt qua những ngọn sóng phủ bọt trắng xóa đưa chúng tôi ra Cồn Cỏ, hòn đảo tiền tiêu đã đi vào lịch sử dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước như một biểu tượng chói ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Dù là hòn đảo nhỏ nhưng từng mét đất là máu xương, là tinh thần cống hiến và những giá trị tự hào. Cồn Cỏ được Nhà nước hai lần phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, và vinh dự được Bác Hồ ba lần gửi thư khen ngợi. “Kho lịch sử bằng vàng” mà Đảng bộ, chiến sĩ, cán bộ và nhân dân huyện đảo Cồn Cỏ xây dựng từ những cống hiến, hy sinh đã tạo nên di sản tinh thần vô giá. Để hôm nay, giữa Biển Đông xanh thẳm, hòn đảo nhỏ này luôn kiên cường, vang lời thề giữ trọn biển đảo quê hương.

“Chiến trường xưa” trên đảo

Trên suốt hải trình ra đảo Cồn Cỏ hôm ấy, sóng cấp 4-5, bọt phủ trắng mũi tàu, thuyền trưởng tàu cao tốc Chín Nghĩa Quảng Trị Trần Công Nam trò chuyện với chúng tôi về hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Nằm ở cửa ngõ phía Nam vịnh Bắc Bộ, vắt ngang vĩ tuyến 17, Cồn Cỏ cách đất liền từ 13 đến 17 hải lý. Đảo có tới hơn 70% là rừng tự nhiên, màu xanh mướt mát với hệ sinh thái rừng nhiệt đới 3 tầng được giữ gìn gần như nguyên vẹn. Ngày càng có sức hút, thế nhưng ra Cồn Cỏ không dễ, nhất là trong mùa này. Nửa cuối tháng 9, chỉ có 2 chuyến tàu ra đảo. Sóng gió thường trực, vì thế, ra Cồn Cỏ còn là ước muốn của nhiều người. “Tôi đưa tàu Chín Nghĩa vào khai thác năm 2018, nhiều khó khăn so với những nơi khác nhưng vì sự phát triển của Cồn Cỏ, chúng tôi cố gắng duy trì đưa du khách ra đảo, để có thêm nhiều người có cơ hội ngắm nhìn biển đảo thân yêu của Tổ quốc”, thuyền trưởng Trần Công Nam tâm sự.

Bến Nghè - bến cảng từng là nơi tiếp nhận 2.520 tấn hàng hóa, vũ khí của nhân dân Vĩnh Linh tiếp tế cho đảo

Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ Trương Khắc Trưởng cho biết, Cồn Cỏ là điểm để phân định đường cơ sở (A11), có ý nghĩa chiến lược trọng yếu trong quan hệ kinh tế - lãnh thổ và quốc phòng an ninh không chỉ đối với tỉnh Quảng Trị, khu vực Bắc Trung Bộ mà còn cả phạm vi quốc gia. “Đảo Cồn Cỏ là “chiến trường xưa”, nơi từng mét đất đều nhuốm đậm những hy sinh, nơi gắn liền với nhiều trận chiến đấu oanh liệt để bảo vệ đảo. Nhiều di tích trận địa trên đảo gắn liền với những chiến công hiển hách của cán bộ, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, và hôm nay đã trở thành địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống cách mạng. Với những vị khách vượt sóng gió ra Cồn Cỏ, những giá trị văn hóa ấy càng nhân lên nhiều ý nghĩa…”, ông Trưởng chia sẻ. Nữ cán bộ huyện đảo Cồn Cỏ Hoàng Thị Mỹ Duyên đưa chúng tôi đến với những địa danh lịch sử, văn hóa tiêu biểu nơi hòn đảo tiền tiêu này. Cảm xúc thiêng liêng khi đứng dưới cột cờ Tổ quốc, nhìn ngắm lá cờ đỏ sao vàng tung bay, xúc cảm tự hào trào dâng mãnh liệt. Cột cờ Tổ quốc trên đảo Cồn Cỏ được xây dựng năm 2016, hoàn thành năm 2017, là nơi tổ chức các sinh hoạt chính trị ý nghĩa, góp phần giáo dục lòng yêu nước của mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân trên đảo.

Duyên đưa chúng tôi tới hầm Quân y Cồn Cỏ, vốn là một hang đá tự nhiên nhưng gánh vác sứ mệnh lịch sử trên đảo những năm tháng chiến tranh chống Mỹ. Cô gái trẻ kể chuyện, di tích này trong giai đoạn 1964-1975 là hầm phẫu thuật quân y của đảo. Căn hầm thiếu thốn ánh sáng và điều kiện thuốc men, dụng cụ phẫu thuật nhưng từng là nơi hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, dân quân tiếp tế cho đảo trong cuộc kháng chiến cam go đã được các y bác sĩ cấp cứu, điều trị kịp thời.

Cách đó không xa, Bến Nghè - bến cảng từng là nơi tiếp nhận 2.520 tấn hàng hóa, vũ khí của nhân dân Vĩnh Linh tiếp tế cho đảo. Cũng tại Bến Nghè, ngày 29.6.1965, Đảo trưởng Trần Văn Thà đã tiếp nhận chiếc đài bán dẫn National của Bác Hồ kính yêu tặng chiến sĩ đảo Cồn Cỏ.

Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ là nơi huyện đảo Cồn Cỏ và cả nước tưởng niệm anh linh 104 liệt sĩ đã trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ đảo

Trước Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, thành tâm dâng nén nhang thơm, Duyên nhỏ nhẹ, “vị trí linh thiêng này là nơi Cồn Cỏ và cả nước tưởng niệm anh linh 104 liệt sĩ đã trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ đảo. Thế hệ đi sau trên hòn đảo này thường được các bậc tiền nhân đã gắn bó, hy sinh vì chủ quyền của Cồn Cỏ kể lại câu chuyện thấm đẫm nước mắt về những người lính đã không tiếc máu xương, sẵn sàng dấn bước vì Tổ quốc. Nhiều người không trở về, hòa thân mình trong sóng nước trùng khơi. Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, bảo vệ đảo vì thế chính là cột mốc văn hóa tâm linh trên hòn đảo anh hùng. Du khách đến Cồn Cỏ đều đến đài tưởng niệm để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ”.

“Tất cả cho Cồn Cỏ”

Đã gần 6 thập kỷ trôi qua nhưng ký ức những ngày tháng vượt biển trong đêm tối mịt mùng, đưa hàng tiếp tế lương thực, vũ khí cho bộ đội chiến đấu trên đảo Cồn Cỏ vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của người đảng viên cao tuổi Nguyễn Văn Tống. Thời trai trẻ, sức vóc và dũng khí ông dành trọn vẹn cho Tổ quốc, cho biển đảo quê hương.

Nheo đôi mắt già nua, ông Tống nhớ lại, tháng 5.1965, tình hình trên đảo vô cùng khẩn cấp. Đạn phải bắn từng viên, gạo ăn từng bữa và nước ngọt chỉ trông chờ vào những cơn mưa. Đầu tháng 6.1965, Khu ủy Vĩnh Linh họp phiên đặc biệt và ra Nghị quyết: Giữ đảo với tinh thần “Còn Vĩnh Linh thì còn đảo”, “Còn một người, còn đảo”. Khẩu hiệu “Tất cả cho Cồn Cỏ” lan truyền khắp các thôn xã. Hưởng ứng lời kêu gọi của Khu ủy Vĩnh Linh, nhiều lá đơn tình nguyện xin đi tiếp tế cho đảo. “Biết đi là có thể sẽ không về, trong tôi ngày ấy không có chữ “nhưng”. Tôi xung phong tham gia Đại đội 22 thuộc Trung đoàn 270 được thành lập, tức C22…”, ông Tống nhớ lại.

Những đêm tối trên biển, ông Tống cùng đồng đội chèo thuyền ván thô sơ chở vũ khí, lương thực ra tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ. Xuất phát ở ven biển Vịnh Mốc từ 7 giờ tối, xuôi chèo mát mái thì 2 giờ sáng hôm sau thuyền cập đảo, đưa vũ khí, lương thực lên bờ rồi tất cả lại chờ đến tối để chèo thuyền trở lại đất liền. Mỗi chuyến vận chuyển vũ khí, lương thực ra đảo đều chênh vênh lằn ranh giữa sự sống, cái chết. Máy bay Mỹ liên tục oanh tạc ngay trên mũi thuyền, nhiều người đã hy sinh. Thế nhưng, chẳng một ai nao núng. Những chuyến thuyền nan cảm tử vẫn liên tục vươn khơi, bảo vệ hòn đảo máu thịt của quê mình.

Trở về cuộc sống đời thường, năm 1969 tôi được kết nạp Đảng, sinh hoạt tại chi bộ Vịnh Mốc. Trải qua nhiều vị trí công tác, chứng kiến cuộc sống ngày càng thay đổi nhưng những ký ức về Cồn Cỏ oai hùng ngày ấy trong tôi mãi không phai mờ. Trong câu chuyện với gia đình, tôi vẫn dạy con cháu phải biết sống, biết cống hiến sao cho xứng với truyền thống anh hùng, với sự hy sinh của thế hệ đi trước.

(Ông NGUYỄN VĂN TỐNG)

Câu chuyện năm xưa được ông Tống kể cho chúng tôi nghe trong ngôi nhà ông đang ở tại đội 3, thôn Vịnh Mốc, xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Đôi tay run rẩy, nhưng người cảm tử quân năm xưa vẫn minh mẫn lần giở từng trang ký ức oai hùng. Giai đoạn 1965-1968, ông Tống đã vượt sóng gió vận chuyển hàng chục chuyến tiếp tế ra đảo Cồn Cỏ.

Kỷ niệm nhiều không sao kể hết. Ông nhớ nhất chuyến ra đảo tháng 6.1968, đi được nửa đường thì địch phát hiện, bắn pháo sáng bao vây và kêu gọi đầu hàng. Đồng đội trên thuyền của ông kiên quyết dùng súng B40 bắn trả để tiếp tục hành trình. Bất ngờ pháo từ hạm đội của Mỹ dội xuống tới tấp, thuyền của ông trúng đạn, 4/6 người hy sinh, ông bị thương nặng nhưng may mắn được đồng đội còn lại dìu vào Cồn Cỏ. Sau trận đánh anh dũng trên biển hôm đó, ông cùng đồng đội được tặng thưởng và truy tặng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Đảo Cồn Cỏ vinh dự được Bác Hồ ba lần gửi thư khen ngợi

“Trở về cuộc sống đời thường, năm 1969 tôi được kết nạp Đảng, sinh hoạt tại chi bộ Vịnh Mốc. Trải qua nhiều vị trí công tác, chứng kiến cuộc sống ngày càng thay đổi nhưng những ký ức về Cồn Cỏ oai hùng ngày ấy trong tôi mãi không phai mờ. Trong câu chuyện với gia đình, tôi vẫn dạy con cháu phải biết sống, biết cống hiến sao cho xứng với truyền thống anh hùng, với sự hy sinh của thế hệ đi trước”, ông Tống tâm sự.

Nối tiếp truyền thống, con trai ông Tống, anh Nguyễn Quang Thánh là thế hệ thanh niên xung phong đầu tiên ra Cồn Cỏ lập nghiệp, xây dựng đảo. Được cha động viên, anh Thánh gắn bó và cống hiến trên hòn đảo tiền tiêu này từ năm 2002, với tâm niệm đau đáu một thời tuổi trẻ của cha ông về việc gìn giữ chủ quyền hòn đảo. Anh Thánh đang đảm nhiệm vị trí Phó trưởng ban Thường trực Ban Xây dựng Đảng huyện Cồn Cỏ, còn người dân đảo thì mộc mạc gọi anh là “trưởng làng” (làng Thanh niên xung phong).

Tự hào và biết ơn cha ông đã hy sinh xương máu để giữ đảo, anh Thánh cùng lớp thanh niên xung phong đầu tiên ra Cồn Cỏ luôn trăn trở, vận động người dân trên đảo cùng chung tay, góp sức xây dựng đảo ngày càng phát triển hơn. “Ý Đảng, lòng dân” nơi đầu sóng ngọn gió luôn mãnh liệt. Có lẽ vì thế, tình yêu mà các thế hệ trong gia đình anh dành cho Cồn Cỏ cũng đặc biệt như máu thịt và thanh xuân của biết bao anh hùng, liệt sĩ, những người đã dâng hiến cả cuộc đời vì Cồn Cỏ. Nhớ lời cha, anh Thánh luôn cố gắng sống xứng đáng với vai trò là một cán bộ, đảng viên gương mẫu. Thế hệ thứ ba, con trai anh Thánh học ngành kinh tế, hiện cũng đang làm việc cùng cha trên đảo.

“Lời thề nơi đầu sóng, gần 60 năm trước tôi đã luôn tâm niệm. Lời thề ấy, cho đến hôm nay vẫn đang được giữ gìn và tiếp nối một cách trọn vẹn, bởi những thế hệ cháu con luôn mạnh mẽ, kiên trung, vì một Cồn Cỏ kiên cường”, ông Tống xúc động chia sẻ.

Nối tiếp “kho lịch sử bằng vàng”

Giữa khơi xa, Cồn Cỏ vẫn giữ gìn vẹn nguyên những giá trị văn hóa riêng có cùng những chứng tích gắn với một thời mưa bom, bão đạn. Nền tảng văn hóa ấy đã tạo dựng nên những cột mốc vĩnh cửu trên Biển Đông, can trường trong sóng gió.

“Trải qua các thời kỳ lịch sử, Cồn Cỏ luôn là một biểu tượng bất khuất. Trên hòn đảo tiền tiêu luôn khắc ghi dấu mốc hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, ba lần được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Bác còn đề tặng hòn đảo anh hùng hai câu thơ: “Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận. Đánh cho tan xác giặc Hoa Kỳ”, Ông Trương Khắc Trưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ chia sẻ. Một thời “Máu và lửa” giữa trùng khơi dậy sóng đã hun đúc nên những kiên trung và lời thề bất tử, tạo nên diện mạo mới cho Cồn Cỏ hôm nay. Trong số 21 hộ gia đình và 84 nhân khẩu đang sống trên đảo, có những cán bộ, đảng viên, người dân luôn thủy chung với hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Cùng với đại gia đình đặc biệt ba thế hệ tiếp nối bảo vệ đảo như gia đình ông Tống, anh Thánh, Cồn Cỏ còn có nhiều tấm gương đã dành cả cuộc đời vì sự phát triển của đảo.

Chị Trần Thị Quyệt cùng thế hệ thanh niên xung phong tình nguyện ra đảo đầu tiên với anh Thánh. Gặp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ mà vợ chồng chị định cư trên đảo, chị Quyệt xúc động: “Là những thanh niên xung phong ngày ấy, rồi trở thành những đảng viên trên đảo, thế hệ chúng tôi tình nguyện, cố gắng để xây dựng Cồn Cỏ ngày một đẹp hơn, cùng nhau giữ gìn truyền thống và bản sắc văn hóa để tạo sức hút phát triển du lịch. Cồn Cỏ bây giờ đã khác, cư dân trên đảo có thêm động lực để nhân lên tình yêu với hòn đảo tiền tiêu yêu dấu”. Nói rồi, theo cánh tay gầy guộc của chị, chúng tôi nhìn phía điểm Trường Tiểu học Hoa Phong Ba vừa được khai giảng cách đó ít ngày. Có điểm trường, người dân trên đảo càng yên tâm và thêm yêu, gắn bó với đảo. Trước đây, khi chỉ học hết mầm non là những đứa trẻ đã phải xa cha mẹ về đất liền đi học. Sự xuất hiện của điểm trường tiểu học đầu tiên mang tên loài hoa biển đã thể hiện quyết tâm, mạnh mẽ của Huyện ủy, lãnh đạo huyện Cồn Cỏ, mang đến sự ấm áp, tin tưởng cho những gia đình yêu đảo, bám đảo.

Khu trung tâm đảo Cồn Cỏ ngày càng khang trang và hấp dẫn

Ông Trưởng cho biết: “Trên đảo có bộ đội, chiến sĩ, cán bộ và người dân sinh sống. Mỗi người một vị trí, nhưng tất cả đều mang đến Cồn Cỏ niềm tin, tình yêu và sự tình nguyện cống hiến dựng xây, phát triển đảo”. Câu chuyện về những đảng viên sống, chiến đấu và hy sinh cho Cồn Cỏ năm xưa vẫn luôn được thế hệ hôm nay nhắc nhớ như tấm gương để mỗi người sống có trách nhiệm, cống hiến nhiều hơn. Chúng tôi được nghe câu chuyện cảm động về xạ thủ súng máy Đinh Ngọc Vân. Tháng 3.1965, anh bị thương nặng khi đang chiến đấu, phải phẫu thuật cắt cụt hai chân, nhưng vẫn nói với chỉ huy: “Chắc tôi sẽ hy sinh, không cùng chiến đấu tới cùng cho đảo. Song, tôi muốn hy sinh với danh hiệu của người đảng viên Cồn Cỏ”.

Lễ kết nạp đảng viên đặc biệt được tổ chức ngay tại trận địa. Xạ thủ Đinh Ngọc Vân trút hơi thở cuối cùng trong niềm vui toại nguyện. Còn nhiều câu chuyện thấm thía như thế trên hòn đảo này. “Giá trị văn hóa đầu tiên mà những người lính giữ biển được hun đúc, đó chính là tình yêu biển đảo quê hương, gắn bó và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ mảnh đất thiêng liêng giữa trùng khơi Tổ quốc…”, nhìn ra phía xa, nơi mướt mát màu xanh của rừng và biển, Trạm trưởng Trạm Hải đăng Cồn Cỏ Lê Văn Thìn chia sẻ.

Quê ở Nam Đàn (Nghệ An), hơn 10 năm gắn bó với Cồn Cỏ, hòn đảo đã trở thành quê hương thứ hai của Thìn. “Đảo là nhà, biển cả là quê hương. Mỗi ngày, những đảng viên, cán bộ công tác tại Trạm Hải đăng với đôi “mắt biển” luôn túc trực 24/24h, nhiệm vụ của chúng tôi là bảo đảm an toàn hàng hải, đèn chiếu sáng phục vụ tàu thuyền, gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia”, anh Thìn kể. Cồn Cỏ chưa sôi động, hào nhoáng, nhưng có một sợi dây kết nối vô hình để bất kỳ ai chỉ một lần đặt chân lên đảo cũng không thể nào quên. Trạm Hải đăng Cồn Cỏ có người đã gắn bó gần hai thập kỷ, tất cả đều tâm niệm nhiệm vụ giữ gìn biển đảo thiêng liêng là lẽ sống lớn nhất trong đời.

Chiều tà trên Cồn Cỏ, những vạt rừng nhạt dần trong làn nước xanh của biển, Trung tá Nguyễn Đình Cường, Đồn trưởng Đồn Biên Phòng Cồn Cỏ kể cho chúng tôi nghe câu chuyện gắn kết tình quân dân trên đảo nhỏ. Với lính đảo, thực thi nhiệm vụ giữ vững, bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước có ý nghĩa thiêng liêng như bảo vệ ngôi nhà của chính mình. Bởi vậy, dẫu mỗi ngày phải đối mặt với muôn vàn khó khăn nhưng tinh thần “Tất cả vì Cồn Cỏ” năm xưa vẫn luôn được những người lính nơi đầu sóng ngọn gió khắc ghi trong tâm khảm.

Anh nói: “Quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, những năm qua, Thường vụ Đảng ủy, Bộ đội Biên phòng Cồn Cỏ luôn chú trọng thực thi nhiệm vụ cũng như thường xuyên tuyên truyền cho người dân về bảo vệ chủ quyền biển đảo. Giữa khơi xa sóng gió, mỗi người dân chính là một cột mốc sống về chủ quyền. Họ không chỉ cùng với những người lính biển bám biển, bám đảo mà còn là nhân tố quan trọng để thực hiện tốt hơn công tác giáo dục truyền thống của đảo nhỏ anh hùng. Hôm nay, Cồn Cỏ đã được quảng bá, giới thiệu đến bạn bè gần xa là “hòn đảo ngọc”, tỏa sáng nơi cửa ngõ tiền tiêu Tổ quốc.

Đảo Cồn Cỏ là “chiến trường xưa”, nơi từng mét đất đều nhuốm đậm những hy sinh, nơi gắn liền với nhiều trận chiến đấu oanh liệt để bảo vệ đảo. Nhiều di tích trận địa trên đảo gắn liền với những chiến công hiển hách của cán bộ, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, và hôm nay đã trở thành địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống cách mạng. Với những vị khách vượt sóng gió ra Cồn Cỏ, những giá trị văn hóa ấy càng nhân lên nhiều ý nghĩa…

(Ông TRƯƠNG KHẮC TRƯỞNG, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ

(còn nữa)

Ghi chép của Thu Trang-Thúy Hà; ảnh: Trần Tuấn

(baovanhoa.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang